Tháng 5/2020, một vụ án mạng xảy ra ở thành phố Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc đã khiến dư luận dậy sóng. Theo đó, một nữ luật sư thành đạt tên Trương, 45 tuổi đã bị cô con gái 15 tuổi siết cổ bằng dây thừng và giấu xác trong vali.
Vụ án xảy ra vào ngày 22/5, sau khi hai mẹ con bà Trương ăn tối ngoài hàng xong liền trở về nhà. Cô con gái đề nghị massage giúp mẹ. Khi bà Trương nằm xuống, cô con gái liền ra tay giết hại.
Bà Trương bị cô con gái 15 tuổi sát hại
Được biết đây là gia đình đơn thân, chỉ có 2 mẹ con nương tựa lẫn nhau. Bà Trương đã ly hôn với chồng cũ cách đây khá lâu, khi con gái mới 3 tuổi. Sau khi hôn nhân đổ vỡ, nữ luật sư này không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con. Bà Trương đặc biệt coi trọng chuyện học hành của con và đầu tư hết mực.
Cô con gái được mẹ đưa đi học mỗi ngày, được học thêm các môn nghệ thuật đắt tiền như hội họa, piano,... Năm ngoái con gái bà Trương đã thi đỗ vào một trường trung học chất lượng Thanh Đảo. Tất cả bạn bè, người thân đều cho biết tình cảm hai mẹ con rất tốt. Bà Trương cũng không phải tuýp người bạo lực, thích đánh mắng con. Vậy nguyên nhân vụ việc này là do đâu?
Dư luận Trung Quốc đã vô cùng phẫn nộ trước vụ việc, chỉ trích thậm tệ người con vì nhẫn tâm, bất hiếu. Tuy nhiên khi lá thư của cô con gái gửi cho mẹ mình được công bố. Dư luận mới ngỡ ngàng trước nguyên nhân thật sự của vụ việc.
Sau khi bị bắt, cô gái 15 tuổi cho biết mình bị khủng hoảng và gặp áp lực học tập. "Mẹ tôi rất nghiêm khắc. Tôi muốn giết mẹ từ lâu", cô con gái khai với cảnh sát. Được biết bà Trương luôn bao bọc quá mức với quan điểm: "Con là con gái của mẹ thì phải nghe lời mẹ".
Chính sự bắt ép tuyệt đối của đấng sinh thành khiến cô gái trẻ bị suy sụp tâm lý, luôn trong trạng thái khủng hoảng. Cô gái 15 tuổi kể trong bức thư về việc mẹ mình có tính cạnh tranh rất cao.
Cô con gái được cảnh sát đưa về nhà để dựng lại hiện trường
Sau khi ly hôn, bà Trương cảm giác mình là người thất bại trong đời sống cá nhân. Chính vì vậy bà dồn hết mọi tâm tư lên con gái, mong con giúp mình nở mày nở mặt. Bà Trương muốn chứng minh sự thành công của mình qua thành công của con gái. Hàng xóm cũng xác nhận, bà Trương là người mạnh mẽ và có yêu cầu cao với con nên đăng ký rất nhiều lớp học thêm cho con sau giờ học chính khóa.
Bên cạnh đó ngôi trường mà cô con gái theo học cũng rất căng thẳng. "Tôi hy vọng con gái trở nên xuất sắc", bà Trương từng chia sẻ với mọi người.
Sự dạy dỗ khắt khe của bà Trương đã châm ngòi cho sự phẫn uất và phản kháng của cô con gái. Vì là gia đình đơn thân nên đã không có ai hòa giải mâu thuẫn của hai mẹ con. Lúc nào cô con gái cũng sống trong tâm lý sợ hãi, lo lắng mẹ sẽ không vui, thất vọng về thành tích của mình. Sự bất lực, suy sụp tâm lý đã đẩy cô gái 15 tuổi đến tấn bi kịch.
"Mẹ, con thật sự không muốn làm mẹ thất vọng nên đã giết mẹ...", cô con gái viết trong bức thư.
Thảm kịch nhà bà Trương khiến dư luận nhớ đến vụ án của Ngô Tạ Vũ - một nam sinh xuất sắc của Đại học Bắc Kinh. Ngô cũng sống trong một gia đình đơn thân và được mẹ nuôi dạy rất khắt khe. Bức xúc vì phải sống trong vỏ bọc ngoan ngoãn, gương mẫu mà mẹ xây dựng, Ngô đã lên kế hoạch tinh vi để giết hại người sinh ra mình.
Điểm chung của Ngô Tạ Vũ và con gái bà Trương, đó là cả hai từ nhỏ đều phải sống theo kỳ vọng của mẹ. Cả hai chưa từng được mẹ lắng nghe nguyện vọng, mong muốn của bản thân.
Kỳ vọng đôi khi gây áp lực cho con cái. Nếu cha mẹ có những kỳ vọng dành cho con thực tế và ở mức khuyến khích thì nó vô cùng tốt. Trong trường hợp ngược lại, không chỉ con trẻ mà chính cha mẹ cũng thấy mệt mỏi, áp lực. Nó còn gây ra những tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý bình thường của con.
Hãy biết lắng nghe và chia sẻ cùng con cái. Mỗi đứa trẻ có mặt mạnh, điểm hạn chế nhất định. Hãy để con học được vui, được hạnh phúc. Đừng tạo cho con có khoảng cách với cha mẹ. Đừng đánh mất những điều giản dị trong đời sống gia đình.
Hãy dành thời gian quan tâm, chia sẻ và yêu thương để trẻ cảm nhận được sự ấm áp, niềm tin cuộc sống. Quan trọng nhất, cha mẹ đừng bắt con phải hoàn thành những mục tiêu, nguyện vọng của mình. Con cái cần có lối đi riêng, được làm điều mình muốn, học ngành mình thích, chứ không phải loay hoay, kẹt trong giấc mơ của cha mẹ.
Ai cũng mong con mình thành công, lớn lên thật xuất sắc. Tuy nhiên sức người có hạn, không phải ai cũng có thể đạt đỉnh cao danh vọng. Nếu cha mẹ không thức tỉnh thì một ngày nào đó bi kịch sẽ ập đến...