Dù khen hay chê thì sự thật là quả bóng World Cup đã phải vượt qua 7 cửa ải “trần ai” của FIFA như thế này

Đạt Lê, Theo Helino 07:24 14/06/2018
Chia sẻ

Vẫn biết có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quả bóng trên sân cỏ, nhưng nói một cách khách quan thì FIFA đã kiểm tra bóng rất “có tâm”, thậm chí là khắc nghiệt.

Bóng mới chính thức lăn trong trận cầu đầu tiên của World Cup 2018 vào ngày hôm nay. Thế nhưng suốt thời gian qua, quả bóng được dùng chính thức trong giải đấu - mang tên Telstar 18 - đã nhận lấy không ít lời phê bình từ những thủ môn hàng đầu.

Họ cho rằng bóng quá bay bổng và khó bắt chính, đường chuyền thì kỳ lạ... Thực sự, nếu bóng Telstar 18 mà nghe được chắc nó sẽ buồn lắm!

Vì bạn biết không, để trở thành "quả bóng được chọn", Telstar 18 đã phải trải qua 7 bài kiểm tra gắt gao không khác gì "lò luyện bát quái" tại phòng thí nghiệm Empa (Thụy Sĩ) - nơi mà FIFA đã "chọn mặt gửi vàng" để kiểm tra bóng trong suốt 22 năm qua.

Nhưng dù sao, trăm nghe không bằng một thấy, bạn hãy tự mình xem lấy các bài kiểm tra mà Telstar 18 đã vượt qua!

1. Đo đạc 4.500 điểm để kiểm tra chu vi bóng

Bóng World Cup phải vượt qua 7 cửa ải FIFA trước khi lăn trên sân cỏ - Ảnh 1.

Để đảm bảo Telstar 18 có kích thước hợp lí, các chuyên gia đã đo đạc 4.500 điểm chạm khác nhau trên bề mặt quả bóng.

Tiêu chuẩn đánh giá: chu vi bóng phải nằm trong khoảng 68,5 – 69,5cm.

2. Vẫn là 4.500 điểm nhưng để đo độ cầu thể của bóng

Tức là phải đảm bảo Telstar 18 là một khối cầu gần như hoàn hảo, không bị... méo!

Bóng World Cup phải vượt qua 7 cửa ải FIFA trước khi lăn trên sân cỏ - Ảnh 2.

Lần này họ vẫn tiến hành đo 4.500 điểm chạm trên bề mặt bóng, nhưng là để xác định các bán kính khác nhau. Tiêu chuẩn đánh giá: sai số của tất cả các bán kính không chênh nhau quá 1,5%.

3. Bắn 2.000 lần để đo khả năng duy trì hình dáng và kích thước của bóng (sau va đập)

Các chuyên gia quả bóng va đập nhiều lần trong tổ hợp máy tự động, nhằm bảo đảm quả bóng không hư hỏng dù bị tác động lực mạnh. Đặc biệt, họ còn cẩn thận bắn bóng 2.000 lần vào một mặt phẳng thép "cho chắc".

Bóng World Cup phải vượt qua 7 cửa ải FIFA trước khi lăn trên sân cỏ - ảnh 3

Tiêu chuẩn đánh giá: Chu vi không thay đổi quá 1,5cm. Độ cầu thể không đổi quá 1,5%. Áp lực không đổi quá 0,1bar (bar là đơn vị của áp lực, 1 bar = 100.000 pascal). Các đường may và nắp hơi vẫn bền chặt.

4. Lặn ngụp 250 lần trong nước để chứng minh khả năng kháng nước

Bóng World Cup phải vượt qua 7 cửa ải FIFA trước khi lăn trên sân cỏ - Ảnh 4.

Quả bóng bị nhúng 250 lần vào thùng nước nhưng vẫn chống thấm khá tốt. Ngược lại, nếu quả bóng hấp thụ quá nhiều nước, nó sẽ trở nên nặng nề và khó điều khiển.

Tiêu chuẩn đánh giá: không thấm nước quá 10% trọng lượng ban đầu.

5. Cân đo 9 lần

Bóng World Cup phải vượt qua 7 cửa ải FIFA trước khi lăn trên sân cỏ - Ảnh 5.

Nhóm chuyên gia lấy 3 quả bóng làm mẫu thử, đo mỗi quả 3 lần theo đơn vị gam, chính xác đến 3 chữ số thập phân. Sau đó tính trung bình cộng của 9 lần đo.

Tiêu chuẩn đánh giá: quả bóng nặng trong khoảng 420 – 445g

6. Xác định độ thất thoát áp lực của bóng

Bóng World Cup phải vượt qua 7 cửa ải FIFA trước khi lăn trên sân cỏ - Ảnh 6.

Tức là bảo đảm quả bóng vẫn giữ nguyên áp lực vốn có, hạn chế xì hơi xuống mức thấp nhất trong vòng 24 giờ.

Tiêu chuẩn đánh giá: không thất thoát quá 20%.

7. Rơi tự do 10 lần để kiểm tra độ nẩy của bóng

Bóng World Cup phải vượt qua 7 cửa ải FIFA trước khi lăn trên sân cỏ - Ảnh 7.

Thử nghiệm trên 3 quả bóng. Mỗi quả được hệ thống tự động nâng lên thả xuống 10 lần (từ độ cao 2m xuống mặt phẳng thép).

Tiêu chuẩn đánh giá: bóng nẩy lên trong khoảng 135 – 155cm.

Tạm kết

Telstar 18 đã vượt qua 7 bài kiểm tra kể trên, nhận lấy con tem nhỏ bé nhưng đầy quyền lực của FIFA - FIFA Quality Pro.

Bóng World Cup phải vượt qua 7 cửa ải FIFA trước khi lăn trên sân cỏ - Ảnh 8.

Được biết, trong suốt 22 năm ở phòng thí nghiệm Empa, có nhiều quả bóng đã "rớt" lại và chưa bao giờ ra mắt công chúng. Ví dụ những quả bóng da xưa cũ thường bị "đánh rớt" do hấp thụ quá nhiều nước, hoặc là thay đổi hình dạng sau va đập mạnh.

Mặt khác, giải thích vì sao quả bóng Telstar đang bị chê bai, các chuyên gia từ Empa đặt giả thiết có thể mặt sân thi đấu gặp vấn đề nào đó.

Một yếu tố khác – thật bất ngờ - chính là do quang học. Quả bóng Telstar 18 không được "lắp ghép" từ những hình 6 cạnh hay 5 cạnh theo truyền thống, mà là những mảng bất đối xứng.

Vì vậy, dưới những điều kiện ánh sáng nhất định, mắt người có thể sẽ nhìn nhận về đường bay của bóng là "bất thường", chứ thực ra quả bóng... vô tội!

Dù sao, mọi chuyện còn quả sớm để khẳng định, hãy chờ xem quả bóng Telstar 18 sẽ làm nên "cơm cháo" gì ở World Cup 2018!

Tin mừng là chúng ta sẽ không phải chờ lâu nữa, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh đang đếm ngược từng giờ rồi đấy!

Nguồn: FIFA, phys

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày