Những ngày qua, vấn đề nóng nhất trong cộng đồng du học sinh Việt là nhiều sinh viên đang học tập và sinh sống tại Hàn Quốc chia sẻ về những trở ngại trong cuộc sống du học, dẫn đến những trường hợp gục ngã vì áp lực làm thêm, muốn buông xuôi tất cả để quay về nước.
Một quốc gia có số lượng du học sinh đông đảo không kém Hàn Quốc là Nhật Bản, theo thống kê của Bộ giáo dục đào tạo, hiện có hơn 38000 du học sinh đang học tập tại Nhật Bản. Đây là là nước có số du học sinh Việt Nam học tập nhiều nhất trên thế giới.
Tuy nhiên đa số sinh viên sang Nhật Bản du học thường không phải để học mà là để kiếm tiền. Chi phí du học Nhật ban đầu giao động khoảng 250-300 triệu đồng. Các vùng có số lượng sinh viên sang Nhật nhiều nhất là các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Nhiều du học sinh du học theo yêu cầu của gia đình, để trả số nợ lớn vay ngân hàng làm thủ tục du học, các bạn lao đầu vào làm thêm. Nhiều bố mẹ mong muốn cho con cái qua để đổi đời, phụ giúp gia đình. Điều này tạo áp lực rất lớn lên vai các bạn.
Du học sinh N.T.B. tâm sự: "Gia đình mình không mấy khá giả, học hết cấp 3 mình được tư vấn qua Nhật vừa học vừa làm, trước khi đi bố mẹ cũng vay mượn nhiều nên trong đầu mình lúc nào cũng đau đáu chuyện phải làm thêm sao kiếm được nhiều tiền nhất. Nhật Bản quy định khá chặt chẽ về số giờ làm thêm cho sinh viên, trong một tuần bọn mình chỉ được làm không quá 28 tiếng."
Bữa cơm sau giờ làm thêm của các du học sinh (Ảnh: Thay Đổi)
Các bạn sang Nhật hầu như không được đào tạo về các kỹ năng, ở một môi trường mới, tất cả mọi thứ phải tự lập, tự lo toan, xoay sở cho cuộc sống của chính bản thân. Nhiều khi ấm ức, buồn tủi, thui thủi một mình trong phòng trọ chật hẹp, nhiều bạn vẫn không dám gọi điện về cho gia đình vì sợ ở nhà lo lắng.
"Mỗi lần gọi về nhà mình đều bảo cuộc sống bên này rất ổn cho bố mẹ yên tâm. Nói chuyện xong mình lại ngồi sụt sịt khóc một mình." Một nữ du học sinh mới qua Nhật được 3 tháng chia sẻ.
Không chỉ Nhật Bản mà hầu hết các quốc gia đều không ai muốn bỏ tiền ra thuê một người hoàn toàn không biết tiếng để làm việc, các nơi nhận làm chỉ trả số tiền lương theo giờ với các công việc chân tay nặng nhọc. Muốn nhận được lương cao, nhiều du học sinh phải làm việc quần quật cả ngày.
Đa số sinh viên đến Nhật với vốn tiếng hạn hẹp, chỉ biết đến vài câu chào hỏi cơ bản, một số bạn còn không biết viết cả tên mình bằng tiếng Nhật, thế nên xin việc làm thêm rất khó khăn.
Tiếng Nhật là một ngôn ngữ khó, đặc thù riêng biệt từ cách viết lẫn cách phát âm nên nhiều sinh viên mặc dù du học 2-3 năm vẫn không thể giao tiếp thành thạo.
Cuộc sống du học sinh Việt tại Nhật Bản
Văn Anh, du học sinh tại thành phố Kyoto cho biết: "Mặc dù thời gian làm thêm chiếm phần lớn nhưng mình vẫn phải tập trung học tiếng Nhật, không bỏ lớp để thi đỗ senmon (trung cấp) và được ở lại Nhật thêm ít nhất 3 năm nữa."
Cuộc sống du học về cơ bản là không dễ dàng, nếu xác định du học để có một tấm bằng tốt, để tích lũy những kiến thức mới sau này ra trường kiếm được một công việc tốt, các bạn du học sinh nên tập trung tối đa cho việc học, xác định rõ ràng tâm lý và tư tưởng với gia đình trước khi sang Nhật Bản để tránh việc "đứt gánh giữa đường" vì miệt mài kiếm tiền.