Đã bao giờ, giữa những bộn bề mong cầu sự thành đạt của một người lớn, sâu trong lòng bạn, có một tiếng nói nho nhỏ: "Ước gì mình được bé lại"?.
Tiếng nói không đầu, không cuối ấy xuất hiện khi bạn lướt qua hàng truyện tranh cũ trong con xóm nhỏ, khi bạn ghen tị với đứa bé được nghỉ hè, cũng có thể là khi bạn tìm một lối thoát cho những áp lực thực tại, nhớ về những ngày vô lo, vô nghĩ trên giảng đường. Đều là những hoài niệm đẹp đẽ, xuất hiện khi bạn muốn một chỗ "trú tạm" cho tinh thần.
Song, không phải khoảnh khắc nào của tuổi nhỏ cũng là miền ký ức hồn nhiên. Có những ám ảnh, những cảm xúc chưa bao giờ được đối diện mà ta tưởng mình đã rũ bỏ để trở thành một người lớn trọn vẹn, cũng có thể tìm đến ta vào một cách bất ngờ như vậy. Ai cũng mong có thể cất gọn chúng vào một góc phòng tâm trí, chỉ nhớ đến một tuổi thơ lý tưởng, nhưng liệu đó có phải là điều đúng đắn?
Một trong những khái niệm của tâm lý học mà chúng ta không dễ dàng chấp nhận chính là "đứa trẻ bên trong". Thật chán nản làm sao khi biết rằng sẽ luôn có một phần trong mình vĩnh viễn kẹt lại ở hình hài một đứa trẻ, dù chúng ta đã nỗ lực hết mình để làm một người lớn toàn vẹn, một phiên bản tốt và trưởng thành hơn.
Có lẽ bạn sẽ khó chấp nhận hơn nữa khi biết rằng đứa trẻ đó đã, đang và sẽ luôn ảnh hưởng đến hành vi, lối suy nghĩ và góc nhìn thế giới của bạn, theo cách khiến nó cảm thấy được an toàn nhất mà đôi khi sẽ có phản ứng sai lệch. Không phải lúc nào bạn cũng cần phải hình dung lại kí ức quá khứ để nhận biết có một đứa trẻ tồn tại trong tâm thức. Không. Cô bé, cậu bé ấy đang tác động đến từng ngóc ngách trong nhận thức của bạn, ngay tại đây, ngay lúc này.
Đứa trẻ của bạn nếu mang hình dáng của một cô bé thường bị cha mẹ so sánh với "con nhà người ta", sẽ phản chiếu bạn của hiện tại là một người mong cầu sự khen ngợi, theo đuổi những thành tích để chứng tỏ mình và không ngừng làm hài lòng người khác.
Đứa trẻ của bạn nếu là một thiếu niên bối rối với những lối yêu độc hại, tạo thành phiên bản một người lớn hoài nghi vào tình yêu. Né tránh một số người, địa điểm hay sự việc, phản ứng sợ hãi, lo lắng hay cầu toàn quá mức…đó đều là những dấu hiệu cho sự tồn tại của "đứa trẻ bên trong" - một dạng thức điều chỉnh hành vi ở hiện tại, bắt nguồn từ những trải nghiệm trong quá khứ mà đáng chú ý là các trải nghiệm tiêu cực.
"Lát cắt" tâm thức của con người cũng như loài cây thân gỗ, không có phiên bản nào của họ là biến mất vĩnh viễn, tựa như những vòng tròn trên thân cây tạo nên "lớp da" cứng cáp của hiện tại.
"Đứa trẻ bên trong" của bạn cô độc, có những nhận thức méo mó và cách hành xử né tránh, bộc phát là bởi cô bé, cậu bé ấy không nhận được cách đối đãi đúng mực vào ngày bé. Tình trạng của đứa trẻ đó sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu bạn bỏ rơi nó trong góc tối của tâm trí bạn, không xoa dịu, không thấu hiểu mà chỉ nhắm mắt cho qua.
Khi một đứa trẻ tồn tại, thường phải có một người lớn đồng hành để dưỡng dục cho em, nhưng trên thực tế, không phải lúc nào người lớn cũng làm tròn bổn phận đó. Chúng ta, khi đã trưởng thành, chính là người "trám" lỗ hổng trong cảm xúc và nhận thức của "đứa trẻ bên trong" đã bị trầy xước, có trách nhiệm nhìn nhận lại và chữa lành cho đứa trẻ từ quá khứ, đồng thời cũng là chữa lành cho chính mình.
Con người có một cơ chế tự chữa lành kỳ diệu, nhưng điều đó chỉ dễ thấy với các vết thương thể xác. Như thế không có nghĩa bạn không thể học hỏi cách mà những tế bào của chúng ta hồi phục và áp dụng để những vết thương trong tâm hồn được lành lặn. Chữa vết rách ngoài da hay vết rách bên trong, đều là một quá trình chậm rãi, đòi hỏi sự kiên nhẫn qua từng giai đoạn.
Trước tiên, vết thương sẽ chảy máu. Hãy để ra những tổn thương trong tâm hồn mình được giải bày sau những im lặng trấn áp. Lắng nghe và chấp nhận quan điểm của chúng, thay vì cố gắng bịt lại bằng một chiếc băng dính tạm bợ.
Khi vết thương khô dần - bạn đã nhận ra những tổn thương mà "đứa trẻ bên trong" phải chịu đựng, đây là lúc cần sử dụng lời trấn an như dịch huyết bao bọc vết thương để nuôi dưỡng một môi trường an toàn cho đứa trẻ chữa lành. Chẳng hạn, mỗi khi cảm thấy lo lắng mình sẽ phá hỏng mọi thứ vì ngay từ nhỏ bạn đã được bảo là sẽ không làm nên chuyện. Thì hãy tưởng tượng "đứa trẻ bên trong" đang xuất hiện ngay trước mắt bạn, và trấn an, khích lệ cô bé, cậu bé ấy bằng những điều tốt đẹp mà em chưa từng được nghe.
Khi vết thương gần lành, sẽ có những khoảnh khắc ngứa râm ran - chính là loại cảm giác khó chịu thách thức sự kiên nhẫn của bạn. Cắn đứt một vết thương đang đóng vảy sẽ chỉ gây ra một vết thương mới. Ép uổng "đứa trẻ bên trong" phải lành lặn ngay, không được thì lại đẩy em vào góc tối cũng sẽ có hậu quả tương tự. Hãy tiếp tục kiên nhẫn đối thoại để gỡ rối những khúc mắc của phiên bản quá khứ.
Gọi "đứa trẻ bên trong" là một người bạn - vì đứa trẻ ấy sẽ luôn luôn đồng hành cùng bạn trong suốt cuộc đời. Gọi "đứa trẻ bên trong" là một người em - vì những tổn thương, sự non nớt của em cần có một người lớn che chở và giúp đỡ. Gọi "đứa trẻ bên trong" là một người thầy - vì trên hành trình chữa lành cho cô bé, cậu bé ấy, bạn cũng sẽ học được nhiều bài học cho mình về cách trở thành một phiên bản hoàn thiện mà không cần phải phớt lờ những tổn thương trong quá khứ.
"Đứa trẻ bên trong" của bạn cũng giống như một con người thực thụ.
Nếu bạn không nỡ để những đứa em trong gia đình mình bị bỏ rơi, thì xin bạn cũng đừng cô lập mà nhốt "đứa trẻ bên trong" vào một góc tối trong tâm trí của mình. Chấp nhận rằng dù ở tuổi 20, 30 hay thậm chí là 60, luôn tồn tại một cô bé, cậu bé cần yêu thương, bảo vệ và chữa lành là cách mà bạn và những phiên bản quá khứ có thể "cộng sinh" để hướng đến một cuộc đời lành mạnh, rắn rỏi.
Hãy nhớ mãi đến hình cảnh những thân cây gỗ với sức sống mãnh liệt, chúng không thể cứng cáp nếu thiếu đi những vân tròn, là "lớp da" cũ sinh trưởng và vươn lên từ những bản ngã ngày trước.