Con trai ông Mỹ bước chân loạng choạng trên đường đưa tang
5h sáng, tiếng phèng la vang lên từng hồi phá tan sự yên tĩnh của làng quê Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) nằm bên bờ con song Ô Lâu.
Tiếng phèng la đánh thức hàng xóm, láng giềng. Chẳng ai bảo ai, họ biết tiếng phèng đánh lên từ xóm nhà dòng họ Nguyễn Khắc, nơi 5 căn nhà đang có tang lễ, 12 bộ quan tài và những tiếng khóc xót xa những ngày qua.
Các cụ bô lão, người thôn Lương Điền và các thôn ngay cạnh như Tân Điền, An Điền… bước vội về nơi có tiếng phèng la.
Xé vội tờ lịch, bà Nguyễn Thị Hà (hàng xóm anh Nguyễn Khắc Long) chép miệng, thở dài.
"Em, không, đừng khóc, để ba mẹ đi"
"Hôm nay là nhà hắn (anh Long – PV) tổ chức đám cưới đây. Đáng lẽ giờ ni là nhạc mừng nổi lên rồi chứ đâu phải tiếng của phường bát âm như vậy", bà Hà buông lời than thở. Nói rồi, bà Hà cầm vội chiếc nón lá cũ, tất tả bước sang nhà gia đình ông Nguyễn Khắc Nguyền.
Dòng người tiễn biệt các nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc về nơi an nghỉ cuối cùng
Vợ chồng ông Nguyền, bà Nguyễn Thị Gái là chú của anh Long. Vợ chồng ông bà có 4 người con, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Anh Long mời vợ chồng họ đi rước dâu để lấy phúc, mong muốn con cái được đuề huề, ngoan ngoãn như con của vợ chồng ông Nguyền.
Chuyến đi định mệnh đó, vợ chồng ông Nguyền, bà Gái tử vong tại chỗ khi chiếc xe rước dâu đâm vào xe container đi ngược chiều.
Con trai ông Mỹ quỵ ngã trước nỗi đau quá lớn
Vợ chồng ông Nguyền, bà Gái là những nạn nhân đầu tiên trong số 12 người gặp nạn được đưa đi chôn cất. Ông Nguyễn Hữu Phú, trưởng thôn Lương Điền cho hay, họ hàng cũng muốn đưa mọi người ra nghĩa trang cùng nhau nhưng lực bất tòng tâm.
"Xe tang không đủ, làng đi mượn và các làng khác cũng hỗ trợ. Đội ân công cũng không đủ người để đưa họ đi cùng lúc. Ông Nguyền, bà Gái đi trước, 6h sáng. Hôm nay còn ông Nguyễn Khắc Mỹ lúc 7h và ông Nguyễn Khắc Mãn lúc 8h.
Ngày mai sẽ đưa tiếp 8 người còn lại", ông Phú nói, giọng trầm buồn.
Tiếng khóc rống của người con trai ông Mỹ khiến ai nấy đau xé lòng
7h sáng, đội ân công làm lễ trước bàn thờ ông Nguyễn Khắc Mỹ trước giờ di quan ra nghĩa trang. Tiếng khóc vang lên nghe xé lòng. Có người đàn ông hàng xóm lén quay mặt đi, lau vội giọt nước mắt. Người thanh niên to khỏe, con trai ông Mỹ, mặc bộ áo quần tang, đầu chít khăn trắng khóc rống lên, vật vã.
Hai người đàn ông đứng cạnh, dìu đi từng bước. Đôi chân con trai ông Mỹ lê dài dưới đất. Người thanh niên sức vóc có thể quật ngã trâu bước chân loạng choạng trên đường, khóc lớn từng hồi.
Người phụ nữ bên cạnh nước mắt đầm đìa, nói: "Em, không, đừng khóc, để ba mẹ đi".
Đội ân công đẩy chiếc xe tang rời nhà, đi về hướng nghĩa địa. Hàng dài những người đưa tang đi theo sau. Họ im lặng, chỉ có tiếng khóc của người nhà ông Mỹ vang lên. Những người dòng họ Nguyễn Khắc đi bên cạnh dìu họ đi từng bước.
Người đàn ông đi dẫn đường cho đoàn xe tang, tay cầm đốm lửa, tay kia xách theo túi ni lông chứa gạo muối. Thỉnh thoảng, ông vốc nắm gạo muối rải xuống đường rồi thêm một ít vàng mã.
"Đời tôi, phụ trách xe quan của làng, lo việc tang ma cho người trong làng mà chưa từng chứng kiến thảm nạn nào như vậy. 60 tuổi đời, từ thời chiến tranh cũng chưa có khi mô chết một lúc nhiều ri.
Tôi đi mua gạo muối, vàng mã rải khi đưa tang để xin đường, mua nhiều gấp 12 lần so với những lần khác", ông Nguyễn Thủy, người làng Lương Điền, tâm sự.
Những tờ tiền, vàng mã chồng lên nhau sau những chuyến xe tang
Nghĩa trang xã Hải Sơn nằm giữa khu rừng bạch đàn cách thôn Lương Điền chừng 7km. Những ngôi huyệt mộ nằm cạnh nhau. Người nhà ông Mỹ ngồi gục xuống bên cạnh miệng huyệt. Đôi mắt họ đờ đẫn nhìn đất phủ dần dần lên cỗ quan tài. Con gái ông Mỹ bốc nắm đất bỏ lên mộ sau khi những người họ hàng đã lấp đầy.
"Ba, ba nghỉ ngơi nhé"...