Trận động đất mạnh nhất 100 năm ở Myanmar khiến nhiều tòa nhà bị sập. Ảnh cắt từ video một tòa nhà ở Thái Lan bị sập do ảnh hưởng từ trận động đất.
Sáng 29/3, theo cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Myanmar ghi nhận ít nhất 14 dư chấn kể từ trận động đất 7,7 độ ngày 28/3. Điều này khiến nỗ lực tìm kiếm nạn nhân và thống kê thiệt hại gặp nhiều khó khăn.
Theo USGS, thống kê sơ bộ ở những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất cho thấy, số người chết vì động đất tại Myanmar đã tăng từ 144 lên tới 694 chỉ sau 1 đêm. Ngoài ra, giới chức Myanmar cho biết, có 1.670 người bị thương và 68 người đang mất tích. Dự kiến, con số thương vong do trận độ đất kinh hoàng này tiếp tục tăng.
Các nhà địa chất Mỹ nhận định, đây là trận động đất lớn nhất xảy ra tại Myanmar trong hơn 100 năm qua.
Nhiều ngôi nhà, tòa nhà ở Myanmar bị phá hủy do trận động đất. Ảnh: Reuters
Trước đó, trong ngày 28/3, USGS công bố đánh giá sơ bộ về trận động đất mạnh 7,7 độ tại miền trung Myanmar. Trong đó, cơ quan này ước tính có 35% khả năng số người thiệt mạng trong trận động đất này là từ 10.000 – 100.000 và 36% là từ 100.000 người trở lên . Dự đoán này được đưa ra dựa trên vị rí tâm chấn nằm cách TP Sagaing của Myanmar khoảng 16 km về phía Tây Bắc cùng chất lượng hạ tầng ở xung quanh.
Theo báo cáo của USGS, cư dân ở khu vực này nhìn chung sống trong các công trình dễ bị ảnh hưởng bởi rung chấn, mặc dù vẫn có một số tòa nhà kiên cố. Những công trình dễ bị tổn thương là loại được xây dựng không theo tiêu chuẩn và cũng như xây bằng gạch không kiên cố.
USGS ước tính có 35% khả năng trận động đất sẽ gây ra thiệt hại về kinh tế ở mức từ 10 tỷ đến 100 tỷ USD, tương đương với khoảng 1/3 GDP của Myanmar.
Giám đốc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế tại Myanmar cho biết, có thể sẽ phải mất nhiều tuần nữa thì mới xác định được toàn bộ về mức độ tàn phá tại Myanmar sau trận động đất này. Vị này nhận định, tác động của trận động đất này đối với Myanmar sẽ "nghiêm trọng".
USGS cho biết, quy mô thảm họa ở Myanmar cho thấy cộng đồng quốc tế cần phải lập tức cung cấp viện trợ khẩn cấp, đồng thời tiến hành hoạt động cứu hộ, cứu nạn để giảm thiểu tác động về kinh tế và nhân đạo.
Một tòa nhà bị sập tại Mandalay. Ảnh: Reuters
Trên thực tế, động đất xảy ra khá thường xuyên tại Myanmar, nơi đã ghi nhận 6 trận động đất mạnh 7 độ trở lên trong giai đoạn từ năm 1930 - 1956, gần đường đứt gãy Sagaing kéo dài từ bắc xuống nam.
Các chuyên gia nhận định, với tốc độ phát triển chóng mặt tại các thành phố của Myanmar, kết hợp với cơ sở hạ tầng xuống cấp và quy hoạch đô thị kém, khiến các khu vực đông dân nhất của quốc gia này dễ chịu tác động của động đất cũng như các thảm họa khác.
Thái Lan là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng từ trận động đất tại Myanmar. Trong ảnh là công trình xây dựng 30 tầng sập gần như hoàn toàn tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/3. Ảnh: Reuters
Chia sẻ với CNN, nhà địa chấn học James Jackson từ ĐH Cambridge (Anh) cho biết, trận động đất ở Myanmar xảy ra do một vết đứt gãy kéo dài suốt 1 phút, gây ra sự dịch chuyển ngang trên mặt đất.
"Hãy tưởng tượng một tờ giấy bị xé rách với tốc độ khoảng 2km/giây. Trận động đất này đã làm dịch chuyển một đứt gãy và nó giống như một nhát dao khổng lồ cắt vào Trái Đất" , ông James Jackson chia sẻ.
Nhà địa chấn học từ ĐH Cambridge lưu ý rằng, Bangkok (Thái Lan) mặc dù không nằm trong khu vực có động đất nhưng những tòa nhà cao tầng ở thành phố này khiến nó đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những rung chấn từ xa.
Trên thực tế, trận động đất mạnh nhất trong 100 năm ở Myanmar cũng khiến các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam rung lắc. Cụ thể, tại Thái Lan, ít nhất có 10 người chết, hơn 100 người mất tích tại 3 công trường xây dựng ở quận Din Daeng, Bang Sue và Chatuchak. Dù vậy, giới chức Thái Lan tin rằng thiệt hại do ảnh hưởng từ động đất đối với quốc gia này sẽ hạn chế, bởi vì các kết cấu hạ tầng có khả năng chống chịu, các hạ tầng bị sập đều là công trình xây dựng dở dang, kết cấu chưa hoàn thiện.
Tại Việt Nam, trưa 28/3, nhiều người dân ở các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội, TP HCM… cũng cảm nhận được rung chấn từ trận động đất. Tuy nhiên, Viện Các Khoa học trái đất khẳng định rằng, cấp độ rủi ro thiên tai bằng 0, tức là động đất không có khả năng gây thiệt hại cho Việt Nam.
Bài tham khảo nguồn: Reuters, CNN, Malay Mail