Dạo gần đây, tôi thấy bé Lạc Lạc – con nhà hàng xóm – trong lớp của con trai tôi. Qua cửa sổ, bé cúi đầu, lưng khom lại, vẻ rụt rè, hoàn toàn không còn sự hoạt bát, lanh lợi như học kỳ trước. Trong đầu tôi bất giác hiện lên cảnh sinh hoạt thường ngày của Lạc Lạc trong kỳ nghỉ đông.
Gia cảnh nhà bé khá tốt, bố mẹ đều làm ăn xa, nên từ nhỏ bé sống với bà nội. Mỗi lần ra ngoài, bé giúp mang túi đồ, bà nội liền nói: "Cháu không mang nổi đâu, đừng làm rơi đồ đấy". Khi chơi dưới khu nhà, bà nội luôn chê bai bên cạnh: "Trời ơi! Nhìn cháu xem, học cũng kém, chơi thể thao cũng dở, sau này biết làm gì đây?".
Lạc Lạc muốn cùng con trai tôi trải nghiệm điều gì đó mới trong kỳ nghỉ, nhưng bà nội lại nói: "Thằng bé này làm gì cũng chẳng kiên nhẫn, thôi khỏi đi!".
Thời gian trôi qua, các bạn nhỏ dần không còn thích chơi với bé, Lạc Lạc cũng bị bà giữ suốt trong nhà. Giờ gặp lại, trong mắt bé dường như đã mất đi ánh sáng, trở nên rụt rè, thiếu tự tin.
Từng đọc một câu nói của Freud: Điều quyết định hạnh phúc cả đời của một người, chính là việc họ có cảm thấy tự ti trong thời thơ ấu hay không. Một đứa trẻ càng tự tin, cởi mở thì càng dễ hóa giải vận rủi, đi trên con đường rộng mở; Còn một đứa trẻ càng tự ti, yếu đuối thì càng sống u uất, buồn bã, biến cuộc sống thành một mớ hỗn độn.
Tuy nhiên, không có đứa trẻ nào sinh ra đã tự ti. Sự tự ti của trẻ phần lớn bắt nguồn từ cách giáo dục gia đình không phù hợp.
Vậy, làm sao để nuôi dạy một đứa trẻ tự tin và rạng rỡ? Bất kể điều kiện kinh tế gia đình ra sao, những bậc cha mẹ thông minh đều hiểu rằng cần phải hào phóng với con cái ở 4 phương diện sau.
Thời gian trước, bác sĩ Lý Tân từng kể một câu chuyện có thật: Một người mẹ đưa con gái là Lý Nam – sinh viên năm hai – đến tư vấn. Người mẹ nói rằng con gái đột nhiên nghỉ học ở nhà, mỗi ngày chỉ cắm đầu vào chơi game thâu đêm suốt sáng, rồi ăn uống ngủ nghỉ một cách vô định. Bà đã từng đánh, từng mắng, nhưng con vẫn không chịu đi học, thậm chí còn nói: "Vô dụng, nuôi con tốn cả cơm".
Sau khi tìm hiểu, Lý Tân phát hiện nguyên nhân căn bệnh nằm ở chính người mẹ. Từ nhỏ đến lớn, chỉ cần con gái làm sai một chút, bà mẹ liền không ngừng trách móc: "Con làm vậy sao xứng đáng với những gì mẹ đã hy sinh?".
Có lần, Lý Nam vô tình quên làm bài tập mẹ giao, chưa kịp giải thích thì đã bị mẹ đuổi ra khỏi nhà, mà lúc đó trời đã tối lắm rồi. Những chuyện như vậy xảy ra quá nhiều, khiến Lý Nam bị bào mòn tinh thần và năng lượng nghiêm trọng. Sau nhiều lần chống đối và nghi ngờ bản thân, cô bé dần dần tin rằng mình thật sự rất tệ, trong lòng chỉ còn lại cảm giác thất bại và bất lực.
Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là: Kỳ vọng tích cực từ người có thẩm quyền. Nghĩa là, nếu bạn muốn một người trở nên tồi tệ, thì hãy liên tục chê bai và phủ định họ; còn nếu bạn muốn một người trở nên tốt hơn, hãy không ngừng khẳng định, động viên họ – và họ sẽ phát triển theo hướng bạn kỳ vọng.
Vậy, cha mẹ nên làm gì để khẳng định con, giúp con nở hoa tự tin?
Khen ngợi quá trình, khen sự nỗ lực
Khi trẻ đạt được tiến bộ hay thành tích, nhiều bậc phụ huynh thường nói: "Con thật thông minh" hoặc "Con thật giỏi". Cách nói hay hơn là: "Lần này con làm rất tốt, đã cố gắng và rất nghiêm túc, bố mẹ đều thấy được điều đó. Hy vọng con tiếp tục phát huy nhé". Hãy khen ngợi sự chăm chỉ và kiên trì của trẻ, chứ không phải tài năng bẩm sinh.
Khen cụ thể, chi tiết
Càng chi tiết càng tốt, càng cụ thể càng hiệu quả.
Gần đây, con trai tôi vẽ một bức tranh ở trường và mang về khoe với vợ chồng tôi. Bố nó nói: "Không tồi nha, bức tranh rất đẹp! Con giỏi quá!". Còn tôi nói: "Cách con phối màu trong bức tranh này thật sự rất đẹp! Con nghĩ ra cách đó như thế nào vậy?". Nghe tôi nói xong, con trai rõ ràng vui hơn nhiều, và cũng cảm thấy lời tôi nói đáng tin hơn.
Đó chính là khen ngợi cụ thể. Khen càng đúng trọng tâm thì càng có sức thuyết phục, giúp trẻ hiểu được mình nên nỗ lực ở đâu.
Trong ngành giáo dục có một hiệu ứng nổi tiếng gọi là "hiệu ứng cái kéo".
Nó chỉ rằng: nếu cha mẹ dành càng nhiều thời gian đồng hành cùng con trong giai đoạn thơ ấu, thì việc giáo dục con sau này sẽ càng bớt lo lắng và nhẹ nhàng hơn.
"Nữ hoàng nhảy cầu" của trung Quốc, Quách Tĩnh Tĩnh, chính là một ví dụ tiêu biểu. Trong việc nuôi dạy con, cô và chồng Hác Khải Cương luôn tin tưởng một điều: sự đồng hành là điều không thể keo kiệt. Cả hai vợ chồng đều rất bận rộn với công việc, nhưng vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian để ở bên con.
Vào các kỳ nghỉ, họ đưa con đi du lịch, tham quan triển lãm nghệ thuật, ngắm cảnh, hoặc tổ chức các buổi tụ họp gia đình tại nhà, cùng con làm đèn hoa đăng, học làm bánh. Cuối tuần, cả gia đình năm người lại cùng nhau chơi bài, nấu ăn, làm đồ thủ công…
Quách Tĩnh Tĩnh từng nói: "Chăm sóc con cái không thể giao cho người khác, chỉ có tôi mới có thể dành những điều tốt nhất cho con". Vì vậy, trong suốt những năm tháng tuổi thơ của các con, cô gần như từ chối mọi công việc, một lòng một dạ chỉ để ở bên và cùng con khôn lớn.
Chồng cô, Hác Khải Cương, cũng từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: "Công việc đúng là bận thật, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng dậy sớm mỗi ngày để ăn sáng cùng con trai rồi mới đi làm. Nếu không biết trân trọng những khoảnh khắc ấy, con cái sẽ lớn rất nhanh".
Tôi từng đọc một câu của nhà văn Lưu Dung: Điều quan trọng nhất trong giáo dục gia đình chính là sự đồng hành . Từ thời thơ ấu đến tuổi dậy thì, cha mẹ cần đồng hành cùng con, cùng con chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc, cùng cười vui và cùng trưởng thành.
Bởi lẽ tuổi thơ của con chỉ đến một lần trong đời. Hãy yêu con bằng cả trái tim, đồng hành một cách trọn vẹn và chân thành nhất. Rồi bạn sẽ thấy rằng, trong sự đồng hành chất lượng ấy, con cái sẽ trở nên tự tin, cởi mở, tràn đầy năng lượng, và luôn mang trong mình khát vọng tươi đẹp về tương lai.
Doanh nhân người Trung Quốc, Trương Tuyết Phong từng cùng con gái là Trương Niên Hạn tham gia một chương trình truyền hình thực tế mang tên "Kỳ nghỉ đông và hè".
Anh cũng trở nên nổi tiếng nhờ những quan điểm giáo dục xuất sắc. Trương Tuyết Phong nói: "Con gái của ba, con muốn làm gì thì cứ làm. Là cha mẹ, chúng ta mãi mãi là chỗ dựa vững chắc cho con".
Vậy anh ấy đã làm gì? Ngay từ nhỏ, Trương Tuyết Phong đã vạch ra cho con gái một con đường học hành sắc bén và thực tế:
Bậc tiểu học: anh cho con học trường công lập ở Tô Châu;
Bậc trung học: gửi con đến trường quốc tế, như vậy có thể tránh được sự cạnh tranh khốc liệt của kỳ thi trung học cơ sở;
Lên đại học: anh định hướng cho con vào Đại học Hong Kong và học tiếp lên thạc sĩ.
Về sở thích cá nhân của con gái, anh cũng rất quan tâm. Biết Trương Niên Hạn yêu thích hội họa, anh liền mở hẳn một trường mỹ thuật cho con, còn cho phép con của nhân viên học miễn phí.
Cách nuôi dạy con không tiếc công sức và phù hợp với cá tính của con như vậy, thực sự khiến người khác phải ngưỡng mộ.
Tuy rằng các gia đình bình thường có thể không đủ điều kiện như Trương Tuyết Phong để hỗ trợ con bằng tiền bạc, nhưng điều anh nói: "Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc", lại là điều mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng có thể làm được.
Vậy chúng ta có thể làm gì?
Khám phá sở thích của con
Sở thích chính là người thầy tốt nhất của trẻ. Nguyên tắc đầu tiên trong việc giáo dục con cái chính là: Thay vì mù quáng chạy theo xu hướng, hãy dành thời gian quan sát và thấu hiểu nhu cầu, sở thích thật sự của con.
Một khi đã tìm ra điều con yêu thích, cha mẹ không cần phải làm gì quá nhiều, chỉ cần xoay quanh sở thích ấy để cung cấp nguồn lực và hỗ trợ phù hợp. Trẻ sẽ chủ động học hỏi nhờ sự thúc đẩy từ niềm đam mê đó.
Cung cấp cho con nhiều hình thức học tập đa dạng
Giáo dục gia đình không phải là một cuộc thi, mà là hành trình cùng con trưởng thành. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc học của trẻ không còn giới hạn trong sách vở hay lớp học thêm. Đó có thể là thư viện, các khóa học trực tuyến, chuyến đi thực địa, thậm chí là các thí nghiệm tại nhà.
Tóm lại, hãy tôn trọng nhịp độ riêng của con, giúp con vượt qua những điều chưa biết và những thử thách phía trước. Chính trong quá trình học tập đa dạng ấy, trẻ sẽ xây dựng được hệ thống tri thức toàn diện hơn, để sau này có thể tự tin và bình tĩnh ứng phó với những "kỳ thi lớn" của cuộc đời.
Trong cuộc sống, bạn có từng gặp những đứa trẻ như thế này chưa?
Luôn mâu thuẫn với bạn bè, không biết cách giải quyết xung đột; Giống như "kẻ cô độc", không thích nói chuyện với người khác, tính cách nhút nhát, sợ thể hiện bản thân; Mãi mà không kết được bạn, cũng không dám đứng trước lớp, vừa mở miệng đã ấp úng, mặt đỏ bừng... Những trường hợp như vậy thực sự rất phổ biến trong cuộc sống.
Con của nhà hàng xóm, bé Kiệt, chính là một ví dụ. Trước năm 5 tuổi, mẹ của Kiệt nghĩ con còn nhỏ nên rất ít khi dẫn con ra ngoài chơi, gần như chưa bao giờ cho con giao lưu với các bạn nhỏ trong khu. Sau này khi vào mẫu giáo, mới phát hiện ra rằng con trai mình thậm chí chưa biết nói trọn câu, mỗi lần đông người là lại nép sau lưng mẹ. Nhìn những đứa trẻ cùng tuổi tự tin, hoạt bát, dạn dĩ, mẹ của bé cảm thấy vô cùng hối hận.
Vì vậy, chị đã hỏi chúng tôi làm sao để giúp con trở nên dạn dĩ, cởi mở hơn, làm thế nào để rèn luyện kỹ năng giao tiếp xã hội cho trẻ.
Các bậc cha mẹ "con nhà người ta" trong khu dân cư liền nhiệt tình hiến kế: Tham gia nhiều buổi tụ họp gia đình, thường xuyên đưa trẻ xuống sân chơi cùng bạn bè đồng trang lứa. Nếu có điều kiện, có thể cho con tham gia trại hè hoặc các hoạt động tình nguyện để rèn luyện bản lĩnh.
Dĩ nhiên, hoạt động rèn luyện hiệu quả nhất chính là bày quầy ở chợ đêm, giao tiếp với đủ mọi kiểu người – giúp trẻ suy nghĩ linh hoạt hơn, và "mặt dày" một cách tự nhiên.
Hiệu trưởng Trường Trung học Bắc Kinh số 4, Trung Quốc, từng chia sẻ một quan điểm giáo dục: Một đứa trẻ, hay một con người, cần được phát triển toàn diện ở bốn phương diện:
Phát triển sinh học: có nghĩa là con người cần thích nghi với sự thay đổi của môi trường, có phản ứng nhanh với nguy hiểm và có kỹ năng sống.
Phát triển nhân cách: một người cần có tính cách, có tu dưỡng, có nhân tính và đức tin.
Phát triển xã hội: thể hiện ở khả năng quan hệ xã hội, đạo đức, tuân thủ quy tắc xã hội và có cảm thụ thẩm mỹ nghệ thuật.
Phát triển công cụ: chính là kiến thức, năng lực, kỹ năng, v.v.
Trong đó, tính xã hội và khả năng giao tiếp xã hội xuyên suốt tất cả, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách và năng lực học hỏi của trẻ.
Như Dale Carnegie từng nói: Thành công = 15% năng lực chuyên môn + 85% quan hệ con người. Trong xã hội tương lai, kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp trẻ không sợ bất kỳ hoàn cảnh nào – đó là năng lực mềm không thể thiếu của mỗi đứa trẻ. Vì vậy, các hoạt động giao tiếp phong phú trong hiện tại nên được xem là bài học đầu tiên để trẻ bước vào đời.
Chúng ta cùng nhau ghi nhớ điều này – mong rằng mỗi đứa trẻ đều có thể nuôi dưỡng sự tự tin từ trong xương tủy.