Doraemon Movie 44: Đẹp như triển lãm hội họa, đủ sức lay động cả người lớn

Van Nguyen, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 14:10 25/05/2025
Chia sẻ

Doraemon: Nobita và Cuộc Phiêu Lưu Vào Thế Giới Trong Tranh là một phần phim điện ảnh hiếm hoi vừa giữ trọn chất thơ của thương hiệu Doraemon, vừa thổi vào đó làn gió hội họa mới mẻ và mê hoặc.

Hơn bốn thập kỷ trôi qua, Doraemon không chỉ đơn thuần là chú mèo máy từ tương lai mà đã trở thành một phần ký ức tập thể của nhiều thế hệ – biểu tượng văn hóa vượt thời gian gắn liền với tuổi thơ, tình bạn và trí tưởng tượng không giới hạn. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thương hiệu, phần phim điện ảnh thứ 44 mang tên Doraemon: Nobita và Cuộc Phiêu Lưu Vào Thế Giới Trong Tranh tiếp tục khiến khán giả thổn thức khi đưa nhóm bạn nhỏ bước vào một thế giới hội họa sống động như mơ, nơi mỗi nét cọ kể một câu chuyện và mỗi gam màu là một lát cắt cảm xúc. Bộ phim không chỉ là cuộc phiêu lưu rực rỡ sắc màu đúng chất Doraemon, mà còn như một bức thư tình gửi đến nghệ thuật, tình bạn và những giá trị vĩnh cửu – dịu dàng, sâu sắc và đầy rung cảm. Bằng sự kết hợp giữa hình ảnh mãn nhãn và cảm xúc trong trẻo, Doraemon 44 đã nhanh chóng chạm đến trái tim người xem trên toàn cầu, mang về hơn 31,88 triệu USD doanh thu tại Nhật Bản và thu về hơn 46 tỷ đồng chỉ sau vài ngày công chiếu tại Việt Nam, trở thành một trong những phần phim thành công nhất của loạt Doraemon trong nhiều năm trở lại đây.

Doraemon Movie 44: Đẹp như triển lãm hội họa, đủ sức lay động cả người lớn- Ảnh 1.

Khi Doraemon bước vào tim người xem thêm một lần nữa

Doraemon: Nobita và Cuộc Phiêu Lưu Vào Thế Giới Trong Tranh mở đầu bằng một tình huống hết sức giản dị – Nobita loay hoay với bài tập mỹ thuật. Với những ai đã lớn lên cùng Doraemon, hình ảnh cậu học trò hậu đậu, luôn bị điểm kém chẳng còn xa lạ. Nhưng lần này, sự "vô dụng" ấy không còn đơn thuần là chiêu trò gây cười, mà trở thành điểm khởi đầu cho một hành trình chữa lành, nơi nghệ thuật, tình bạn và niềm tin đan xen trong một kết cấu tinh tế.

Từ một mảnh tranh cũ tình cờ nhặt được, Nobita sử dụng bảo bối “Đèn đi vào tranh” để khám phá thế giới bên trong. Tưởng như chỉ là trò nghịch dại quen thuộc, ấy vậy mà hành động ấy đã mở ra Artoria – vùng đất trung cổ nhuốm màu châu Âu đang dần bị bóng tối nuốt chửng. Cả nhóm Doraemon, Shizuka, Suneo và Jaian cũng bị cuốn vào không gian này, gặp gỡ những nhân vật kỳ lạ: Claire – nàng công chúa mất tích mang gương mặt bướng bỉnh mà ấm áp, Mairo – chàng họa sĩ sống nội tâm với khát khao được tự do sáng tạo, và Chai – chú dơi nhỏ bước ra từ tranh vẽ, vừa dễ thương vừa đáng nhớ. Họ, mỗi người một vết thương, một lý do để chiến đấu và kết nối.

Doraemon Movie 44: Đẹp như triển lãm hội họa, đủ sức lay động cả người lớn- Ảnh 2.

Khác với mô-típ phiêu lưu tuyến tính quen thuộc của các phần phim trước, movie thứ 44 của Doraemon gây bất ngờ bởi một kịch bản đa tầng, tiết chế nhưng giàu chiều sâu. Từ những màn tung hứng hài hước đầu phim, câu chuyện dần chuyển mình sang sắc thái thần thoại, đan cài yếu tố chính trị, với nhịp kể vừa phải, để người xem – đặc biệt là khán giả trưởng thành – có thời gian ngấm từng lớp nghĩa. Isere – phản diện trung tâm – không bị đơn giản hóa thành “cái ác phải bị tiêu diệt”. Hắn là thế lực có lý tưởng, có chiến lược bài bản và sức mạnh vượt ngưỡng, buộc Doraemon lẫn cả nhóm phải chật vật chống đỡ. Chính điều đó khiến trận chiến cuối phim có lực, có nhịp, và đặc biệt điện ảnh.

Tuy nhiên, điểm sáng nhất của Nobita và Cuộc Phiêu Lưu Vào Thế Giới Trong Tranh không nằm ở phần hành động, mà ở cách phim khéo léo sắp đặt những chi tiết cảm xúc. Trong đó, “Doraemon nguệch ngoạc” – phiên bản do chính tay Nobita vẽ – trở thành khoảnh khắc đáng nhớ nhất. Hình vẽ vụng về tưởng chừng bị lãng quên từ đầu phim, cuối cùng lại xuất hiện đúng lúc, cứu nguy cả nhóm và khiến khán giả nghẹn lại với câu nói “Nobita kỳ nha”. Khoảnh khắc ấy giống như một cái ôm bất ngờ giữa cơn giông – nhắc người xem rằng nghệ thuật không nhất thiết phải hoàn hảo để chạm đến trái tim, chỉ cần xuất phát từ tình yêu và sự chân thành. Lời khuyên của Mairo – “Bí quyết vẽ tranh là vẽ điều mình yêu nhất, thả thương yêu vào từng nét vẽ” – vang lên không chỉ cho Nobita, mà cho bất kỳ ai từng hoang mang giữa những đòi hỏi của sáng tạo và cuộc sống.

Doraemon Movie 44: Đẹp như triển lãm hội họa, đủ sức lay động cả người lớn- Ảnh 3.

Và có lẽ, chính sự chuyển mình trong cách kể chuyện là điều khiến phần phim này trở nên khác biệt. Doraemon không còn là bảo mẫu vạn năng chỉ cần rút bảo bối ra là xong việc. Cậu trở thành người bạn đồng hành – đôi khi cũng bất lực, cũng lúng túng như Nobita. Điều đó trao lại vai trò trung tâm cho Nobita – không còn là cậu bé luôn chờ được cứu, mà là người dám đứng ra bảo vệ người khác, biết sợ nhưng cũng biết vượt qua nỗi sợ. Cậu vẫn là một cậu nhóc nhút nhát, hậu đậu như từ đầu – nhưng lần này, khán giả có thể thấy rõ sự trưởng thành le lói trong ánh mắt ấy: không bằng chiến công, mà bằng lòng can đảm và sự dịu dàng.

Một thế giới hội họa sống động

Nếu kịch bản là cánh cửa đưa khán giả vào hành trình phiêu lưu đầy xúc cảm, thì phần hình ảnh của Doraemon: Nobita và Cuộc Phiêu Lưu Vào Thế Giới Trong Tranh chính là điểm tựa nâng tầm tác phẩm, biến một bộ phim hoạt hình thành một bản hòa ca thị giác đúng nghĩa. Đạo diễn Yukiyo Teramoto và ê-kíp đã không chỉ kể chuyện bằng lời thoại và hành động, mà còn bằng từng lớp màu, từng khung hình được trau chuốt đến từng chi tiết. Không còn đơn thuần là những nét vẽ quen thuộc của thương hiệu Doraemon, phần phim thứ 44 là cú nhảy vọt về mặt thị giác, khi cả thế giới hội họa được thổi hồn sống động – nơi mỗi cảnh phim như một bức tranh chạm vào xúc cảm người xem.

Doraemon Movie 44: Đẹp như triển lãm hội họa, đủ sức lay động cả người lớn- Ảnh 4.

Ngay khoảnh khắc Nobita đặt chân vào mảnh tranh cũ, bộ phim mở ra một không gian hoàn toàn mới – Artoria – với chất liệu thị giác giàu biểu cảm: từ kiến trúc mang âm hưởng châu Âu trung cổ, ánh sáng được xử lý tinh tế, cho đến bảng màu siêu thực gợi chất thơ. Những thị trấn dưới hoàng hôn, lâu đài đá chìm trong sương, con đường lát đá quanh co… không chỉ đẹp về mặt hình ảnh, mà còn gợi mở cảm giác như đang lạc vào một cuốn nhật ký bằng tranh, nơi từng đường nét được nâng niu. Điểm đặc sắc ở Artoria nằm ở cấu trúc đa tầng – không đơn thuần là một thế giới tranh, mà là chuỗi không gian đậm chất nghệ thuật: nơi gợi nhớ đến đồng hoa của Van Gogh, sắc u uẩn từ “Tiếng thét” của Munch, hay ánh vàng trang trí cầu kỳ kiểu Klimt. Đâu đó, những chi tiết nhỏ còn khiến người xem liên tưởng đến bút pháp của Hokusai hay sự bay bổng của Mucha. Tất cả hòa quyện, tạo nên một phòng trưng bày sống động, nhưng không rối rắm – bởi phim vẫn giữ được sự liền mạch nhờ vào cách tiết chế bảng màu hợp lý: từ gam sáng nhẹ nhàng của đời thường đến tông trầm bí ẩn khi thế lực đen tối trỗi dậy.

Doraemon Movie 44: Đẹp như triển lãm hội họa, đủ sức lay động cả người lớn- Ảnh 5.

Góp phần làm tròn trịa trải nghiệm ấy là phần âm nhạc – như một lớp chất liệu mềm mại ôm lấy câu chuyện. Ca khúc chủ đề “Sketch” do Aimyon thể hiện vang lên như một dòng tâm sự thủ thỉ về tuổi thơ, tình bạn và sự yêu thương mộc mạc. Giai điệu nhẹ nhàng, đượm màu hoài niệm, như một cái vuốt ve lặng lẽ vào miền ký ức người lớn – những người từng vẽ nguệch ngoạc Doraemon lên trang vở năm nào. Bên cạnh đó là phần nhạc nền được thiết kế tinh tế: không phô trương nhưng đủ sức nâng đỡ cao trào cảm xúc, đặc biệt ấn tượng trong các phân đoạn chia ly hoặc chiến đấu. Và dĩ nhiên, “Yume wo Kanaete Doraemon” – giai điệu bất hủ – một lần nữa vang lên ở thời khắc then chốt, như một lời hứa nhẹ nhàng rằng dù thế giới có biến chuyển ra sao, Doraemon vẫn sẽ luôn là mảnh ghép trong trẻo nhất trong ký ức mỗi chúng ta.

Doraemon Movie 44: Đẹp như triển lãm hội họa, đủ sức lay động cả người lớn- Ảnh 6.

Trải nghiệm khán giả: Đẹp phần nhìn, hụt phần nghe

Dù sở hữu phần nhìn mãn nhãn và kịch bản giàu cảm xúc, Doraemon: Nobita và Cuộc Phiêu Lưu Vào Thế Giới Trong Tranh vẫn chưa thật sự trọn vẹn khi xét đến trải nghiệm tổng thể – đặc biệt là ở phần âm thanh và lồng tiếng bản Việt. Sự xuất hiện của vợ chồng Salim trong vai hoàng hậu và quốc vương đã gây không ít tranh cãi khi giọng lồng thiếu tự nhiên, thoại nhiều đoạn đơ cứng và thiếu chiều sâu cảm xúc. Ở những cảnh đối thoại quan trọng, sự chênh lệch rõ rệt với các diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp khiến mạch phim bị đứt quãng. Chiêu mời người nổi tiếng lồng tiếng vốn là chiến lược truyền thông quen thuộc, nhưng trong trường hợp này, hiệu quả thể hiện chưa tương xứng với kỳ vọng.

Một điểm trừ khác nằm ở việc xây dựng tuyến nhân vật phụ, đặc biệt là Claire – công chúa mất tích và là mắt xích quan trọng trong hành trình của nhóm bạn Doraemon. Dù được khắc họa với vẻ lém lỉnh, hoạt bát, Claire lại thiếu đi chiều sâu để thực sự trở thành một nhân vật đáng nhớ. Vai trò của cô bé trong mạch truyện khá rõ ràng, nhưng cách triển khai lại chưa đủ sức nặng cảm xúc. So với những nhân vật đồng hành từng để lại dấu ấn sâu sắc như Mikka (trong Movie 43) hay Papi (Movie 41) – những người có lý tưởng mạnh mẽ, câu chuyện riêng giàu nội lực – thì Claire có phần mờ nhạt và chưa đủ "lực" để nâng đỡ tuyến truyện chính. Nhân vật này hiện diện nhiều nhưng thiếu cao trào cá nhân, dẫn đến cảm giác bị "dư vai" hoặc chưa khai thác hết tiềm năng.

Dẫu vậy, những điểm trừ này không thể phủ nhận nỗ lực sáng tạo mà ê-kíp đã đặt vào tác phẩm. Chỉ là, để thật sự chạm đến sự hoàn hảo về mặt cảm xúc – điều mà một phần phim điện ảnh Doraemon hoàn toàn có thể hướng tới – thì những yếu tố tưởng chừng nhỏ như giọng nói hay chiều sâu nhân vật phụ vẫn cần được trau chuốt hơn.

Doraemon Movie 44: Đẹp như triển lãm hội họa, đủ sức lay động cả người lớn- Ảnh 7.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày