Đừng nghĩ nữa, hãy bắt tay vào làm đi!

An Anh Vũ - Design: Minh Thần Kỳ, Theo Trí Thức Trẻ 08:01 01/03/2021

Đôi khi chính việc suy nghĩ và cân nhắc quá nhiều lại khiến mọi chuyện chuyển biến theo chiều hướng giậm chân tại chỗ, hoặc… tệ đi.

Tôi từng nhìn thấy bản thân mình dừng lại suy nghĩ rất lâu trước khi bắt tay vào thực hiện một ý tưởng nào đó, làm một việc gì đó. Cân nhắc quá nhiều, nghĩ ngợi đủ thứ, lo lắng toàn những chuyện không đâu, phân vân và chần chừ. Đủ kiểu. Cuối cùng, tôi kết thúc tất cả bằng việc bỏ xó chúng. Và quay lại với cái guồng quay quen thuộc của mình.

Giống như số đông mọi người, tôi vẫn dành một khoảng thời gian cực lớn trong đầu để ngẫm nghĩ về những quyết định trong quá khứ hoặc lo lắng về những quyết định trong tương lai. Và hệ quả của sự cân nhắc thừa thãi và tốn thời gian này, là mãi mà tôi (và nhiều người trong chúng ta) - chẳng thể bắt tay được vào làm cái gì cả.

Thông thường, trước mọi quyết định lớn trong cuộc đời. Chúng ta thường phải dừng một bước lại để tính toán. Đây là một sự cẩn thận cần thiết, ai cũng sẽ khuyên bạn nên cẩn thận như vậy nếu chẳng may định cua ngoặt đời mình một cái. Nhưng đôi khi, mọi chuyện không chỉ là sự cân nhắc. Những hành trình tuyệt vời có thể chỉ đến từ sự thôi thúc cá nhân, và niềm tin chắc chắn rằng đây là con đường mình cần phải dấn bước. Sự bất định của tương lai có thể khiến bạn cảm thấy bấp bênh, nhưng sự bấp bênh đó biết đâu sẽ là động lực để bạn đánh cược vào quyết định của mình.

Vậy nên, đừng nghĩ nữa, hãy làm đi.

"Hamlet đã sai!"

Trong một chương trình phỏng vấn, khi được hỏi về cách ngừng suy nghĩ quá nhiều, Malcolm Gladwell, tác giả nổi tiếng với rất nhiều đầu sách bán chạy - ngay lập tức chia sẻ một lời khuyên mà ông đã học được từ người hùng của mình: Albert O. Hirschmann.

Hirschmann là một nhà kinh tế học huyền thoại, được Gladwell và nhiều người khác coi ông là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đã sống cuộc đời mình theo một nguyên tắc chỉ đạo: "Hamlet đã sai".

Đừng nghĩ nữa, hãy bắt tay vào làm đi! - Ảnh 1.

Giống như nhiều chia sẻ của Gladwell, nếu chỉ thoạt nghe qua thì có vẻ khó hiểu, nhưng sau khi nghe giải thích từ ông thì lại rất hợp lý. Hamlet là một trường hợp kinh điển về người đã nghĩ quá nhiều và làm quá ít. Anh ta đã lên đủ mọi kế hoạch và âm mưu, nhưng việc không thể đưa ra quyết định và hành động không chỉ giày vò những ngày tháng của anh ta, mà còn khiến anh ta phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Theo Hirschamann, sự bất định của tương lai không nên là thứ đóng băng chúng ta, mà nên giải phóng. Điều duy nhất chúng ta có thể dự đoán về nó chỉ có thể là: "Tương lai là điều không có gì chắc chắn". Và bởi sự bất định đó, nên ta cần dốc hết sự dũng cảm và quyết đoán của mình để cứ lựa chọn con đường ta thấy đúng. Thay vì co cụm lại với những toan tính thiệt hơn. Biết đâu thế này, biết đâu thế kia. Ồ, nhưng dù biết đâu thế nào, thì chẳng phải cũng hơn là ta không dám thử?

Tất nhiên, phần lớn sự sống nằm ngoài tầm tay của chúng ta có thể rất đáng sợ. Bộ não được thiết kế để bảo vệ an toàn cho chúng ta. Nhưng bạn thấy kể từ khi COVID xuất hiện, chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể cam kết với những gì chúng ta muốn làm hôm nay, ngay bây giờ.

"Niềm tin rằng chúng ta có thể biết trước được tương lai là điều điên rồ. Mọi người cần có quyền tự do để nắm bắt được nhiều cơ hội hơn" - Malcolm Gladwell từng phát biểu.

Tác hại của việc suy nghĩ quá nhiều

Trong cuộc sống, con người phải đối mặt với rất nhiều lựa chọn hàng ngày. Nhỏ nhặt nhất thì là: "Trưa nay ăn gì, chiều nay có nên đi tập gym không, tối nay liệu có nên rủ bạn bè đi cafe không?"; cho đến những thứ to tát hơn "mình có nên nghỉ công việc chán ngắt này và tìm một công việc mới thử thách hơn không, liệu mình có nên ra ở riêng không, mình đã đủ khả năng để tiến tới hôn nhân chưa". Và đôi khi chính việc suy nghĩ và cân nhắc quá nhiều lại khiến mọi chuyện chuyển biến theo chiều hướng giậm chân tại chỗ, hoặc… tệ đi.

Đừng nghĩ nữa, hãy bắt tay vào làm đi! - Ảnh 2.

Ngay như ở trong văn phòng tôi, mọi người mất tới 15 phút mỗi buổi trưa chỉ để tranh luận xem nên ăn gì, trong khi đó có thể dành 15 phút đó cho việc chợp mắt nghỉ ngơi trước khi bước vào giờ làm việc buổi chiều. Hoặc như cô bạn tôi bị bệnh rối loạn lo âu, cứ mỗi khi gặp một chuyện nào đó mà không thể quyết định, cô ý lại tự khiến bản thân mình khổ sở vì sự lo lắng thái quá và căng thẳng thường xuyên mà không có lý do rõ ràng. Những trải nghiệm cảm xúc lo lắng, sợ hãi thái quá này, qua thời gian lâu ngày, trở thành một rào cản vô hình chắn giữa ta và mọi hoạt động trong công việc, trong cuộc sống. Ta lo lắng nên không bắt đầu một việc này, ta nghĩ quá nhiều nên không có thời gian để nghĩ những việc cần thiết. Ta dành tâm trí cho việc suy xét nên chẳng còn đầu óc để làm việc.

Hãy cứ hành động theo niềm tin của bản thân

Khi đọc điếu văn tại đám tang của cha mình, Malcolm kể về việc cha anh kết hôn với mẹ anh - một phụ nữ da đen vào năm 1959, vì ông yêu bà. Cha ông không cần bất kỳ lý do nào khác. Ông ta cũng không đặt câu hỏi rằng xã hội sẽ nghĩ gì. Ông ta không mất ngủ, lo lắng về việc liệu đó có phải là một quyết định đúng đắn hay không. Cha ông chỉ đơn giản là làm những gì cảm thấy đúng.

Tóm lại, cha của Malcolm là một anh chàng kiểu "Hamlet đã sai". Và nếu bạn đã đọc quyển "Blink" (bản dịch tiếng Việt: Trong chớp mắt") của Malcolm, quyển sách có nội dung chính dựa trên ý tưởng rằng những quyết định tự phát thường tốt như - hoặc thậm chí tốt hơn - những quyết định được lên kế hoạch và cân nhắc cẩn thận. Rõ ràng, những hành động và tư tưởng của cha ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc Malcolm lãnh đạo cuộc sống mình như thế nào.

Không phủ nhận rằng một số quyết định sẽ đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều hơn những quyết định khác. Cuộc sống không phải lúc nào cũng đơn giản như vậy. Nhưng đồng thời, tôi không thể không nghĩ rằng phần lớn những điều tốt đẹp nhất xảy ra trong cuộc đời tôi là khi tôi tự cho phép bản thân mình bật đèn xanh.

10 năm trước, sau khi tài chính đi xuống, trong một lần bất chợt, tôi đã lấy số tiền ít ỏi còn lại và mua vé một chiều đến Barcelona với nỗ lực tìm lại nụ cười của chính mình. Tôi không có bất kỳ người bạn nào đang đợi tôi. Tôi không có việc làm. Tôi thậm chí còn không được phép sống hợp pháp ở đất nước này sau khi thị thực 90 ngày của tôi hết hạn (chết tiệt).

Một kẻ nghiện đánh cược sẽ cược ngôi nhà của họ là tôi sẽ ngủ lại trong tầng hầm của cha mẹ tôi trong vòng chưa đầy một tháng nữa khi trải qua chuyện như vậy. Nhưng như cha của Malcolm sẽ nói rằng: "Hãy đi theo bản năng của mình" và nó sẽ dẫn tôi đến một cánh cửa, nơi chờ đợi bên trong là một người duy nhất trên thế giới có sức mạnh để khiến tôi mỉm cười.

Đừng nghĩ nữa, hãy bắt tay vào làm đi! - Ảnh 3.

Tôi cần phải nhắc nhở bản thân về những trường hợp như thế này thường xuyên hơn.

Tôi cần nhắc nhở bản thân rằng thế giới thưởng cho những ai có những viên đá để tiếp tục tiến về phía trước bất kể họ không biết đích đến của mình.

Tôi cần nhắc nhở bản thân coi sự tò mò là trách nhiệm chính của mình.

Nếu đôi khi bạn cũng bị tê liệt khả năng phân tích, hãy nhắc nhở bản thân về lời khuyên của Malcolm và những lời của Hirschmann. Hãy nhớ rằng "Hamlet đã sai". Cho phép bản thân có nhiều cơ hội hơn.

Rốt cuộc, những khoảnh khắc tuyệt vời nhất thường là khi chúng ta dựa vào chính mình và nói, "Hãy cố gắng lên, hãy bắt đầu!".