Trận động đất mạnh nhất ở Tây Nguyên xảy ra sáng sớm nay có độ lớn 3.9. Đồ họa: tâm chấn trận động đất
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần cho biết, vào 6 giờ 10 phút 03 giây (giờ Hà Nội) sáng nay một trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.892 độ vĩ Bắc, 108.250 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.9 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Ngày hôm qua (20/5), tại huyện Kon Plông cũng xảy ra liên tiếp 5 trận động đất, trong đó trận động đất lúc 18 giờ 46 phút 10 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 3.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.870 độ vĩ Bắc, 108.280 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km, cũng là trận động đất mạnh nhất tính đến thời điểm động đất xảy ra.
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho biết, vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất trên.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, hơn 30 trận động đất đã xảy ra tại tỉnh Kon Tum của Tây Nguyên, tập trung chính tại huyện Kon Plông, nơi có Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum mới đưa vào vận hành và phát điện tổ máy số 1 vào 24/3/2021. Ngoài ra, một số huyện lân cận như Đắk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy cũng ghi nhận các trận động đất.
Theo ghi nhận, các trận động đất xảy ra với tần suất ngày càng nhiều và cường độ ngày càng mạnh. Nhận định đây là động đất kích thích do thủy điện tích nước, PGS.TS Cao Đình Triều cho rằng, quy luật như vậy là phù hợp, động đất có thể tiếp tục gia tăng về tần suất và cường độ cho đến khi đạt kích động chính (trận động đất mạnh nhất trong chuỗi động đất kích thích).
Ông cho biết thêm, khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán - A Lưới, đây là đới đứt gãy chạy từ Lào, qua A Lưới, kéo dài tới Quy Nhơn. Đây là một đới đứt gãy mạnh. Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) và Thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này hoạt động tích nước hồ chứa.
Tuy nhiên, theo PGS Cao Đình Triều, động đất kích thích xảy ra trên cùng đới đứt gãy này lại khác nhau ở từng khu vực. Tại Thủy điện Sông Tranh 2, động đất xảy ra từ năm 2011, kéo dài đến tận bây giờ với kích động chính lên tới 4.7 độ. Trong khi tại Thủy điện Đắk Đrinh, động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn hơn, cường độ và tần suất ít hơn. Vì vậy, với khu vực xảy ra động đất tại Kon Tum hiện nay, cần có những khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, trước tình hình động đất liên tiếp xảy ra tại đây, đơn vị này đã tăng cường hệ thống quan trắc. Căn cứ trên kết quả quan trắc được sẽ có những nhận định và khuyến nghị với chính quyền địa phương và người dân.