Cao thủ làm chấn động giang hồ - Đông Phương Bất Bại
Nhà văn Kim Dung đã sáng tác 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp kinh điển. Tuy nhiên nhìn chung các nhân vật do ông tạo ra, số người có thể thực sự có thể "tiếu ngạo giang hồ" lại rất ít. Ngay từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, kiếm thuật của A Thanh đã đạt đến cảnh giới tuyệt thế. Một mình nàng, chỉ với một thanh kiếm đã có thể đánh bại ba ngàn quân giáp sĩ của nước Việt. Thế nhưng, võ công tuy cao nhưng A Thanh vẫn lui về ở ẩn vì tình, từ đó không màng thế sự.
Bài viết này sẽ giúp người đọc tìm hiểu về một cao thủ tuyệt đỉnh khác từng làm chấn động giang hồ, đó chính là giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo, Đông Phương Bất Bại.
Đông Phương Bất Bại là một cao thủ tuyệt đỉnh khác từng làm chấn động giang hồ. (Ảnh: Sohu)
Những ai đã đọc Tiếu ngạo giang hồ chắc hẳn không còn xa lạ với Đông Phương Bất Bại. Năm xưa, hắn bị Nhậm Ngã Hành ám toán, sau đó tu luyện bí kíp võ công tà đạo bậc nhất thiên hạ là Quỳ Hoa Bảo Điển. Nhưng công pháp này mang đến một sức cám dỗ vô cùng lớn, khiến người luyện không thể kiềm chế dục vọng, dẫn đến dục hỏa đốt người, chết trong đau đớn. Đông Phương Bất Bại không thể chế ngự dục niệm trong lòng nên đã tự thiến, từ đó giang hồ mất đi một mỹ nam tử tuyệt thế, mà có thêm một đại ma đầu yêu mị.
Tuy nhiên, khi võ công và quyền lực của một người đạt đến một mức độ nhất định, tham vọng trong lòng họ cũng sẽ bắt đầu bành trướng. Ví dụ như Đinh Xuân Thu trong Thiên long bát bộ, sau khi rời khỏi Tiêu Dao phái, hắn tự lập ra Tinh Tú phái. Hắn còn bắt đám đồ đệ suốt ngày phải tâng bốc hắn bằng những câu như "Tinh Tú lão tiên, pháp lực vô biên, thần thông quảng đại, pháp giá Trung Nguyên", khiến người đời cười chê.
Quả thực, con người khi nắm trong tay quyền lực sẽ luôn có kẻ nịnh hót đi theo. Ngay cả Dương Liên Đình trong Tiếu ngạo giang hồ cũng đã đặc biệt nghĩ ra một số khẩu hiệu dành riêng cho Đông Phương Bất Bại. Trong đó, câu được nhiều độc giả nhớ tới nhất chính là "Nhật xuất đông phương, duy ngã bất bại".
Theo trang tin Sohu, từ khi trời đất hình thành, quy luật mặt trời mọc ở hướng đông chưa bao giờ thay đổi. Và câu khẩu hiệu trên cũng mang ý nghĩa nhấn mạnh rằng võ công của Đông Phương Bất Bại là đệ nhất thiên hạ. Không chỉ là đệ nhất trong thời Tiếu ngạo giang hồ, mà trăm đời, vạn đời sau, hắn vẫn là người đứng đầu, không gì có thể thay đổi.
Danh tính của cao thủ mạnh hơn Đông Phương Bất Bại
Thế nhưng ít ai biết rằng, câu khẩu hiệu này còn có nửa vế sau. Hơn nữa, trong nửa còn lại này đã tiết lộ về danh tính một cao thủ mạnh hơn Đông Phương Bất Bại.
Trang tin Sohu đưa ra luận điểm rằng, trong sách, Kim Dung không nói rõ. Tuy nhiên, chúng ta có thể phân tích dựa trên nội dung trong truyện. Muốn biết nửa câu sau là gì, chúng ta có thể xem xét một môn võ công tuyệt thế khác trong Tiếu ngạo giang hồ, đó là Độc Cô Cửu Kiếm. Môn võ công được cho là có thể phá giải mọi võ công trên đời này, và người duy nhất đạt đến cảnh giới cao nhất chính là Phong Thanh Dương, ẩn cư trên đỉnh Hoa Sơn.
Vậy nếu so sánh Quỳ Hoa Bảo Điển và Độc Cô Cửu Kiếm thì môn võ nào mạnh hơn? Trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn Kim Dung đã từng nói rằng Độc Cô Cửu Kiếm mạnh hơn một bậc. Bởi vì Đông Phương Bất Bại luyện là bản Quỳ Hoa Bảo Điển không đầy đủ, còn Phong Thanh Dương luyện là bản Độc Cô Cửu Kiếm hoàn chỉnh. Chính vì vậy, Đông Phương Bất Bại chắc chắn không phải là đối thủ của Phong Thanh Dương.
Cao thủ được cho là mạnh hơn Đông Phương Bất Bại chính là Phong Thanh Dương. (Ảnh: Sohu)
Từ đó có thể suy luận, nửa câu sau của "Nhật xuất đông phương, duy ngã bất bại" chính là "Phong thanh nguyệt lãng, tiếu ngạo giang hồ".
"Phong thanh" ý chỉ Phong Thanh Dương. "Nhật xuất" ở nửa câu trên tương ứng với "nguyệt lãng" ở nửa câu dưới. Nhật xuất có thể chiếu sáng thế gian, nhưng khi màn đêm buông xuống, mặt trời biến mất, chỉ còn ánh trăng treo trên bầu trời. Đương nhiên, câu nói này còn mang một tầng ý nghĩa khác, đó là những cuộc tranh đấu trên giang hồ sẽ chấm dứt, từ nay sẽ tiếu ngạo ngoài giang hồ, giống như cảnh "phong thanh nguyệt lãng" yên bình.
Tổng hợp