Những tên trộm giỏi nhất là những kẻ có khả năng đánh cắp sự khôn ngoan của người khác. Và trong giới kinh doanh, đối tượng tốt nhất để cướp có lẽ là người sáng lập "đầu trọc" của Amazon.
Tôi không khuyên bạn "bóc lột" nhân viên của mình hay trốn thuế hoặc chi hàng triệu USD cho những chiếc đồng hồ vô dụng và những chiếc du thuyền bắt mắt. Tôi đang nói về những quyết định đã đưa Amazon từ một hiệu sách nhỏ bé trở thành một công ty trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Dưới đây, bạn sẽ tìm thấy ba bí quyết quan trọng và cách áp dụng chúng vào sự nghiệp của mình.
Quy tắc 70%
Amazon theo đuổi triết lý kinh doanh "ngày đầu tiên". Bạn có muốn biết lý do?
Bezos từng nói: "Ngày thứ 2 mọi việc sẽ ngưng trệ, ùn ứ. Kéo theo đó là vô số những rắc rối không liên quan. Và kết quả là sự sụp đổ, là cái chết vô cùng đau đớn". Vì vậy, với nhân viên của Amazon, ngày nào cũng là ngày đầu tiên.
Trong kinh doanh, Ngày thứ 2 không xảy ra chỉ sau một đêm. Nói đúng hơn, nó là một vết cháy chậm, kéo dài hàng năm hoặc thậm chí hàng chục năm. Theo Bezos, nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái là do không kịp thời đưa ra các quyết định phù hợp.
Bezos cũng nhấn mạnh rằng, trung bình, để đưa ra một quyết định, mọi người thường cố gắng xác định đầy đủ, khoảng 90% thông tin của những thứ mà họ cho là cần thiết để đưa ra quyết định đó.
Và nó chính là lý do tại sao những công ty "ngày thứ 2" lại chết. Nó giống như việc mua hàng với phiếu giảm giá, bạn suy nghĩ, đắn đo để rồi ngay khi đưa quyết định, món hàng mà bạn muốn đã hết hạn.
Vì vậy, Bezos chọn dùng quy tắc 70%.
Bạn nên đưa ra quyết định của mình ngay khi nắm trong tay 70% thông tin mà bạn mong muốn để đưa ra quyết định đó.
Làm thế nào để xác định được đâu là 70%? Hãy ước tính dựa trên một hệ thống.
Dưới đây là ba công cụ đơn giản mà tôi đã và đang sử dụng để áp dụng quy tắc 70% cho các quyết định kinh doanh của mình.
● Lập danh sách, kiểm tra những thứ cần thiết. Mọi quyết định đều đi kèm với hàng loạt câu hỏi: Cái này giá bao nhiêu? Khi nào thì nó có lãi? Làm thế nào để có thể mở rộng quy mô? Ai có thể giúp bạn? Ngay khi trả lời được 70% các câu hỏi, hãy ngừng suy nghĩ và đưa ra quyết định của bạn.
● Đưa ra lịch trình cụ thể. Thay vì theo dõi số lượng các thông tin, hãy quan tâm đến thời gian mà bạn dành cho một quyết định. Giả sử, bạn cho mình 10 ngày để nghiên cứu cơ hội đầu tư. Thì với quy tắc này, vào ngày thứ bảy, bạn sẽ có đủ sự sáng suốt để giải quyết chúng.
● Có bảng tính và công thức rõ ràng. Các số liệu thống kê có thể theo dõi như doanh số bán hàng, lượt xem và khối lượng công việc,... giúp bạn quyết định các dự án cần ưu tiên. Nhiều doanh nhân xem xét các dữ liệu hiệu suất của họ mỗi năm một lần. Nhưng quy tắc 70% cho thấy bạn nên làm điều đó tám tháng một lần.
Hãy nhớ rằng, không có thứ gọi là quyết định cuối cùng. Bạn có thể thay đổi quyết định của mình bất kỳ lúc nào.
Nguyên tắc "Phản đối và cam kết"
Trở lại năm 2016, Bezos không ủng hộ việc tung ra một chương trình trên Amazon Studios. Ông nghĩ rằng số tiền này nên được chuyển cho một dự án ít rủi ro hơn, nhưng đội ngũ sáng tạo nội dung đã kiên trì bảo vệ ý kiến của họ.
Không để cuộc tranh luận kéo dài quá lâu, Bezos nói: "Tôi phản đối, nhưng vẫn sẽ đồng ý cho các bạn thực hiện ý tưởng đó. Hãy cam kết làm nó một cách tốt nhất có thể. Hy vọng đây sẽ là chương trình thành công nhất mà chúng ta từng làm".
Đó là một quyết định tiết kiệm được rất nhiều thời gian và đã được Bezos suy nghĩ kỹ lưỡng. Và kết quả, họ giành được 11 giải Emmy, 6 giải Quả cầu vàng và 3 giải Oscar.
"Phản đối và cam kết" về cơ bản có nghĩa là: "Tôi thấy những sai sót và rủi ro trong quyết định này nhưng tôi tin tưởng vào phán đoán của bạn và sẽ cam kết cùng thực hiện nó với bạn. Không cần phải tốn thêm thời gian cho việc thuyết phục tôi nữa".
Điều này tương tự như việc bạn không đồng ý với người đồng sáng lập hoặc một thành viên nào đó trong nhóm khi họ đề xuất một ý kiến khiến bạn đắn đo suy nghĩ. Tất nhiên, nó không có nghĩa là bạn phải cam kết, chấp nhận tất cả những gì bạn không đồng ý.
Dưới đây là ba tình huống có thể áp dụng nguyên tắc "phản đối và cam kết".
● Khi bạn không đồng ý với các chuyên gia. Cứ thoải mái chia sẻ những lo lắng của bạn nhưng cố gắng hạn chế bộc lộ sự hoài nghi trong giọng nói. Họ được gọi chuyên gia là có lý do. Hãy lắng nghe họ.
● Khi một ý kiến nào đó được đưa ra thảo luận. Giống như Bezos, đừng lãng phí thời gian để thuyết phục hoặc yêu cầu mọi người thuyết phục bạn. Thay vào đó, hãy ủng hộ nhóm của bạn và cũng như quyết định của họ.
● Khi bạn không đồng ý với những đề xuất có tỷ lệ rủi ro thấp. Bật đèn xanh cho những quyết định nhỏ mà bạn không đồng ý sẽ xây dựng được lòng tin và truyền cảm hứng làm việc cho nhóm của bạn. Ngay cả khi mọi thứ diễn ra không như ý muốn, bạn cũng sẽ không mất mát quá nhiều.
Và có thể điều ngược lại vẫn sẽ đúng. Bất cứ khi nào bạn có một vụ cá cược hơi điên rồ nhưng đáng để theo đuổi, hãy hỏi đối tác của bạn, có thử "phản đối và cam kết" không?
Cách giảm thiểu những điều hối tiếc
Cho đến nay, quyết định khó khăn nhất của tôi là rời bỏ công việc trong ngành kỹ thuật. Tôi đã từ bỏ một mức lương có thể coi là mơ ước với nhiều người, bảo hiểm y tế, sự tin tưởng từ gia đình và địa vị xã hội để đổi lấy một công việc kinh doanh trực tuyến đầy rủi ro.
Tôi đưa ra quyết định này sau nhiều đêm mất ngủ và ăn uống không điều độ. Nếu biết những "mánh khóe" của Bezos sớm hơn thì tôi đã không khó khăn đến vậy. Khi đó, sếp của tôi đã nói rằng: "Nếu cậu là một sinh viên vừa mới ra trường thì những ý tưởng này sẽ rất tuyệt vời. Nhưng cậu đã đi làm ba năm rồi. Cậu không thể thành công được nếu vẫn giữ cách làm việc như thế này".
Bezos cũng có trải nghiệm tương tự với sếp của mình. Nhưng khác với tôi, ông đưa ra lựa chọn rất nhanh chóng.
Để làm được điều đó, ông đã tưởng tượng bản thân sẽ ra sao trong tương lai. Bezos hình dung ra mình khi 80 tuổi, đang ngồi thư giãn trên chiếc ghế bập bênh và nhìn lại những lựa chọn trong cuộc đời của mình.
Ông từng nói: "Hầu hết, chúng ta đều sẽ hối tiếc về những việc bị bỏ sót, đó là những lựa chọn không được thực hiện và nó trở thành nỗi ám ảnh, đeo bám chúng ta đến hết cuộc đời".
Bezos cho biết thêm: "Chúng tôi luôn tự hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra? Câu hỏi này giúp tôi biết, khi 80 tuổi, tôi sẽ không bao giờ hối hận khi bỏ một công việc tốt để bắt đầu làm việc tại Amazon. Tôi vô cùng tin tưởng và hào hứng với quyết định của mình".
Vì vậy, bất cứ khi nào bạn cảm thấy phân vân hay gặp khó khăn trong việc lựa chọn, hãy tự hỏi bản thân:
"Liệu khi 80 tuổi, mình có hối hận về quyết định này không?".
Câu trả lời sẽ giúp bạn quyết định dễ dàng hơn rất nhiều.