Nên đổi mới đề thi Lịch sử
Nếu như kỳ thi tốt nghiệp THPT áp dụng đến năm 2024, mỗi thí sinh dự 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) thì Bộ GD&ĐT dự kiến từ năm 2025, mỗi học sinh thực hiện ít nhất 6 bài thi. Trong đó, có 4 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn từ các môn như: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với nhiều điểm mới
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi mới, đã có nhiều ý kiến khác nhau. Các thầy cô, nhà quản lý giáo dục ủng hộ Lịch sử là môn thi bắt buộc bởi vì chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho học sinh THPT từ năm học 2022-2023 đã đưa môn học này trở thành môn bắt buộc.
Tuy nhiên, ở phía học sinh, nhiều em lựa chọn tổ hợp tự nhiên tỏ ra lo lắng và mong muốn Bộ GD&ĐT đổi mới đề thi để không phải học thuộc, ghi nhớ kiến thức.
Em Lê Nam L., học sinh lớp 10, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), chia sẻ, Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong khi em học khối A là một thách thức. Để có thể dự thi, em và các bạn sẽ phải nỗ lực ngay từ lớp 10 vì đề thi đánh giá năng lực của các trường ĐH đã theo hướng tổng hợp kiến thức.
“Em hi vọng, đề thi bộ môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ được đổi mới, học sinh không phải học thuộc lòng các sự kiện”, L. nói.
Cô N.T.L, giáo viên dạy Lịch sử tại một trường THPT ở Hà Tĩnh, nói rằng, ở góc độ giáo viên, cô rất ủng hộ phương án thi tốt nghiệp 4 môn bắt buộc, trong đó có Lịch sử. Còn ở vai trò phụ huynh, cô phản đối bởi vì Lịch sử đã trở thành môn học bắt buộc, qua đó giúp học sinh nắm được kiến thức, giáo dục lòng yêu nước, nên không nhất thiết phải thi.
“Nhiều em theo đuổi các khối tự nhiên sẽ rất khó khăn, áp lực khi thi Lịch sử. Nên để học sinh dành thời gian học Ngoại ngữ, Tin học hay các môn mang tính trang bị kiến thức, kỹ năng, hội nhập quốc tế”, cô L. nói.
Thi trắc nghiệm trên máy là xu hướng
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), ủng hộ phương án thi 4 môn bắt buộc vì đã học cần phải thi. Tuy nhiên, TS Lâm kiến nghị, với 2 môn lựa chọn, Bộ GD&ĐT nên kết hợp với các trường ĐH để xây dựng thành những mã ngành phù hợp yêu cầu tuyển sinh nhằm giúp học sinh thuận lợi trong lựa chọn.
“Ví dụ, cùng với 4 môn bắt buộc kết với 2 môn tự chọn nào sẽ ra kết quả những ngành nghề tuyển sinh nào như khối A, B, C, D lâu nay. Việc này cần được triển khai sớm và duy trì ổn định, tránh biến động hằng năm”, TS Lâm nói.
Về phương thức thi, dự thảo của Bộ GD&ĐT cũng đưa ra lộ trình thực hiện, trong đó giai đoạn 2025 - 2030 sẽ vẫn thi trên giấy, đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin nhằm từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện. Có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính. Và giai đoạn sau năm 2030, phấn đấu để tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Một số ý kiến cho rằng, xu hướng tổ chức thi các môn trắc nghiệm trên máy tính là xu hướng tất yếu, không tránh khỏi nhưng Bộ GD&ĐT cần có lộ trình, kế hoạch rõ ràng hơn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi chung trên toàn quốc, nếu có địa phương thi trên máy, địa phương thi giấy liệu có đảm bảo công bằng giữa các thí sinh?
TS Lâm nói rằng, tiến tới phương thức tổ chức thi trên máy tính là phù hợp, thuận lợi cho học sinh trong quá trình học và thi cử. Khi thi các môn trắc nghiệm trên máy, sẽ được trả kết quả nhanh và chính xác. Vấn đề ở chỗ, các địa phương sẽ phải chuẩn bị nguồn lực, máy móc đủ nhiều, đáp ứng nhu cầu của thí sinh dự thi ra sao.
“Có thể vùng thuận lợi triển khai trước, còn địa phương khó khăn thí điểm theo từng huyện, thị xã. Khi đó, học sinh ở những trường khó khăn sẽ phải di chuyển đến nơi thuận lợi để dự thi. Đây là vấn đề điều kiện, kỹ thuật mà các địa phương có thể khắc phục được”, ông Lâm nói.
Góp ý cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, đổi mới đề thi, TS Lâm cho rằng, cần phải tăng cường tỉ lệ câu hỏi vận dụng lên từ 30-40% thay vì 25% như hiện nay. Làm như vậy sẽ thúc đẩy học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn, thay vì chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.