Một cô gái đi du lịch đến Xuyên Tây (khu vực phía Tây của Tứ Xuyên, Trung Quốc) vào tháng Tư đã hốt hoảng khi chứng kiến hàng dài người xếp hàng đợi nửa tiếng đồng hồ trong gió lạnh ở độ cao 5.200 mét so với mực nước biển, chỉ để chụp một bức ảnh check-in cột mốc dãy Himalaya.
Xếp hàng chụp hình toàn cảnh đỉnh núi Everest
Sự nhiệt tình trong mùa du lịch đã khiến lạnh giá không còn tác dụng, cũng kéo theo giá phòng khách sạn tăng lên chóng mặt. Giá thuê phòng khách sạn từ 200-300 NDT/đêm (hơn 670 nghìn đến 1 triệu đồng) trước đây nhảy lên đến 1.000 NDT (hơn 3,3 triệu đồng). Khách sạn sang trọng vốn đắt tiền, nay tăng lên thành 3.000-4.000 NDT/đêm (hơn 10-13 triệu đồng).
Trước cơ hội ngàn vàng này, nhiều homestay lựa chọn hủy hợp đồng thuê phòng đặt trước, thậm chí chấp nhận bồi thường, vì họ phát hiện ra rằng cho dù giá thuê có tăng cao đến mấy thì du khách cũng vẫn chấp nhận.
Ngày điện thoại gọi tới, Vũ Sướng cũng không ngờ rằng mình bị cuốn vào “làn sóng hủy phòng homestay” bất ngờ.
Đầu tháng 4, Vũ Sướng ở Bắc Kinh hẹn cùng các bạn đi Uy Hải ngắm biển vào dịp lễ Quốc tế Lao động 1/5.
Chỉ còn một tháng nữa là đến ngày đi chơi, homestay ở Uy Hải bước vào mùa cao điểm, giá phòng tăng lên chóng mặt. Tất cả loại phòng có view biển đều có giá dao động từ 600-1.000 NDT/đêm (hơn 2-3,3 triệu đồng). Vũ Sướng mất hơn một giờ so sánh lựa chọn, cuối cùng đặt một homestay nhìn ra biển với giá 648 NDT/đêm (gần 2,2 triệu đồng), hai phòng ngủ một phòng khách, gần khu thắng cảnh nổi tiếng như bãi tắm biển. Năm người chia ra bình quân cũng không quá đắt. Đối với một sinh viên như Vũ Sướng, homestay luôn là sự lựa chọn kinh tế nhất.
Một khu du lịch ở Uy Hải
Chỗ ở xong xuôi, chuyến du lịch này xem như thành công một nửa. Đến ngày 23/4, dịch vụ khách hàng trên ứng dụng booking gọi đến Vũ Sướng thông báo chủ homestay không thể giao phòng đúng hạn, đưa ra phương án bồi thường theo giá đêm đầu tiên.
Vũ Sướng không đồng ý bồi thường, mà muốn liên lạc với phía homestay trước. Chủ nhà chỉ nói rằng khách quá tải nên không thể nhận lịch thuê của Vũ Sướng. Cảm thấy chuyến du lịch của mình gặp nguy cơ, Vũ Sướng liền đưa ra một điều khoản trong luật, nói rằng nếu hợp đồng bị hủy đơn phương thì phía chủ nhà phải bồi thường gấp 3 lần số tiền đã thanh toán cho khách. Thế nhưng phía homestay lại im lặng và chỉ thể hiện: “Thật sự xin lỗi khách hàng, homestay không thể sắp xếp đúng lịch đã đặt”.
Vũ Sướng khiếu nại đến Cục Giám sát thành phố Uy Hải, cuối cùng phía nền tảng booking đồng ý bồi thường (hoàn 1 đền 3) theo giá phòng đêm đầu tiên, con số cụ thể là 1.944 NDT (hơn 6,5 triệu đồng).
Nhưng khi tìm kiếm homestay này từ một nền tảng khác, Vũ Sướng bất ngờ vì vẫn có thể đặt phòng view biển nhưng giá đã tăng gấp ba lần trong mùa lễ 1/5, tức 1.998 NDT/đêm (hơn 6,7 triệu đồng).
Vũ Sướng tính toán và nhận ra homestay vẫn là bên hưởng lợi lớn nhất trong “làn sóng hủy phòng”. Theo đó, sau khi tăng lên 1.998 NDT/đêm, ba đêm có thể kiếm được 5.994 NDT (hơn 20 triệu đồng). Như vậy, cho dù chấp nhận bồi thường, phía homestay vẫn kiếm thêm hơn 2.000 NDT (gần 6,8 triệu đồng).
“Nước đi này thật sự khôn ngoan”, Vũ Sướng nói.
Sau khi giải quyết khiếu nại, Vũ Sướng vội vàng đặt lại chỗ ở, lúc này chỉ có thể ngậm ngùi chọn giá phòng 1.400 NDT/đêm (hơn 4,7 triệu đồng). Tiền phòng cho ba đêm nhiều hơn so với số tiền bồi thường trước đó. Thế nhưng phải đến 2/5, sau lễ, phía nền tảng mới giải quyết hoàn tiền.
Lần đầu tiên gặp phải làn sóng hủy đơn đặt phòng của homestay, Vũ Sướng hiện cũng có chút thiếu tin tưởng vào các nền tảng booking.
“Tôi ghi âm toàn bộ quá trình khi gọi điện thoại với chủ homestay và dịch vụ khách hàng của ứng dụng. Tôi cũng không chắc 100% phía ứng dụng sẽ hoàn tiền cho tôi, nếu không, chuyến đi này quá tổn thất”.
Song Vũ Sướng không phải là một trường hợp điển hình.
Trên thực tế, mùa lễ 1/5 của năm 2022, hiện tượng homestay hủy phòng để tăng giá này đã xảy ra. Những cơ sở cung cấp dịch vụ cho thuê phòng du lịch này nhân cơ hội mở cửa du lịch để “lấy lại những gì đã mất sau thời gian dịch bệnh hoành hành”.
Đặng Thiến, sinh viên đại học ở Miên Dương, Tứ Xuyên, cũng gặp phải trường hợp tương tự. Ngay từ giữa tháng 3, cô đã đặt homestay ở Thành Đô trong thời gian lễ 1/5 với giá “hạt dẻ” là 115 NDT (gần 390 nghìn đồng). Thời điểm đó, homestay còn đang chạy chương trình ưu đãi Tết Thanh Minh, có lẽ là chủ homestay quên giới hạn thời hạn chương trình nên mới để Đặng Thiến “nhặt được giá hời”.
Chín ngày sau, chủ homestay gọi cho Đặng Thiến, nói rằng giá phòng sẽ tăng lên 500 NDT/đêm (gần 1,7 triệu đồng). Sau đó cô liên hệ với phía chăm sóc khách hàng của ứng dụng booking, cuối cùng nhận về tiền bồi thường và vẫn chưa có chỗ ở trong mùa lễ.
Chỉ có điều, sau khi trả lời phỏng vấn truyền thông, câu chuyện của Đặng Thiến đã được chia sẻ chóng mặt và đã đến tai Sở Văn hóa và Lữ hành Thành Đô. Kết quả cuối cùng là chủ homestay gọi điện xin lỗi Đặng Thiến, nói rằng mục đích của họ không phải là muốn khách hàng trả phòng. Đồng thời, phía homestay còn gửi tới chứng cứ cần sửa chữa vòi hoa sen, cũng rất thành ý mời Đặng Thiến ở lại miễn phí các homestay khác của công ty trong mùa lễ 1/5 xem như đền bù tổn thất cho cô gái.
Sau một hồi cân nhắc, Đặng Thiến vẫn từ chối lời mời của chủ homestay: “Tôi không muốn người khác nói tôi bị mua chuộc mới chấp nhận xin lỗi”. Cô là người vô tội trong cuộc chơi lợi nhuận này, nhưng sau cùng lại trở thành người có tội ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Thành Đô.
Gần đến ngày xuất phát, Vũ Sướng vẫn không giành được vé tàu cao tốc Bắc Kinh đi Uy Hải. Cho dù đã chi 50 NDT (gần 170 nghìn đồng) nạp tiền vào nền tảng OTA để hẹn đặt vé trước, nhưng vẫn không thể nhanh tay giành được vé cho mình lẫn các bạn đi cùng.
Không còn cách nào khác, Vũ Sướng và các bạn cùng lớp đã mua vé xe khách từ Bắc Kinh đến Tế Nam. Khởi hành lúc 7h15 sáng ngày 29/4, mất 5 tiếng đến Tế Nam, sau đó đi tàu cao tốc đến Uy Hải. Vũ Sướng cho biết anh phải đến Sơn Đông bằng mọi giá vì lần cuối cùng đi du lịch đã là 4 năm trước.
Đến Uy Hải sẽ đi thăm thú bằng gì? Nhóm Vũ Sướng chọn di chuyển bằng xe máy điện. Nhưng quá trình thuê xe điện cũng khó không tưởng. Ngay từ đầu tháng 4, chủ nhà xe đã không nhận tiền đặt cọc vì xe đã được đặt hết từ lâu. Vũ Sướng lần lượt hỏi trên mạng xã hội, hỏi đến ông chủ thứ tư, cửa hàng còn lại vài chiếc xe. Vũ Sướng không chút suy nghĩ, trực tiếp thanh toán toàn bộ tiền thuê ba chiếc xe, lúc này mới thở phào nhẹ nhõm.
Homestay hủy hợp đồng, sau đó còn giành giật vé tàu rồi thuê xe điện, Vũ Sướng gần như dự đoán chuyến đi này nhất định không suôn sẻ: “Còn chưa xuất phát, tôi đã rất mệt mỏi rồi!”.
Khó khăn là thế, nhưng phần đông người Trung Quốc vẫn kiên trì đi du lịch vì “đã bị nhốt ở nhà” một thời gian dài bởi dịch bệnh.
Nhiều bạn trẻ còn đi du lịch kiểu “quân đội”, tức là chỉ ghé thăm một thành phố trong vài tiếng rồi lại di chuyển đến thành phố khác, 5 ngày có thể đi hơn chục thành phố. Vì họ cho rằng “không biết tương lai có thể đi được không, nên phải tận dụng mọi cơ hội”.
Chu Hựu Linh, nhân viên văn phòng ở Thành Đô cảm thán: “Đây là cuộc sống hoàn toàn quên đi kết quả, ý nghĩa chỉ nằm trong cảm xúc. Khi đi qua những ngọn núi tuyết và đồng cỏ, tôi có cảm giác ‘như đi trên mây’. Ngắm mặt trời mọc trên đỉnh núi, tâm trạng như được chữa lành sau tháng ngày bộn bề với công việc. Đây đều là những hình ảnh cực kỳ quý giá sau những đêm tăng ca không đếm xuể”.
Nguồn: Zhihu