Vikrom Kromadit: Cứ trung thực, sớm muộn sẽ thành công

Sưu tầm, Theo 14:26 02/06/2013
Chia sẻ

"Nếu sống có tình, có lý, tôn trọng lẽ phải và công bằng, chúng ta sẽ làm những người liên quan hài lòng,vui sướng; còn nếu ác tâm, muốn hại người khác, thì người chịu đau khổ chính là chúng ta"...

Đó chính là phương châm sống giúp Vikrom Kromadit vươn lên từ hai bàn tay trắng trở thành một trong những người giàu nhất Thái Lan với tài sản ròng 145 triệu USD và là Chủ tịch của tập đoàn Amata.
 
Vikrom Kromadit có vẻ ngoài dễ mến với nụ cười hiền lành, phong thái thong thả đặc trưng của người Thái. Tuy nhiên để có được thành công như ngày hôm nay, ông đã trải qua nhiều sóng gió và bão tố. Có những lúc cùng cực khi trong túi chỉ còn vỏn vẹn 25 xu, có lúc phẫn chí suýt biến mình thành tội phạm nhưng cuối cùng nhờ một ý chí mạnh mẽ, một khát vọng lớn lao và một tinh thần theo đuổi ước mơ đến cùng, ông đã đạt được thành công.
 
Bắt đầu từ con số không
 
Vikrom Kromadit sinh ra tại tỉnh Kanchanaburi, một miền quê của Thái Lan. Là con cả trong gia đình có 23 người con, từ khi còn nhỏ tuổi ông đã phải bươn chải giúp gia đình kiếm sống, như đi bán lạc rang khi còn học lớp ba, và sau đó "lội suối băng rừng" giúp cha khai hoang trồng trọt. Ngay từ nhỏ, ông đã luôn suy nghĩ phải xây dựng cơ nghiệp cho bản thân bằng đôi tay và cái đầu của mình giống như các ông chủ ngày xưa.
 
Sau khi tốt nghiệp kỹ thuật của Đại học Đài Loan, ông nộp đơn xin học bổng tại các trường đại học danh tiếng như Berkeley, Yale, MIT nhưng đều bị từ chối. Vì không có tiền để học tiếp nên Kromadit đã phải gác lại việc học để tìm việc làm kiếm sống. Với số vốn đăng ký là 250.000 bạt, ông đã quyết định thành lập một công ty chuyên kinh doanh xuất khẩu các hàng nông sản và thủ công mỹ nghệ, bằng số vốn ít ỏi vay của mẹ và chị họ.
 
Kromaditđi lang thang suốt từng ngày để tìm kiếm khách hàng. Ba, bốn tháng trôi qua mà công việc kinh doanh vẫn không có gì tiến triển. Một lần, sau khi trả tiền cơm trưa, ông chỉ còn đúng 25 xu trong túi, vừa đủ tiền đi phà qua sông về nhà. Vikrom Kromadit đã buộc phải đi lậu vé xe buýt và sau khi mua vé phà thì trong túi ông không còn một xu dính túi. Mặc dù vậy, ông vẫn tràn đầy quyết tâm kiếm tiền bằng được.
 
Sau nhiều ngày lăn lộn tìm kiếm khách hàng, Vikrom Kromadit đã nhận được một đơn đặt hàng mua hàng mây của cửa hàng "Nai Mươn". Nhưng niềm vui của ông không được kéo dài bởi lẽ những sản phẩm do những người nông dân làm ra không bảo đảm cả về số lượng lẫn hình dáng. Vì vậy, cuối cùng ông đã "mất cả chì lẫn chài".
 
Vikrom Kromadit: Cứ trung thực, sớm muộn sẽ thành công 1
 
Mặt hàng thủ công mỹ nghệ thứ hai mà ông gặp rắc rối là vòng đèo tay làm bằng sừng trâu do việc bảo đảm kích thước vòng đeo tay theo mẫu là rất khó khăn. Mặc dù cả hai mặt hàng đầu tiên đều thất bại nhưng Kromadit không nản chí mà ngược lại vẫn tiếp tục đi tìm kiếm mặt hàng mới.
 
Bột sắn và cá ngừ
 
Trải qua nhiều sóng gió của giai đoạn chập chững ban đầu, có lúc tưởng như không thể vượt qua, Vikrom Kromadit đã đưa Công ty V&K, do một mình ông làm chủ kiêm nhân viên, với vốn đăng ký vài ngàn đôla trở thành công ty xuất khẩu bột sắn và cá hộp hàng đầu của Thái Lan, với doanh thu hàng chục triệu đôla.
 
Sau một thời gian tìm hiểu các nơi sản xuất hàng nông sản, Vikrom đã đi đến quyết định chọn bột sắn làm mặt hàng xuất khẩu. Cả bột sắn và các sản phẩm sơ chế từ sắn đều là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Thái Lan, khối lượng xuất khẩu hàng năm rất lớn. Sau khi tìm hiểu kỹ về mặt hàng này, Kromadit lại tiếp tục tìm kiếm những khách hàng nước ngoài muốn nhập bột sắn của Thái Lan.
 
Khách hàng đầu tiên của Kromadit đến từ Đài Loan với số lượng năm mươi tấn hàng. Mặc dù số lượng hàng không lớn nhưng nó đã là động lớn giúp ông tiếp tục vững bước trên con đường kinh doanh. Xuất phát từ xuất khẩu bột sắn, Kromadit đã chuyển sang xuất khẩu cá ngừ đóng hộp. Đây là điểm xuất phát của việc mở ra những cơ hội kinh doanh thực sự và sau đó đã dẫn Kromadit đến những thành công trong những lĩnh vực kinh doanh khác.
 
Bước vào năm thứ năm hoạt động kinh doanh, công ty V&K có nhiều tiến triển và kết quả của việc kinh doanh cũng dần khá hơn. Thế nhưng con đường đến với thành công cũng không dễ dàng khi một lần nữa Kromadit và công ty phải trải qua sóng gió. Năm 1979, Kromadit bị "hất cẳng" trong vai trò trung gian xuất khẩu mặt hàng các ngừ đóng hộp sang công ty Van Kemp Seafood, thuộc tập đoàn lớn thứ ba của Mỹ trong lĩnh vực hải sản đóng hộp Rallstone.
 
Dù bị cướp mất khoản hoa hồng lớn hàng tỷ bạt trong thương vụ đó nhưng nhận thấy sự thành công to lớn của nghành công nghiệp Thái Lan từ con số không đã trở thành trung tâm xuất khẩu cá ngừ lớn nhất vào Mỹ đã giúp Kromadit không còn thấy tức tối và oán hận nữa. Ngược lại, ông cảm thấy tự hào vì đã có phần đóng góp vào sự thành công của đất nước.
 
Dù mất cơ hội làm ăn với Van Kemp Seafood, nhưng sau đó ông có được những cơ hội làm ăn rất lớn giúp ông gây dựng được nền tảng tài chính vững chắc làm chỗ dựa để công ty tiếp tục tiến lên phía trước.
 
Ông chủ tập đoàn Amata
 
Năm 1988, nhìn thấy triển vọng Thái Lan sắp trở thành một địa điểm thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, bằng số vốn tích lũy được gấp 100 lần số vốn ban đầu, ông tìm thêm đối tác cùng nhau thành lập Công ty Bang Pakong để xây dựng và kinh doanh khu công nghiệp nhằm tận dụng làn sóng đầu tư nước ngoài.
 
Khi lập ra khu công nghiệp Bang Pakong với vốn điều lệ 25 triệu bạt, Kromadit đã đánh cược tất cả số tiền ông đã tích lũy được qua nhiều năm làm việc bằng mồ hôi và nước mắt của mình. Lúc mới đầu, ông đã mắc phải sai lầm về một vấn đề quan trọng là sự thiếu đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp. Thời gian đó, ông phải chịu nhiều sức ép và suy nghĩ đến mất ăn, mất ngủ, ngày đêm tìm cách giải quyết các vấn đề.
 
Do mắc phải vấn đề đầu tư bổ sung hệ thống cơ sở hạ tầng nên trong năm đầu tuy công ty có vốn đăng ký là 25 triệu bạt mà số tiền đóng thuế đã lên tới 40 triệu bạt. Mặc dù vậy, Kromadit vẫn không mất niềm tin. Khi mọi người hỏi "có nên làm tiếp hay không?" thì Kromadit đã trả lời rằng: "Đến đây coi như tôi đã tốt nghiệp bậc trung học... tôi sẽ làm tiếp vì tôi đã có kế hoạch rồi".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày