Thông tin trên được Bộ trưởng Giao thông Ethiopia Dagmawit Moges hé lộ hôm 17/3. Tuy nhiên, ông này từ cung cấp chi tiết, mà chỉ khẳng định rằng sự tương đồng này sẽ là vấn đề được nghiên cứu sâu hơn trong quá trình điều tra.
Cũng theo ông Moges, báo cáo điều tra sơ bộ về vụ rơi máy bay hôm 10/3 sẽ được công bố trong vòng 30 ngày tới.
Tuyên bố trên được đưa ra một tuần sau thảm họa rơi máy bay của Ethiopian Airlines làm 157 người thiệt mạng. Vụ việc khiến dòng máy bay Boeing 737 MAX 8 bị cấm bay tại hàng loạt các quốc gia thế giới. Đây cũng là mẫu máy bay gặp nạn ở Indonesia hồi tháng 10/2018.
Hộp đen của máy bay Ethiopia. (Ảnh: BEA)
Cả 2 máy bay đều ghi nhận những lần tăng, hạ độ cao bất thường và rơi không lâu sau khi cất cánh.
Nghi vấn đang dồn vào Hệ thống Mở rộng Chức năng Điều khiển (MCAS), hệ thống mới được Boeing tích hợp vào dòng máy bay dân dụng hiện đại phiên bản nâng cấp này. Theo dữ liệu thu được từ hộp đen máy bay Indonesia rơi, MCAS nhầm lẫn rằng máy bay đang chếch lên trên nên tự động kéo mũi máy bay chúc xuống.
Phi công đã buộc phải tìm cách nâng mũi của máy bay lên khoảng 20 lần chỉ trong 11 phút. Tuy nhiên, điều này lại tiếp tục khiến hệ thống MCAS kéo mũi máy bay chúc xuống. Cuộc vật lộn giữa phi công và hệ thống này kéo dài cho tới phút cuối cùng của chuyến bay trước khi nó lao xuống biển.
Trong trường hợp của máy bay Ethiopia, các hộp đen của nó đã được chuyển tới Cơ quan Điều tra và phân tích an toàn hàng không dân dụng Pháp (BEA). Cơ quan này sẽ làm việc cùng với các chuyên gia Mỹ và Ethiopia để xác định chính xác nguyên nhân dẫn tới thảm kịch hôm 10/3.
Trong khi các nhà điều tra vẫn đang tìm cách xác định nguyên nhân vụ rơi máy bay, CEO Dennis Muilenburg của Boeing hôm 17/3 cho biết hãng này đã hoàn thành việc phát triển bản cập nhật phần mềm và thay đổi chương trình đào tạo phi công.
(Nguồn: CNA)