Hôm qua là một ngày chấn động của showbiz Việt. Buổi chiều, thông tin NTK Thời trang hàng đầu Việt Nam - Công Trí - bị bắt vì liên quan đến đường dây mua bán - tổ chức và sử dụng ma túy. Buổi tối, rapper Bình Gold ngập tràn mạng xã hội với hình ảnh que test ma túy dương tính với cần sa.
Không chỉ thống trị các tiêu đề truyền thông, cả hai nhân vật đều nhanh chóng trở thành nguyên liệu cho kho tàng meme và những trò đùa của cư dân mạng - như cách mà Thùy Tiên, Chi Dân, Andrea… đã từng. Không thể không đau xót khi nhìn thấy - sau những thành tựu đồ sộ mang đến cho thời trang nước nhà, NTK Công Trí lại phủ khắp MXH theo cái cách đáng buồn như vậy. Người ta tiếc cho anh như một lẽ dĩ nhiên, khi phút trước còn được tung hô là NTK hàng đầu, phút sau đã trở thành tội đồ trong mắt cư dân mạng. Nhưng ngược lại, chẳng có ai bênh Bình Gold. Chắc vì hình ảnh bất hảo, âm nhạc tệ nạn - nên với nhiều người, đến tận hôm qua mới bị bắt vì sử dụng chất kích là… hơi muộn.
Viết đến đây, hẳn nhiều người sẽ bức xúc. Tại sao lại so sánh NTK Công Trí với Bình Gold? Một người đạo mạo, đàng hoàng, trí thức và tài năng, có cống hiến cho thời trang và được công nhận - làm sao lại so sánh với một rapper có hình ảnh và lối sống thác loạn, ăn chơi? Với những thành tựu, những dấu son mà NTK Công Trí đã tạo ra - sao có thể đem so với một gã choai choai thẳng thừng lên mạng rap về chuyện “bốc họ”?
Nhưng khi đặt ra câu hỏi này - cũng là lúc chính bạn phải tự hỏi bản thân: Liệu ta đang đánh giá sai lầm bằng thành tích, bằng tình cảm, hay bằng sự trắng đen của đúng sai? Công lý không vận hành bằng cảm xúc. Đứng trước thanh gươm công lý, dù có là một vị anh hùng hay một kẻ tiểu nhân - không ai được miễn trừ trách nhiệm trước hành vi sai trái.
Khi thông tin về NTK Công Trí được công bố, tôi có đọc được rất nhiều status cho rằng chuyện NTK bị bắt vì sử dụng ma túy là quá nặng. Và rằng trên thế giới, chuyện giới nghệ sĩ sử dụng ma túy để sáng tạo là chuyện… bình thường.
Tôi xin đồng ý ở đoạn giới nghệ sĩ trên thế giới thường xuyên dùng ma túy. Nhưng tôi không cho rằng đó là lý do để chúng ta bình thường hóa việc cứ nghệ sĩ thì phải sử dụng ma túy mới sáng tạo được. Trên thế giới, chúng ta có một Amy Winehouse nghiện rượu và heroin mới hát được những lời ca trầm đục và đầy cảm xúc, hay Alexander McQueen phải sử dụng ma túy để đắm chìm trong thế giới tưởng tượng của bản thân mới tạo ra được những tuyệt tác thiết kế. Nhưng chính Amy Winehouse đã qua đời vì quá liều vào năm 27 tuổi, McQueen cũng tự tử vì không thể thắng được con quỷ trầm cảm trong mình. Tôi có thể ngồi list một loạt những cái tên nghệ sĩ yêu thích của tôi đã ra đi mãi mãi vì shock thuốc, hoặc bỏ cuộc trong cuộc chiến với trầm cảm và nghiện ngập. Mac Miller, The Rev, Prince…. tất cả đều là những nghệ sĩ tài hoa từ nhiều độ tuổi, đã vĩnh viễn tạm biệt cuộc đời vì ma túy.
Chúng ta thật sự muốn đi vào vết xe đổ đó sao?
Nghệ sĩ trong xã hội Âu Mỹ có thể không bị yêu cầu trở thành tấm gương. Nhưng ma túy vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết tại Mỹ. Nó không chỉ là lựa chọn cá nhân. Nó không phải liều thuốc thiết yếu để sáng tạo. Nó là một đại dịch, một cái giá phải trả khi nội lực con người bỏ cuộc trước cám dỗ.
Ở Việt Nam, nơi chúng ta vẫn tin vào sự yên bình, vào hình mẫu nghệ sĩ sống sạch và truyền cảm hứng - tôi không nghĩ ta nên coi chuyện nghệ sĩ sử dụng chất kích thích là điều dĩ nhiên, là một bí mật ngầm mà ai cũng chấp nhận. Một khi ta bắt đầu nhắm mắt với lý do “họ là người có thành tựu”, thì cũng là lúc ta ngầm hiểu rằng danh tiếng có thể đứng trên luật pháp.
Khi Quang Linh Vlog bị bắt trong vụ án về kẹo Kera, cũng có một làn sóng mạnh mẽ bênh vực, cho rằng với từng đấy việc tốt anh đã làm ở châu Phi, anh không đáng bị đối xử như một tội phạm và tẩy chay diện rộng. Nhưng luật pháp không tính theo “từng”. Nó chỉ xét theo những gì bạn đã thực sự làm sai.
Từ thiện không miễn tội cho kinh doanh sai luật. Cũng như việc từng cứu giúp hàng trăm người không thể xóa đi hành vi lừa dối hàng chục nghìn người tiêu dùng thông qua quảng cáo. Và điều đáng nói hơn cả, là những “việc tốt” ấy - vô hình chung - lại trở thành lá chắn mà người ta giơ lên để chặn lại trách nhiệm. Chúng ta đã quen với việc người làm sai sẽ dễ được tha thứ hơn nếu họ từng khiến ta tự hào. Một cú ngã của người tài giỏi sẽ được đệm bằng băng gạc cảm thông, trong khi một cú trượt tương tự từ kẻ vô danh sẽ bị đóng đinh không thương tiếc. Nhưng chính sự chênh lệch trong lòng cảm xúc ấy là thứ làm xói mòn niềm tin vào sự công bằng, không chỉ trong luật pháp, mà cả trong lòng người.
Quang Linh có thể là người tốt, và điều đó vẫn có thể đúng. Nhưng nếu thương hiệu anh đầu tư kinh doanh vi phạm pháp luật, thì vai trò và trách nhiệm của anh vẫn cần được điều tra và làm rõ, như bất kỳ ai khác. Thùy Tiên có thể đã làm nhiều việc ý nghĩa, nhưng điều đó không thể biến cô thành người bất khả xâm phạm. Điều tương tự với NTK Công Trí.
Bởi nếu pháp luật chỉ chạm đến những kẻ chưa từng làm từ thiện, chưa từng có công, chưa từng được yêu mến - thì đó không phải là công lý. Đó là một vở diễn cảm tính - nơi khán giả vỗ tay vì quá khứ đẹp của một phạm nhân. Danh tiếng không miễn trừ ai khỏi trách nhiệm đạo đức hay hình phạt pháp lý. Trên sân khấu công lý, không có hàng ghế VIP. Không có ưu tiên cho những người từng được yêu mến. Và càng ở vị trí cao, cú ngã không chỉ đau - mà còn gây ra một dư chấn xã hội, khi người ta nhận ra: Một người tài giỏi tới cỡ nào cũng có những góc khuất.
Một trong những bức tượng hay được đặt trước các tòa án là bức tượng Lady Justice - Nữ thần công lý. Đó là bức tượng một vị nữ thần với tay trái cầm cán cân, tay phải cầm thanh kiếm và đôi mắt bị che lại bởi một mảnh khăn. Chiếc cân - đại diện cho cán cân công lý, nơi mọi lý lẽ, bằng chứng được cân đo đong đếm cân bằng. Thanh kiếm - đại diện cho sự trừng phạt nghiêm minh, quyết đoán của pháp luật. Còn dải băng bịt mắt - đại diện cho sự công minh, vô tư tuyệt đối của công lý khi không để thân phận, địa vị hay sắc tộc có thể làm mờ mắt người phán xử.
Trong đôi mắt bị che lại của Lady Justice không có ánh nhìn trìu mến cho những người từng được tung hô. Không có ánh mắt e ngại trước những tượng đài mà xã hội từng tôn thờ. Và cũng không có sự do dự khi phải hạ thanh kiếm trừng phạt một bàn tay từng làm điều tốt. Bởi công lý, nếu muốn được gọi là công lý, thì phải bình thản, công bằng và vô cảm với danh vọng. Công lý không vì bạn là nghệ sĩ, là người truyền cảm hứng, là người từng trao đi hàng tỷ đồng từ thiện mà bỏ qua cho một cú trượt tay sai trái. Cũng không vì bạn từng được yêu mến nhiều hơn người khác mà cho phép bạn được xử nhẹ hơn.
Chúng ta có thể thương tiếc, thất vọng hay từ chối nhìn vào sự thật với đôi mắt xót xa. Nhưng điều cần làm nhất là nhìn thẳng vào hệ giá trị mà ta đang bảo vệ. Một xã hội trong sạch, đạo đức và nhân văn.
Đứng trước thanh gươm công lý - ai cũng như ai. NTK Công Trí, Bình Gold,Thùy Tiên hay Quang Linh Vlog. Không phải vì công lý tàn nhẫn. Mà vì chính sự công bằng lạnh lùng ấy mới là thứ giữ cho xã hội này tiến lên phía trước.
Nhưng không ai sinh ra để trở thành tội nhân. Và không ai nên bị đóng khung mãi trong một khoảnh khắc vấp ngã của cuộc đời. Khi cán cân pháp luật đã nghiêm khắc hoàn tất phần của mình, thì phần còn lại thuộc về nội lực của người phạm sai lầm và lòng bao dung của xã hội. Chúng ta không cần phải vĩnh viễn quay lưng với người từng được yêu mến. Nhưng ta cũng không nên lãng quên rằng: Sự tha thứ chỉ có ý nghĩa khi nó đến sau sự tỉnh ngộ và sám hối.
Nếu một ngày nào đó, NTK Công Trí quay lại - không phải với danh xưng “phù thủy thời trang”, mà là một người đàn ông từng ngã xuống, từng đối diện với chính bóng tối của mình, và bước qua được nó - thì ta hoàn toàn có thể chào đón anh trở lại như một con người mới, vẫn với tài năng của anh và không còn bị che phủ bởi sai lầm. Điều tương tự với cả Thùy Tiên, Quang Linh, Bình Gold hay bất cứ nghệ sĩ nào chúng ta đã yêu mến. Không phải vì họ nổi tiếng, mà vì ai xứng đáng với một cơ hội thứ hai.
Sự nghiêm khắc của pháp luật không triệt tiêu tương lai. Ngược lại, nó giữ lại phần người trong mỗi chúng ta - bằng cách buộc ta đối mặt với sự thật và trả giá.
Công lý là để ngăn cái sai lây lan trong xã hội. Còn lòng người, là để nâng niu những ai biết đứng dậy từ sai lầm và có thể bước tiếp. Một xã hội tốt đẹp không phải nơi không có sai lầm, mà là nơi người ta biết cách sửa sai và biết cách đón nhận nhau trở lại, khi đã chân thành làm lại từ đầu.
Mimi