"20-10 và 8-3 thực ra có ý nghĩa gì? Sáng nay, mình nhận được message của một người bạn cũ hỏi như thế.
Và cô tự trả lời: "Những ngày rất bình thường được người ta biến thành một cuộc vui vô nghĩa". Cô bảo, cô đã chán ngấy cái cảnh những ngày này Facebook tràn ngập những hoa ảo, ảnh đàn ông nấu cơm và giặt giũ để thể hiện sự yêu thương, những cuộc vui nhậu để ăn mừng một ngày mà họ gọi là ngày Phụ nữ, những ngày mà người phụ nữ gạt sang bên những nỗi lo, những nỗi buồn và vất vả của mình sang bên để được chúc mừng, để được ca ngợi về sự hy sinh, và rồi, rời ngày đó ra, họ lại lao vào một guồng quay đầy mệt mỏi của việc nước và việc nhà, khi trên cổ là biết bao gông cùm định kiến giáo điều còn nguyên vẹn từ thời phong kiến.
Mình rất hiểu tâm sự ấy. Trong khi ở nhiều nước, những ngày như thế này, phụ nữ xuống đường biểu tình và đòi các quyền của họ, từ quyền được phá thai (ở những nước mà Công giáo có ảnh hưởng rất lớn) đến quyền được hưởng lương tương xứng với công việc, hoặc đòi hỏi được cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống, thì ở mình, hoặc các cuộc "biểu tình" hoặc chỉ diễn ra ở trong bếp, trên giường, và rồi cũng có thể các cuộc "phản kháng" ấy sẽ được xoa dịu bằng quà cáp, bằng các bữa ăn nhà hàng. Người ta có thể trở nên dễ hài lòng với những điều ấy, để rồi lại quanh năm suốt tháng cắm mặt vào bếp, đóng vai trò của một người vợ đảm, một người mẹ hiền, hy sinh cho mọi người. Có những người tự nguyện như thế. Có những người không có sự lựa chọn nào khác. Có những người tin rằng, phụ nữ phải là như vậy.
Chính những định kiến và một xã hội kiểu Á Đông đã tạo ra những ràng buộc và rào cản đối với sự tiến bộ của phụ nữ. Đã từ lâu rồi, những người mẹ có con gái thường hướng con đến các công việc gia đình, bởi nỗi lo sợ rằng, nếu không giỏi những việc đó (hoặc quá giỏi về tri thức), con gái họ sẽ rất khó lấy chồng. Những người cha gia trưởng luôn dạy con trai mình rằng chuyện bếp núc phơi phóng quần áo không phải là việc của đàn ông, những người cần phải làm việc lớn, mà đấy là việc của đàn bà, đàn ông không được đụng tay vào. Tư duy đó cực kì phổ biến ở Việt Nam, rất phổ biến ở các thành thị, và ngay từ khi đứa trẻ trong bụng mẹ được xác định giới tính, thì tư duy ấy đã như một sợi dây vô hình tròng lên cổ đứa bé, nhất là bé gái.
Bé gái ấy lớn lên trong tư duy cũ kĩ của người đã đẻ ra nó, đã luôn hướng cho nó đến cách sống của những người phụ nữ kiểu cũ, nhiều trong số họ đã kết thúc những hoài bão và đam mê của mình bằng một cuộc hôn nhân kiểu Á Đông ở tuổi còn trẻ. Chính họ lại muốn đưa con gái họ vào con đường ấy, tước đi của nó sự tự do, tự lập, gạt bỏ ở nó những quan niệm về hạnh phúc cá nhân và con đường học vấn.
Người ta vẫn quan niệm, phụ nữ đến một tuổi nào đó là phải có chồng, lấy chồng là phải có con và sau đó phải là dâu đảm, mẹ hiền, tóm lại vẫn chỉ là một nhân vật phụ bên cạnh đàn ông. Người ta sợ phụ nữ học cao thì khó lấy chồng. Sự thông minh và học vấn càng cao của người phụ nữ bị coi là một lực cản đối với hôn nhân. Chỉ ở những đất nước mà sự gia trưởng cũ kĩ ngự trị, người ta mới sợ phụ nữ thông minh!
Rất nhiều cô gái viết cho mình rằng họ luôn bị bắt, bị giục, bị khủng bố và hành hạ hàng ngày bởi những lời nói của người thân, người quen, bạn bè về chuyện lấy chồng, khi 30 tuổi "chưa có gì" bị coi là ế. Bố mẹ sốt ruột, đứng lên ngồi xuống nhắc nhở "chọn bừa một đứa tử tế" vì các cô bác trong họ cho đến người quen gần xa bắt đầu xì xào. Có thương con đến mấy thì nhiều bố mẹ vẫn không chịu nổi sự bàn tán của người thân. Nhiều phụ nữ trẻ thành đạt, tự xây dựng cơ ngơi riêng, sự nghiệp hoành tráng, xinh đẹp với cá tính và sự sắc sảo riêng, thế nhưng vẫn bị đánh giá là... chưa trọn vẹn, "chẳng ra đâu vào đâu", hay tệ hơn là "đàn bà thành công chẳng để làm gì, nếu chưa có người đàn ông ở bên cạnh". Người ta vẫn có thói quen nhìn vào người chồng, vào con cái và gia đình để đánh giá hạnh phúc của người phụ nữ, chứ không phải những thành tựu mà họ đã lao động chân chính để đạt được, những chuyến phiêu lưu và ước mơ thành sự thật.
Không, các cô thân mến, cuộc đời, với những đam mê, khao khát cá nhân và con đường học vấn người phụ nữ không thể kết thúc bằng một cuộc hôn nhân kiểu Á Đông, và phụ nữ hiện đại bây giờ không đặt mục đích cao nhất và cuối cùng của đời mình là phải lấy chồng, coi đó như là một con đường duy nhất để đến với hạnh phúc.
Khi mà nhiều người đàn ông Việt vẫn rất gia trưởng, vẫn nhậu nhẹt nhiều hơn là tập thể thao, và chém gió với họ giống như một thứ vũ khí để thể hiện sự hiểu biết, thì việc trao gửi cuộc đời mình vào những cuộc hôn nhân với họ càng trở nên đầy rủi ro. Không một người phụ nữ nào đáng phải chấp nhận việc lùi về phía sau, từ bỏ cơ hội của mình - nếu họ không thật sự muốn như thế. Một người phụ nữ thông minh, cầu tiến không xứng đáng phải bị trói buộc vào một ông chồng không biết trân trọng họ, và sống trong nếp hạnh phúc giả vờ, hạnh phúc theo chuẩn mực chung - chỉ để vừa mắt họ hàng, để bố mẹ yên tâm và bạn bè không nhìn bằng con mắt "đồ ế".
Làm phụ nữ không phải là một sự kết án và ràng buộc bởi rất nhiều những từ ngữ đẹp đẽ khác nhau để họ không phản kháng lên một mức cao như phụ nữ ở các nước Phương Tây văn minh, mà phải là một niềm hạnh phúc. Lấy chồng cũng không phải là con đường duy nhất để dẫn đến hạnh phúc và chỉ lấy chồng mới có hạnh phúc. Và lấy chồng cũng không phải là để đến một lúc nào đó cho rằng, phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng. Không, mỗi người phụ nữ có giá trị của riêng mình, có trí tuệ, sắc đẹp và vẻ đẹp của tâm hồn. Họ không cần chồng để làm vật trang điểm hay là một thứ vũ khí để so đo với phụ nữ khác.
Hãy hy sinh ít thôi, sống cho bản thân mình nhiều hơn. Hãy mạnh mẽ, cứng rắn hơn và gia tăng khả năng tự do trong lựa chọn cuộc sống của mình, để làm chủ nó, chứ không trao nó cho những người không xứng đáng...