Có giá trị cả nghìn tỷ đồng nhưng hệ thống thang máy và nhà ga dù đã hoàn thành chỉ để phơi nắng mưa
Tàu chưa chạy đã trả lãi 1 tỷ đồng/ngày
Theo đó, trong buổi tiếp xúc cử tri vào tháng 11/2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang phối hợp với nhà thầu đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành vào cuối tháng 12/2019. Nhưng thực tế đến nay đã bước sang năm 2020, trên toàn tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông hệ thống đường ray trên cao vẫn vắng tàu hoạt động toàn công trường vắng bóng cán bộ, công nhân viên vận hành. Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong chiều 3/1, tại các cửa vào cầu thang để đi lên ga, hầu hết bị bịt kín, với các cửa ga tại nhà ga Vành đai 3, nhà ga Hoàng Cầu… đơn vị thi công căng dây và dựng các biển báo tự chế với các dòng chữ viết tay “Cấm vào ga”, “Không phận sự miễn vào”…
Trong khi hạ tầng xây dựng để phục vụ các đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thiện nhưng đang để phơi nắng mưa, bên dưới các trục đường như Nguyễn Trãi - Quang Trung (Hà Đông), Láng, Hoàng Cầu thường bị ùn tắc kéo dài bất kể giờ cao điểm hay không, nhất là dịp cận Tết này.
Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, mang theo mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD nay đã bị đội vốn lên 891 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc) với lãi suất 3% năm. Dự án dài hơn 13km với 12 nhà ga trên cao. Đến nay dự án đã bị chậm tiến độ 5 năm. Tổng thầu thi công dự án theo hình thức EPC là Cty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, Chủ đầu tư là Bộ GTVT (đại diện là Ban Quản lý Dự án đường sắt).
Thông tin về tiến độ dự án, Ban Quản lý Dự án đường sắt vừa cho biết, hiện tại dự án đã xong 100% phần xây dựng, đang hoàn thiện các thủ tục về kỹ thuật để vận hành.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, căn cứ vào hợp đồng vay vốn ODA và tiến độ giải ngân, dự án có tiến độ thi công và giải ngân trong vòng 48 tháng (4 năm) nhưng thực tế đã kéo dài gần 9 năm. Theo hợp đồng vay vốn, dự án đã được giải ngân hết tổng mức đầu tư trên. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cho vay vốn đã tính lãi suất của dự án từ năm 2015. Với lãi vay thương mại ưu đãi trung bình 3%/năm cho khoản 552 triệu USD theo kế hoạch phê duyệt ban đầu, mỗi ngày phía chủ đầu tư Việt Nam đang phải trả lãi suất khoảng 1 tỷ đồng.
Tàu chưa được đăng kiểm an toàn
Trước việc dự án hoàn thành nhưng không thể hoạt động, vừa qua Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (NTNN) đã vào kiểm tra và đưa ra đánh giá: do dự án chưa có sơ đồ hoàn công tổng thể, chưa có hồ sơ kỹ thuật vận hành nên chưa có cơ sở nghiệm thu.
Từ thực tế trên, Hội đồng NTNN yêu cầu chủ đầu tư mời tư vấn độc lập vào kiểm tra, rà soát và có đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau đó chủ đầu tư là Bộ GTVT đã mời Tư vấn của Pháp vào cuộc.
Tuy nhiên trao đổi với PV với PV Tiền Phong ngày 3/1, một thành viên Hội đồng NTNN cho biết, tư vấn Pháp vẫn chưa thể đánh giá an toàn hệ thống để thực hiện các công việc còn lại trong đó có tiến hành kiểm định và cấp chứng nhận an toàn cho các đoàn tàu hoạt động thương mại.
Cũng trong ngày 3/1, nguồn tin của PV Tiền Phong cho biết, trong suốt thời gian vận hành thử 13 đoàn tàu của dự án vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam mới chỉ cấp giấy kiểm định tạm thời để các đoàn tàu hoạt động kỹ thuật và chạy không tải (không chở hành khách). “Để hoạt động thương mại và chở khách, theo quy định các đoàn phương tiện (tàu) này phải được Cục Đăng kiểm kiểm định và cấp chứng nhận an toàn. Tuy nhiên, hồ sơ vận hành và hồ sơ an toàn kỹ thuật của các đoàn tàu này chưa được Tư vấn Pháp đồng ý để kiểm định, cấp chứng nhận. Đây là lý do các đoàn tàu chưa thể hoạt động thương mại”, nguồn tin của Tiền Phong cho biết.
Tàu chỉ chạy thử rồi xếp kho, trong khi đường bên dưới ùn tắc như nêm