Du học sinh Việt chọn ở lại tâm dịch: Quyết không để nhiễm bệnh, đặt vé rồi cũng hủy vì sợ lây trên máy bay

Lâm Anh, Theo Trí Thức Trẻ 15:16 25/03/2020

Trong bối cảnh hàng nghìn người tìm về Việt Nam để tránh dịch, nhiều du học sinh vẫn chọn ở lại. Với họ, dù ở đâu cũng phải nâng cao tinh thần và sức khỏe để chiến đấu với dịch bệnh.

Không muốn tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế tại Việt Nam

Những ngày qua, hàng nghìn người Việt sinh sống ở nước ngoài chọn quay về Việt Nam để tránh dịch bệnh Covid-19. Từ tâm dịch châu Âu, nhiều người Việt, trong đó gồm cả du học sinh đã đáp chuyến bay về quê hương.

Bên cạnh những người bay về Việt Nam, nhiều du học sinh chọn ở lại sau rất nhiều đắn đo, suy tính.

Nguyễn Trà My (26 tuổi) đang là du học sinh tại Anh. Cô gái cùng chồng lựa chọn ở lại London dù tình hình dịch bệnh ở đây khá phức tạp.

"Quyết định ở lại hay rời khỏi Anh vào thời điểm này là không dễ dàng với vợ chồng mình cũng như nhiều du học sinh khác. Khi dịch mới bùng phát ở Anh, mình khá hoang mang về việc nên đi hay ở cũng như nên giữ phản ứng như thế nào với đại dịch toàn cầu này.

Lúc đó, rõ ràng chính phủ Việt Nam chống dịch khá tốt, luôn truyền thông cho người dân về tầm nguy hiểm của virus, trong khi đó, chính phủ Anh có một chiến lược khác hoàn toàn, coi đây chỉ là "cúm thường" và có phần thờ ơ với tốc độ lây lan của virus.

Tuy nhiên, sau một vài ngày bàn bạc với nhau và thuyết phục gia đình, tụi mình xác định rằng: Sẽ không để nhiễm bệnh dù ở Việt Nam hay Anh. Việc di chuyển nhiều, đặc biệt tới những nơi đông người như sân bay hay máy bay, sẽ tăng nguy cơ bị lây nhiễm chéo.

Mình có thể vô tình mang nguồn bệnh về lây nhiễm cho người thân ở Việt Nam. Ngoài ra, tụi mình không muốn tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế tại Việt Nam", Trà My chia sẻ.

Du học sinh Việt chọn ở lại tâm dịch: Quyết không để nhiễm bệnh, đặt vé rồi cũng hủy vì sợ lây trên máy bay - Ảnh 1.

Trà My và chồng quyết định ở lại Anh trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

9x cũng cho biết hai vợ chồng có một lý do cá nhân khác khi ở lại Anh. Cặp đôi cho rằng việc sống giữa tâm dịch sẽ là thách thức để trưởng thành và tập thích ứng với những khó khăn bất ngờ của cuộc sống.

Giống như Trà My, Trần Lan Ngân (22 tuổi, du học sinh ở Thụy Sĩ) cũng cho rằng việc di chuyển nhiều trong thời gian này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Bản thân Lan Ngân đồng ý với khẩu hiệu đang được ủng hộ những ngày qua: Đứng yên khi Tổ quốc cần!

Cô gái từng đặt vé về Việt Nam, thậm chí check in online nhưng cuối cùng phải hủy chuyến vào phút chót.

"Khi thấy tỉ lệ lây nhiễm trên các chuyến bay tăng lên, các cơ sở y tế có thể bị quá tải, mình nghĩ chưa chắc bản thân đã tốt hơn nếu trở về. Bây giờ mình cho rằng, ai ở đâu thì nên ở đó", cô chia sẻ.

Du học sinh Việt chọn ở lại tâm dịch: Quyết không để nhiễm bệnh, đặt vé rồi cũng hủy vì sợ lây trên máy bay - Ảnh 2.

Lan Ngân tiếc nuối vì dự định du lịch Thụy Sĩ bị trì hoãn vô thời hạn.

Nguyễn Thu Hà (24 tuổi) là du học sinh ở Tây Ban Nha. Cô gái cảm thấy khá yên tâm khi chọn ở lại nước sở tại dù đây là ổ dịch lớn thứ 3 ở châu Âu.

"Hiện tại, mình vẫn khá ổn và an toàn khi thường xuyên ở trong nhà và không tiếp xúc với ai, chỉ ra ngoài khi mua đồ ăn. Người dân ở đây đã chủ động đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.

Mình không phải đến trường trên những chuyến xe buýt và tàu - nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nữa. Không chỉ mình, các cô chú, bạn bè mà mình biết cũng động viên nhau ở lại", nữ sinh cho biết.

Bức ảnh chụp Thu Hà trước và sau khi dịch bệnh bùng phát ở Tây Ban Nha

Tự tìm niềm vui trong những ngày chỉ ở nhà tránh dịch

Ở tâm dịch châu Âu, cả vợ chồng Trà My và Lan Ngân, Thu Hà đều phải học tập và làm việc tại nhà trong thời gian này. Thực phẩm tích trữ trong nhà đủ dùng từ 4 ngày đến một tuần. Dù ở Anh hay Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, các du học sinh này đều tin tưởng vào việc cung ứng thực phẩm của nước sở tại.

"Thực ra, cuộc sống cũng có đảo lộn đấy nhưng tụi mình vẫn xoay xở được. Dậy sớm đi siêu thị từ 6h sáng để mua được nước rửa tay, nước xịt khuẩn và các mặt hàng thiết yếu khác. Thức ăn không đa dạng như trước những đủ dùng", Trà My nói.

Mỗi lần ra ngoài, hai vợ chồng cô đeo khẩu trang, quàng khăn thật kín, mang theo nước rửa tay để dùng liên tục và tránh chạm vào nút bấm thang máy hoặc tay vịn thang cuốn.

Lan Ngân chia sẻ hình ảnh ở siêu thị những ngày đầu người dân đổ xô mua thực phẩm tích trữ. Đến nay, tình trạng này đã được cải thiện vì hàng hóa nhanh chóng được cung ứng trở lại.

Dịch bệnh buộc các du học sinh phải ở trong nhà gần như cả ngày. Điều này gây ra cảm giác bí bách, thậm chí căng thẳng. Nhiều người trong số họ phải tìm cách giải tỏa đầu óc. Lan Ngân tập thể dục trong nhà còn vợ chồng Trà My tranh thủ chạy bộ ở công viên gần chỗ ở. Riêng Thu Hà lại tập tành nấu những món mới và học thêm tiếng Tây Ban Nha.

Du học sinh Việt chọn ở lại tâm dịch: Quyết không để nhiễm bệnh, đặt vé rồi cũng hủy vì sợ lây trên máy bay - Ảnh 5.

Không gian thoáng đãng mà vợ chồng My đến chạy bộ trong những ngày này.

"Ban đầu, ngày nào mình cũng cập nhật ca nhiễm mới, việc tiếp nhận thông tin liên tục khiến mình cảm thấy hoang mang và lo lắng. Nhưng hiện giờ thì mình chỉ đọc báo, không đọc trên mạng xã hội vì ở đây đưa tin trùng lặp và sai khá nhiều. Mình thấy như vậy đỡ mệt mỏi hơn", cô gái chia sẻ.

Gần nơi ở của Hà, cứ 8 giờ tối, người dân lại ra ban công vỗ tay để động viên các y bác sĩ. Cô gái cảm thấy vui lây khi thấy mọi người xung quanh hò reo và bật nhạc rộn rã. Hà còn có một niềm vui nho nhỏ khi được cô chủ nhà đi chợ mua đồ ăn giúp.

Còn với Trà My, việc nghe ba mẹ gọi điện nhắc nhở mỗi ngày trở thành thói quen không thể thiếu.

"Gia đình lo lắm, hồi đầu còn giục về nước suốt. Nhưng vợ chồng mình có cách trao đổi để ba mẹ hiểu, thông cảm và tôn trọng quyết định của 2 đứa. Tụi mình cũng chụp ảnh đồ dùng cần thiết để phòng tránh với dịch bệnh nên họ cũng yên tâm phần nào".

Trà My thường xuyên gửi ảnh chụp nhu yếu phẩm để gia đình yên tâm.

Du học sinh Việt chọn ở lại tâm dịch: Quyết không để nhiễm bệnh, đặt vé rồi cũng hủy vì sợ lây trên máy bay - Ảnh 7.