Bà Christine Eichin đã yêu chiếc Cybertruck nhà Tesla ngay khi nhìn thấy nó vào tháng 11/2019, khi tỷ phú Elon Musk giới thiệu sản phẩm ô tô bán tải điện nặng 3 tấn hoàn toàn bằng thép chống đạn này.
Ngay khi trở về khách sạn sau sự kiện ra mắt trên, Eichin đã đặt hàng chiếc xe này với những tính năng nổi trội của nó. Màn trình diễn kháng được đạn 9mm, khả năng tăng tốc nhanh hơn cả siêu xe Porsche cùng gầm cao, chạy được đến hơn 800km cho mỗi lần sạc khiến Eichin không thể cưỡng lại được.
Với mức giá chỉ 39.900 USD, chiếc Cybertruck của nhà Tesla được cho là quá rẻ so với những tính năng của nó, được kỳ vọng là sẽ tạo nên cơn địa chấn trên thị trường xe bán tải.
Bởi vậy hơn 1,7 triệu khách hàng đã đặt hàng với khoản tiền cọc 100 USD/người. Thế nhưng đã 4 năm trôi qua và Eichin cũng như hàng triệu khách hàng khác vẫn chẳng thấy tin tức gì từ Tesla.
Mặc dù Elon Musk cam kết chiếc xe đầu tiên sẽ lăn bánh từ năm 2021, thế nhưng cho đến hiện tại thì Tesla còn chẳng có thông báo gì về thời hạn giao hàng.
Cho đến tận tuần trước, đế chế nhà Elon Musk này mới có dòng thông báo ngắn ngủi rằng chiếc Cybertruck đầu tiên đã được ra lò tại nhà máy ở Austin, vậy nhưng tuyên bố này cũng gây nghi ngờ trong giới chuyên gia khi Tesla đã trễ hạn quá lâu.
Bên cạnh đó, việc Tesla vấp phải vô số khó khăn, từ đứt gãy chuỗi cung ứng vì bệnh dịch, sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng xe khác khiến thị phần giảm hơn 60% trong khoảng tháng 11/2021-12/2022 đã khiến Elon Musk dường như quên mất dòng xe bán tải.
Thế rồi quá bận bịu vì thay đổi Twitter, thương vụ ngốn 44 tỷ USD cùng hàng tỷ USD vay nợ ngân hàng của nhà sáng lập này càng khiến mọi người nghi ngờ về ngày giao hàng của Cybertruck.
Ngoài ra, dù Tesla là hãng đi tiên phong ở mảng xe điện nhưng trong ngành ô tô bán tải điện thì công ty lại đi sau các thương hiệu như Rivian hay Ford, qua đó khiến khách hàng Cybertruck ngày càng chán nản hơn nữa.
Đã 4 năm trôi qua kể từ lễ ra mắt Cybertruck, trong khi các đối thủ tiềm năng thu hút hết khách hàng thì Tesla vẫn chẳng có thông tin gì mới, dẫn đến câu hỏi hiện nay là liệu còn ai trong số 1,7 triệu người mua đặt cọc còn muốn sản phẩm nhà Tesla này?
Lập dị
Giáo sư Dale Harrow của trường Đại học nghệ thuật hoàng gia (RCA) tại London nhận định Cybertruck là dòng sản phẩm “lập dị” của Tesla khi đi ngược lại hoàn toàn triết lý phát triển lẫn thiết kế của hãng từ trước đến nay.
Theo tờ Fortune, chính sự lập dị này đã khiến Tesla gặp vô số rắc rối về sản xuất. Những tài liệu rò rỉ vào đầu năm nay cho thấy Cybertruck có độ rung và tiếng ồn quá mức khiến Tesla bị trì hoãn trong việc hoàn thiện để giao hàng.
“Bạn sẽ cần nhiều áp lực hơn để ép thép không gỉ so với những loại thép khác. Thế nhưng áp lực tăng lên sẽ tạo nên các hệ lụy như uốn nếp dọc cạnh thân xe”, giáo sư Harrow cho biết.
Thế rồi đại dịch khiến nhà máy Tesla tại Thượng Hải bị đình trệ, chuỗi cung ứng gián đoạn càng khiến nguồn cung chip điện tử và thép không gỉ bị đứt gãy.
Ngay khi áp lực chuỗi cung ứng được giải quyết phần nào và nhà máy ở Thượng Hải quay trở lại hoạt động thì Tesla lại phải đối mặt với sức ép từ cổ đông. Tăng trưởng chậm lại cùng bất an về nền kinh tế khiến nhà đầu tư theo dõi sát sao hơn, đòi hỏi lợi nhuận nhiều hơn so với việc khám phá những sản phẩm mang tính cách mạng.
Trớ trêu thay, lượng đơn hàng cho các dòng sản phẩm cũ củ Tesla đang giảm tốc trong khi hãng chưa ra mắt được mẫu xe mới nào kể từ năm 2020. Bởi vậy Cybertruck từng được kỳ vọng là phao cứu sinh cho Elon Musk, nhưng thực tế thì lại đầy khó khăn.
Khó nhằn
Tờ Fortune nhận định thị trường xe tải và bán tải ở Mỹ rất khác so với dòng ô tô cá nhân thông thường. Thay vì tập trung tại thành thị như xe thường, các ô tô tải và bán tải thường lái ở vùng nông thôn, hoang vu, địa hình hiểm trở và đây là lý do họ chẳng mấy quan tâm đến cách mạng xe điện của Elon Musk.
Bằng chứng rõ ràng nhất là các doanh nghiệp xe tải điện khác ngoài Tesla đang phải vật lộn với đống hàng tồn kho. Ví dụ như Rivian sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), với tổng giá trị lớn thứ 6 trong lịch sử kinh tế Mỹ, vào năm 2021, lượng đặt hàng ban đầu khá nhiều. Thế nhưng hiện tại Rivian lại gặp khó khăn với đồng hàng tồn kho của mình.
Tương tự, doanh số dòng xe điện bán tải F 150 Lighting của Ford thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, khiến công ty phải giảm giá 17% để thu hút khách hàng.
Bản thân bà Eichin cũng cho biết 75% người dân tại quê nhà lái xe bán tải nhưng chẳng mấy ai muốn đổi sang xe điện, bao gồm cả đứa con đang làm trong ngành xây dựng của mình. Sự bất tiện khi chạy trên địa hình trắc trở của xe điện cũng như không sẵn có hệ thống sạc khiến ô tô bán tải xăng dầu vẫn là lựa chọn ưu tiên số 1.
Với lý do trên, hãng xe GMC đã cho ra mắt dòng ô tô điện Hummer chạy trong thành phố, nhấn mạnh vào kiểu dáng hầm hồ hơn là tính năng vượt đèo lội suối. Tuy nhiên trong quý I/2023, GMC chỉ bán được có 2 chiếc Hummer.
Quay trở lại câu chuyện của Cybertruck, hãng Tesla kỳ vọng sẽ bán được 250.000 sản phẩn này mỗi năm và thậm chí là 500.000 chiếc khi nhà máy chạy hết công suất.
Con số này gần như là không tưởng khi dòng xe bán tải Hummer chạy xăng nổi tiếng cũng chỉ bán được 70.000 chiếc vào thời kỳ hoàng kim giữa thập niên 2000.
Tương lai mịt mờ
Theo Fortune, chắc chắn Cybertruck sẽ không có cái giá bình dân 39.900 USD cho đại chúng như tuyên bố trong lễ ra mắt năm 2019. Tháng 10/2021, Tesla đã loại bỏ niêm yết giá của Cybertruck khỏi trang web của mình.
Rất rõ ràng, thực tế khác xa so với lý tưởng đã khiến Elon Musk quay về hiện thực. Những thách thức trong công nghệ áp lực thép không gỉ khiến dòng xe bán tải nhà Tesla không thể hạ chi phí như mong muốn.
Thậm chí trong cuộc họp với cổ đông năm 2022, chính Elon Musk đã phải thừa nhận sẽ điều chỉnh mức giá của Cybertruck do đánh giá sai lầm về kỹ thuật.
Để so sánh, một chiếc Hummer chạy xăng có giá 90.000 USD và dòng bán tải chống đạn chạy điện của Tesla chắc chắn sẽ không thể quá rẻ.
Một vấn đề nữa khiến nhiều người lo lắng là tên tuổi của Tesla và Elon Musk đang bị ảnh hưởng khá nhiều từ Twitter. Việc nhà sáng lập Tesla tốn tiền vay nợ để mua mạng xã hội này rồi sa thải hàng loạt, có những đọng thái và phát ngôn gây ảnh hưởng uy tín đã làm nhiều người từ bỏ hãng xe điện nhà Elon Musk để chuyển sang mua của đối thủ.
Khảo sát xếp hạng danh tiếng hàng năm của Harris tại Mỹ cho thấy Tesla đã tụt 50 hạng so với năm 2022. Trong quý IV/2022, Tesla cho biết bán ít hơn 34.000 chiếc xe so với số lượng sản xuất.
Để bù đắp, Elon Musk đã chỉ đạo giảm giá đến 20%, qua đó thúc đẩy doanh số nhưng lại xói mòn tỷ suất lợi nhuận. Trong quý I/2022, tỷ suất lợi nhuận của Tesla lên đến 30% thì 1 năm sau, con số này đã giảm một nửa.
“Tôi là một người hâm mộ của Tesla, nhưng chắc chắn không phải là người hâm mộ Elon Musk”, bà Eichin ngán ngẩm nói.
*Nguồn: Fortune