Những đứa cháu của tôi đã hát, nhảy, chơi đàn piano, đọc thơ bằng tiếng Anh, hoặc xoay xong khối Rubik trong một phút. Ngay đến đứa cháu gái nhỏ nhất 4 tuổi cũng đọc thuộc lòng được một số bài thơ chúc Tết.
Chỉ có cô con gái 8 tuổi của anh họ tôi, Tiểu Linh, ngồi lặng lẽ trong một góc, cúi đầu im lặng, cố gắng không để người khác chú ý đến mình. Dù vậy, mọi người vẫn chú ý đến cháu và khích lệ hát một bài. Tiểu Linh cố gắng lấy hết can đảm để cất giọng hát, nhưng chưa được 3 câu đã bị một đứa trẻ khác trong họ trêu: "Chị hát sai tông rồi, như vịt đực". Thế rồi, cả đám trẻ cười phá lên.
Khoảnh khắc đó, Tiểu Linh ngượng ngùng, mặt đỏ ứng. Những người thân bên cạnh thì vội vàng động viên: "Không sao, hát không giỏi thì giỏi cái khác là được". Tuy nhiên mẹ của Tiểu Linh chẳng những không giải vây cho con mà còn nguýt dài bảo: "Đấy, chán lắm, trẻ con nhà khác thì nhanh nhẹn, con nhà mình lúc nào cũng như gà mắc tóc, chẳng biết sau này đi học lên cấp cao hơn thì như nào".
Đừng cố bắt trẻ thỏa mãn niềm hư vinh của người lớn. (Ảnh minh họa)
Khi đó, khuôn mặt của Tiểu Linh càng đỏ hơn, hai bàn tay nhỏ bé nắm chặt lấy quần, đầu càng lúc càng cúi thấp.
Tôi vội bế cháu vào phòng dỗ dành nhưng cháu vừa khóc vừa nói: "Mẹ nói đúng, cháu hư lắm, cháu không thể làm thế này thế kia. Cháu không nên ra ngoài làm mẹ xấu hổ". Câu nói của cháu khiến tôi đau lòng.
Có hàng ngàn cách để khiến trẻ cảm thấy kém cỏi, nhưng chắc chắn cách tàn nhẫn nhất là khiến trẻ mất bình tĩnh trước đám đông.
Trong cuộc sống thực, sai lầm phổ biến nhất mà cha mẹ mắc phải là: Khi một đứa trẻ rơi vào cảnh lúng túng, xấu hổ ở nơi công cộng, điều họ nghĩ đến không phải là bênh vực mà là rắc muối vào vết thương của đứa trẻ, khiến đứa trẻ bị tổn thương.
Cha mẹ nào cũng thích nghe người ngoài khen con cái mình. "Cháu nhà mình nhanh nhẹn quá", "cháu còn bé mà đã làm được điều A, điều B,... cơ à, giỏi quá"! Nhưng nếu con không làm được những điều đó thì sao? Xin đừng cố bắt con phải gồng lên để thỏa mãn niềm hư vinh của cha mẹ.
Và khi con không thể thỏa mãn được điều đó, cũng đừng làm tổn thương con bắt những lời thở dài, than vãn. Kể cả trẻ nhỏ hay người lớn đều vậy, không ai trong chúng ta muốn rơi vào tình cảnh xấu hổ trước đám đông, nhất là khi tình cảnh đó lại được gây ra bởi những người thân yêu nhất của mình.
Những câu nói xát muối, mà người lớn tưởng là "nói đùa" và nghĩ là vô hại với trẻ nhỏ thực chất có thể tạo ra cơn sóng lớn trong lòng trẻ và để lại những vết sẹo khó lành. Các nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng, tổn thương thời thơ ấu sẽ ăn sâu vào tiềm thức, không ngừng dày vò trái tim trẻ, thậm chí nó ảnh hưởng đến cả cuộc đời trẻ. Đây chính là cái mà chúng ta gọi là "bóng đen tuổi thơ".
Nếu lòng tự trọng của trẻ luôn bị chà đạp, con đường trưởng thành của trẻ sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Nhà giáo dục Yin Jianli của Trung Quốc từng chia sẻ về trường hợp của một bệnh nhân trầm cảm. Có một bé gái 5 tuổi, một hôm vô tình làm ướt giường. Mẹ em hơi giận, ôm tấm nệm ướt sũng bước ra, nói: "Lớn như thế còn đái dầm, để mẹ phơi nắng cho mọi người nhìn thấy".
Gia đình này sống trong một ngôi nhà với khoảng sân rộng, xung quanh có rất nhiều hàng xóm. Nghe đến đó, cô bé xấu hổ đỏ mặt. Kể từ đó, cô bé rơi vào "lời nguyền đái dầm", cứ thỉnh thoảng là đái dầm, kéo dài cho đến khi trưởng thành.
Bệnh đái dầm không thể chữa khỏi thời thơ ấu, cộng thêm những lời chỉ trích từ hàng xóm và sự mỉa mai của cha mẹ - những sự sỉ nhục này đã ăn sâu vào tính cách của cô bé, và biến thành một mặc cảm tự ti kéo dài đến khi trưởng thành.
Khi tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, để tránh bị chế nhạo, cô gái đã từ bỏ ngôi trường đại học danh giá ngay gần nhà mình và chọn một trường đại học bình thường xa nhà. Ở trường đại học, lòng tự trọng thấp khiến cô từ chối tất cả các bạn nam cùng lớp có cảm tình với mình.
Mãi đến tuổi trung niên, cô mới tự rạch cổ tay mình. Cha mẹ cô đã xin lỗi trong nước mắt và nút thắt hàng chục năm trong lòng cô mới được chữa lành.
Sự trưởng thành của một đứa trẻ trước hết là việc cha mẹ khẳng định sự tồn tại của chúng. Nếu ngay cả những người thân nhất cũng coi thường phẩm giá, phủ nhận giá trị của đứa trẻ, thì đứa trẻ sẽ không thể nhìn thấy ý nghĩa tồn tại của chính mình.
Lâu dần, những đứa trẻ này sẽ chỉ sống với sự tự ti...
Theo Sohu