Pinna-Brelstaff là tên một ảo giác rất thú vị: Chúng là những vòng tròn đồng tâm được xếp từ nhiều hình cơ bản khác nhau. Khi bạn di chuyển đầu của mình lại gần và ra xa tấm hình, các vòng tròn dường như sẽ quay ngược hướng nhau, phóng to hoặc thu nhỏ.
Bí quyết để tạo nên ảo giác Pinna-Brelstaff là gì? Nếu để ý những hình nhỏ trên mỗi vòng tròn, bạn sẽ thấy chúng được vẽ đổ bóng theo chiều ngược nhau. Và đó chính là bí mật đã làm nên ảo giác Pinna-Brelstaff.
Nhưng còn có một hiệu ứng khác hấp dẫn các nhà khoa học khi họ nghiên cứu sâu vào ảo giác này. Hãy cùng tìm hiểu xem hiệu ứng đó là gì:
Đừng nhìn, ảo giác này sẽ đánh cắp 15 mili giây của cuộc đời bạn
Chúng ta biết hiệu ứng đổ bóng mang vai trò quyết định khi nó đánh lừa não bộ nhận diện chuyển động trong ảo giác Pinna-Brelstaff, mặc dù thực chất tấm ảnh hoàn toàn tĩnh và chẳng có gì chuyển động cả. Nhưng lúc nào cũng phải mất một lúc bạn mới nhận ra đôi mắt của mình đang nói dối.
Một lúc đó là bao lâu và tại sao lại vậy? Nguyên nhân sâu xa của hiệu ứng này mới được một nghiên cứu trên Tạp chí Journal of Neuroscience tiết lộ.
"Trước đây, các cơ sở thần kinh tạo ra sự chuyển đổi từ thực tế khách quan sang nhận thức ảo tưởng về chuyển động xoay, sự mở rộng và co hẹp ấy vẫn chưa được khám phá", các nhà khoa học viết trong báo cáo. "Nghiên cứu sự không trùng khớp giữa nhận thức và thực tế sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất cấu trúc của bộ não thị giác".
Năm ngoái, một nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã sử dụng máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để nghiên cứu não bộ 42 người, trong khi, họ được cho nhìn những ảo giác dưới nhiều điều kiện khác nhau.
Kỹ thuật fMRI mặc dù rất hiện đại nhưng vẫn có những hạn chế - nó không thể tiết lộ các cơ chế thần kinh cơ bản xảy ra trong não bộ. Bởi vậy, một nhóm nghiên cứu khác đã quyết định chèn các điện cực trực tiếp vào não bộ để phân tích hoạt động của nó khi xử lý hình ảnh ảo giác.
Tất nhiên, điều này khó có thể được thực hiện trên người, nên họ đã chọn những con khỉ thuộc giống Macaca mulatta làm đối tượng thí nghiệm.
Khỉ thuộc Macaca mulatta
Điều đầu tiên cần làm là phải xác định xem các con khỉ này có thể trải nghiệm được ảo giác Pinna-Brelstaff giống con người hay không. Điều này cần tới sự tham gia của 9 tình nguyện viên là con người và 2 con khỉ.
Tất cả được cho xem ảo giác Pinna-Brelstaff trong khi cố định đầu, các nhà khoa học sẽ đo chuyển động mắt nhanh, được gọi là saccade – những cú liếc rất nhanh xảy ra mỗi giây khi mắt bạn hoạt động.
Các tình nguyện viên được yêu cầu định lượng hiệu ứng của ảo ảnh - ví dụ, báo cáo xem họ nhìn thấy vòng tròn nào xoay theo chiều kim đồng hồ hay ngược chiều kim đồng hồ, và liệu Pinna-Brelstaff có khiến họ thấy các vòng tròn mở rộng hay co lại khi khoảng cách quan sát thay đổi hay không?
Kết quả cho thấy mô hình chuyển động saccade của những con khỉ tương tự với mô hình của những tình nguyện viên nhìn thấy ảo giác. Điều đó có nghĩa là rất có khả năng những con khỉ Macaca cũng có thể cảm nhận ảo giác Pinna-Brelstaff như con người.
Chuyển động saccade của mắt chứng tỏ những con khỉ cũng cảm nhận được ảo giác
Sau khi xác nhận được điều này, các nhà khoa học tiến hành cấy các điện cực vào trong não những con khỉ. Ở lần tiếp theo khi chúng được cho xem ảo ảnh, nhóm nghiên cứu phát hiện một khu vực não được kích hoạt trùng với khu vực sáng lên khi chúng nhìn thấy chuyển động trong thực tế.
Đây là bằng chứng các chuyển động dù là ảo hay thật đều được xử lý bởi các tế bào thần kinh giống nhau.
Nhưng có một sự khác biệt: các tế bào thần kinh này bị "delay" mất khoảng 15 mili giây khi xử lý chuyển động ảo giác so với chuyển động thực.
Các nhà khoa học không rõ nguyên nhân chính xác gây ra độ trễ này là gì, nhưng họ tin rằng bộ não có thể sử dụng khoảng thời gian ngắn ngủi đó để ghi lại sự khác biệt giữa chuyển động ảo ảnh và chuyển động thực.
Nói cách khác – bạn có thể thấy Pinna-Brelstaff trông giống như chuyển động thật, nhưng tận sâu bên trong não bộ của bạn có thể nhận ra thứ gì đó sai sai nên nó đã dành ra 15 mili giây để nghiền ngẫm nó.
Một phần não bộ của bạn sẽ bị chậm đi 15 mili giây khi nhìn vào một ảo giác Pinna-Brelstaff
Bây giờ, chúng ta có căn cứ để tin rằng một phần não bộ của bạn sẽ bị chậm đi 15 mili giây khi nhìn vào một ảo giác Pinna-Brelstaff. Nhưng sẽ vẫn cần các nghiên cứu thêm nữa để xác nhận và thậm chí giải thích điều này.
"Câu hỏi vẫn còn đó", các nhà nghiên cứu viết, "liệu những vùng não cao hơn trong luồng thị giác linh trưởng có khả năng phân biệt chuyển động thực và chuyển động ảo trong quá trình nhận thức tích cực hay không?".
Trả lời câu hỏi này là việc của các nhà khoa học và họ có thể mất vài năm, hoặc cũng có thể vài chục năm tới để tìm ra sự thật. Nhưng còn chúng ta, bây giờ chúng ta biết mỗi lần nhìn vào ảo giác Pinna-Brelstaff, hóa ra 15 mili giây trong cuộc đời mình có thể bị đánh cắp.
Vậy có đáng để bạn nhìn vào nó một lần nữa hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào độ hào phóng của bạn. Mỗi giây trong đời, bạn có 1.000 mili giây để chi tiêu. Vậy nếu bạn sẵn sàng bỏ ra 15 mili giây để trải nghiệm một ảo giác thú vị, nó cũng không phải cái giá quá lớn phải không?
Tham khảo Sciencealert