Howard Schultz - CEO nổi tiếng của Starbucks

ST, Theo 14:04 26/05/2013
Chia sẻ

Không ai ngờ rằng một cậu bé sinh trưởng từ gia đình nghèo khó ở thị trấn Brooklyn thành phố New York (Mỹ) giờ đây đã trở thành nhà tỷ phú, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn cà phê lớn nhất thế giới Starbucks.

Howard Schultz sinh ngày 19/7/1953. Khi còn nhỏ gia đình nghèo khó, nên cậu bé luôn mơ ước có được “Quả cầu thủy tinh ước gì được nấy” để trở nên giàu có. Nhưng mơ ước vẫn chỉ là mơ ước và cậu lại trở về với cuộc sống thực tế của gia đình nghèo. Vì vậy, cậu ra sức làm việc giúp gia đình và miệt mài học tập. Những cố gắng của cậu đã được báo đáp khi ước nguyện đầu tiên của cậu là thi đỗ vào Trường đại học Michigan đã thành hiện thực. Tốt nghiệp đại học, cậu tự xoay xở đi tìm việc làm. Năm 1975, Howard Schultz xin vào Công ty Xerox làm việc.
 
Sau 7 năm, Schultz lẹt đẹt chỉ là nhân viên quèn, tương lai chưa thấy gì sáng sủa. Tình cờ năm 1982, Schultz vào làm việc cho Starbucks, ông chủ có cảm tình với chàng thanh niên nhanh nhẹn, sống sắng này và ngay lập tức bổ nhiệm anh làm Trưởng phòng tiếp thị và bán lẻ. Vận mệnh đã đưa anh tới công ty này và kể từ đây cuộc đời của Schultz sang một bước ngoặt mới, đồng thời sự nghiệp của Starbucks cũng từ đó được lột xác.
 
Tiền thân của Starbucks là quán cà phê nhỏ lẻ do ba nhà khoa học là Giáo sư Anh ngữ Baldwin, Giáo sư lịch sử Zev Siegl và nhà văn Gordon Bowker sáng lập ngày 30/3/1971 tại Seattle, với sự tài trợ của ông chủ kinh doanh cà phê Alfred Peet. Mục tiêu của họ lúc đầu không phải là kinh doanh mà chỉ là nơi tụ tập, hội họp bạn bè trong ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật.
 
Kể từ khi Schultz tới làm việc, cửa hàng cà phê nhỏ bé dần dần phát triển thành công ty kinh doanh cà phê hạt cũng như mở thêm nhiều quán bán lẻ cà phê cho khách hàng tới thưởng thức. Cuối năm 1982, khi Schultz 28 tuổi, anh đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị.
 
Howard Schultz - CEO nổi tiếng của Starbucks 1

Sau thời gian có kinh nghiệm cũng như có mạng lưới khách hàng rộng rãi và tài chính cho phép, năm 1986 Schultz đã tách ra mở quán cà phê riêng của mình. Năm 1987, Schultz mua lại toàn bộ Công ty cà phê Starbucks và chỉ sau một thời gian, tức năm 1992, Starbucks lên sàn giao dịch tại Thị trường chứng khoán New York.
 
Dưới sự chỉ đạo tài ba của ông chủ Schultz, kể từ đó Starbucks bắt đầu nổi tiếng khắp nước Mỹ và Canada, đồng thời trở thành một Tập đoàn hùng mạnh. Vào giữa những năm 1990, Starbucks bắt đầu vươn xa ra khỏi nước Mỹ và Canada ra toàn cầu.
 
Tập đoàn Starbucks chẳng những kinh doanh cà phê mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Lúc đầu là cà phê uống, cà phê hạt, cà phê chế biến, cà phê gói... Tiếp đó là cà phê kèm với các loại bánh điểm tâm buổi sáng, dần mở rộng sang lĩnh vực khác như “cà phê âm nhạc”, “cà phê phim ảnh”, “cà phê đọc sách”, quán cà phê với các loại kem nổi tiếng, “cà phê internet” theo sở thích của khách hàng và nhu cầu xã hội các nước.
 
Giờ đây Starbucks đã trở thành tập đoàn cà phê hàng đầu thế giới với 17.009 cửa hiệu rải khắp 55 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới - trong đó 11.000 quán ở Mỹ, 1.000 quán ở Canada và 150 quán ở Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 25.000 nhân viên. Năm 1999, Starbucks chiếm lĩnh được thị trường Trung Quốc và đã làm thay đổi sở thích của người dân xứ sở “trà Tàu”: từ uống trà sang uống cà phê của Starbucks. Hiện nay Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất của Starbucks ở hải ngoại.
 
Trong mấy năm qua, Howard Schultz đều được các tạp chí nổi tiếng như “Forbes”, “Fortune” vinh danh trên Bảng vàng các CEO tài ba. Năm 2011, Howard Schultz được Tạp chí “Fortune” vinh danh là CEO số 1 toàn cầu vì trong tình hình kinh tế khó khăn mà Starbucks của Howard Schultz vẫn phát triển ngoạn mục, như năm 2009 và 2010, Starbucks đã mở thêm 900 quán cà phê ở nước ngoài.
 
Thưởng thức vị đắng, vị ngọt mát, vị thơm của cà phê Starbucks khiến chủ doanh nghiệp tỉnh táo hơn, sáng suốt hơn để nghĩ ra các kế sách kinh doanh trong thời buổi khó khăn hiện nay.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày