Tận dụng lợi thế mới
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP Hồ Chí Minh sở hữu một quỹ tài nguyên du lịch hiếm có: từ những di tích lịch sử mang tầm quốc gia như Địa đạo Củ Chi, Hội trường Thống Nhất, đặc khu Côn Đảo… đến hệ sinh thái đa dạng tại Cần Giờ hay Bình Châu - Phước Bửu. Cùng với đó là các loại hình mới mẻ như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch công nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm, thể thao, golf... tất cả đều mở ra những cơ hội phát triển rộng lớn.
Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh
Ngoài những tài nguyên quý giá, Thành phố còn sở hữu một "thị trường tại chỗ" đầy tiềm năng: khoảng 14 triệu dân cư, cộng với hàng triệu lượt người đến công tác, học tập và làm việc mỗi năm. Đây là tệp khách có nhu cầu cao, khả năng chi tiêu tốt, một lợi thế mà ít địa phương nào có được.
Hạ tầng giao thông, một trong những yếu tố then chốt, cũng đang được nâng cấp nhanh chóng. Các tuyến cao tốc liên vùng, đường vành đai kết nối liên tỉnh và đặc biệt là sân bay quốc tế Long Thành chuẩn bị đưa vào hoạt động sẽ giúp TP Hồ Chí Minh trở thành đầu mối kết nối du lịch lớn của phía Nam, giảm thời gian di chuyển và tăng sức hút của Thành phố với khách trong nước lẫn quốc tế.
Đặc khu Côn Đảo
Trong bối cảnh đó, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đang tiến hành điều chỉnh Đề án phát triển du lịch đến năm 2030. Trọng tâm là tái định vị thương hiệu du lịch Thành phố, xác định nhóm sản phẩm chủ lực, thị trường mục tiêu, và các giá trị khác biệt để nâng cao sức cạnh tranh. Song song, việc đẩy mạnh liên kết vùng, không chỉ trong du lịch mà còn cả kinh tế và xã hội, sẽ tạo ra chuỗi giá trị liên hoàn, giúp TP Hồ Chí Minh và các địa phương cùng nhau phát triển.
Làm mới sản phẩm, nâng tầm trải nghiệm
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch sẽ triển khai loạt giải pháp mang tính đột phá về sản phẩm, xúc tiến thị trường và trải nghiệm du khách. "Một trong những điểm nhấn lớn từ nay đến cuối năm là việc công bố các sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố cùng với nền tảng du lịch 3D/360 độ bằng nhiều ngôn ngữ, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và lên kế hoạch trải nghiệm trước khi đến".
Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh.
Các lễ hội, sự kiện đặc sắc như Lễ hội sông nước, Liên hoan âm nhạc quốc tế Hò Dô, Lễ hội Nguyên tiêu, Giải marathon quốc tế… sẽ được tổ chức chuyên nghiệp hơn, tăng yếu tố trải nghiệm và hấp dẫn truyền thông. Đồng thời, Thành phố cũng tập trung phát triển du lịch ban đêm với các sản phẩm mới như tham quan bảo tàng về đêm, chương trình biểu diễn nghệ thuật công cộng, hoạt động giải trí kéo dài tới khuya… hướng đến mục tiêu nâng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.
Nhiều tour đêm tại các bảo tàng sẽ được triển khai trong thời gian tới.
"Về công tác xúc tiến, quảng bá, chúng tôi sẽ chuyển hướng theo chiến lược tập trung, chọn lọc rõ ràng. Với thị trường nội địa, trọng tâm là khu vực Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung nhóm khách có mức chi tiêu cao, nhu cầu trải nghiệm đa dạng. Đối với thị trường quốc tế, chúng tôi ưu tiên các quốc gia đã được miễn thị thực, có đường bay thẳng và tiềm năng tăng trưởng ổn định. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng sẽ tích cực phối hợp tổ chức các sự kiện quốc tế quy mô lớn về kinh tế, thể thao, văn hóa… nhằm gia tăng độ nhận diện và khẳng định vị thế một điểm đến năng động, hiện đại và hội nhập sâu rộng với thế giới", bà Nguyễn Thị Ành Hoa cho biết thêm.
Lễ hội Quốc tế Hò Zo
Chuyển đổi số cũng là một ưu tiên lớn. Sở Du lịch đang tích hợp thông tin cần thiết trên các ứng dụng như Công dân số, MultiGo, đồng thời nâng cấp các kênh hỗ trợ như Cổng 1022 và trạm thông tin du lịch, giúp mọi trải nghiệm từ đặt dịch vụ, tìm đường, nhận hỗ trợ đến phản ánh sự cố đều dễ dàng và tiện lợi hơn với du khách.
Song song đó, các rào cản về chính sách và thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch đang được rà soát và tháo gỡ. Từ điều kiện khai thác cảng, bến thủy nội địa đến thủ tục đầu tư, TP Hồ Chí Minh đang hướng đến một môi trường minh bạch, thông thoáng và thân thiện hơn với doanh nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch.