Tôi tên Đường, quê ở Quảng Ngãi vốn là thằng cháu trai thứ 2 ở trong nhà, và phải hơn 20 năm rồi tôi đã không sống ở quê cùng với nội. Vì cuộc sống bộn bề với nhiều mưu cầu, nên lúc mới lên 2 tôi đã cùng với bố mẹ rời quê Quảng Ngãi lên Sài Gòn sống và giờ lại tiếp tục làm việc tại đây. Dù ở Sài Gòn từ nhỏ, nhưng nói gì thì đây vẫn là đất xứ người, nên lắm lúc tôi cũng thấy hơi buồn và nhớ nội. Nhưng thú thật là tôi nhớ nhất mấy món cháo vịt, gà kho, bánh xèo,... của nội vẫn hay làm cho tôi ăn nào mỗi dịp hè khi tôi về thăm quê.
Người ở quê mà, nên chuyện bếp núc lúc nào cũng "số dzách". Với lại nội tôi đã 70 tuổi rồi đấy, vậy mà lúc nào thấy con cháu về cũng là người cặm cụi dưới bếp lo nấu miếng cơm, xào đĩa cải, kho miếng thịt mà chẳng chịu ngơi tay. Tôi nghĩ, thật sự nội vui lắm khi thấy con cháu về quây quần bên nhau nên mới sốt sắng như vậy. Dẫu mấy món tuy có hơi đạm bạc thế, nhưng mà là do chính tay nội nấu nên ăn vào món nào tôi thấy cũng ngon "hết sẩy". Đặc biệt là nó khiến lòng thằng cháu này của nội nhớ da diết và thương lắm dáng nội dưới bếp còng lưng, thổi "phù phù" với cái lò lửa bằng củi ở giữa thế kỷ 21 này.
Nhưng nói gì thì nói, hè về cũng đâu có vui bằng mấy ngày Tết. Tại tới Tết là nội tôi lại réo hết mấy đứa cháu lại phụ nội làm bánh tét, bánh chưng, om sòm nguyên cả nhà. Bánh tét, bánh chưng còn là "món tủ" của nội tôi đấy! Một năm nội chỉ làm có một lần thôi, nhưng kinh nghiệm "bếp trường" chinh chiến suốt sáu mươi mấy năm qua khiến bánh của nội đạt chuẩn chất lượng vô cùng. Cả nhà, đặc biệt là mấy anh chị em tôi ăn vào một phát là biết ngay cái nào nội tự nấu, cái nào là nội được người ta biếu liền. Bởi bánh của nội thơm ngon, cái vị nó rất đặc biệt không thể lẫn vào đâu.
Lý do vì sao tôi nhận ra được, thì chắc là do tôi đã ăn quen miệng từ bé, nhưng quan trọng vẫn là cái cách mà nội tôi tỉ mẩn trong từng công đoạn, để có được cái bánh ngon nhất dành tặng cho con cháu lâu lâu mới được về quê thăm nhà. Nội kỹ đến nỗi từng miếng lá chuối, cọng lác cũng là do nội tôi ra vườn sau nhà chặt mang về rồi tự rửa và phơi đấy. Chuyến này tại tôi về trễ một ngày, nên không thể chụp được những hình ảnh đấy của nội - người đàn bà uy quyền trong vườn chặt lá chuối như thế nào.
Ngoài ra bình thường ở nhà nội tôi bán tạp hóa, có bán cả gạo và nếp nữa. Nên nội tôi kinh nghiệm đầy mình trong việc chọn nếp thế nào là ngon, loại nào vừa dẻo mà còn phải thơm thì nội tôi mới chọn. Thế đấy, hỏi sao bánh của nội không ngon và không đạt chuẩn cơ chứ!?
Cái gì nội cũng tự làm, nên bạn đừng nghĩ sao không ai phụ nội. Vì mấy thứ này nội tôi quý lắm, khó mà rớ vào! Thật ra là có đắt đỏ chi đâu, tại nội sợ ai không quen tay đụng vào làm rách lá, hỏng nếp hay hư đậu là nội buồn ngay. Nội sợ bánh lúc làm ra sẽ không được ngon để cho chúng tôi ăn. Người ở quê chân chất, và tính nội là thương con, thương cháu đến thế đó. "Tết có mỗi mấy cái bánh ngon thôi mấy đứa ơi" - nội nói với tôi giọng đúng kiểu người miền quê thật thà.
Nội khăng khăng ngồi ở góc nhà rồi gói một mình như thế đấy.
Bà chị họ của tôi chỉ dám xúm lại làm chân sai vặt của nội. Nội bảo vào trong cuộn mấy tấm lá ra cho nội làm tiếp. Nội bảo sao thì nghe vậy, nên bà chị của tôi cẩn thận lắm. Ở Sài Gòn dễ gì bả làm chuyện bếp núc cẩn thận như lúc cùng nội gói bánh.
Bạn thấy không, nội tôi gói cẩn thận thế đấy. Nội gói bằng tay chứ không có đặt khuôn đâu, "chuyên nghiệp" quá rồi mà. Cái lá của nội cũng bóng mướt, xanh um đúng kiểu tự nhà trồng, nhà chọn, mà chọn bằng cả tình thương như nội thì cái gì mà chẳng hoàn hảo.
Thấy vậy nhưng bánh nào của nội tôi cũng buộc chặt như nêm, không có lo nước vào hay nấu nửa đường bị bung dây đâu nhé. Lúc tôi đang chụp tấm ảnh này nội buộc miệng cười và bảo "thằng quỷ, chụp gì chụp hoài". Nhưng tay nội vẫn siết chặt tấm lá chuối và gói lại chắc như thường, chẳng bị phân tâm một chút nào.
Nhưng tôi nói thật một điều là chỉ có về quê với nội, nhìn thấy nội ngồi nép trong góc thế này, gói từng cái bánh tôi mới thấy Tết đến thật rồi. Cái hình ảnh bình dị và thân thuộc đó dễ gì tôi nhìn thấy được ở Sài Gòn. Đôi khi tôi chỉ nghĩ và lo một điều, không biết mình sẽ còn được nhìn cái hình ảnh này của nội tới bao giờ...
Đến công đoạn canh bếp rồi đây. Ở xứ Quãng mấy ngày này trời lạnh lắm, nên ông anh họ của tôi trời vừa sụp tối là run cầm cập. Chân ổng thì mang tất nhưng xỏ dép "hở mỏ", lẹt xẹt cuộn người trong bếp lò với cái nồi bánh của nội.
Tôi nói, ổng ở Sài Gòn cũng dễ gì vào bếp, nhưng về nhà thì phải lăn xả vào cùng nội thôi. Ổng cặm cụi chăm từng que củi, thỉnh thoảng còn cụm lưng, chổng mông ra thổi bếp, nhìn từ xa tôi nói thầm trong bụng "cũng ra dáng bà nội lắm chứ". Không biết ổng nghĩ gì nhưng ổng cũng cười tủm tỉm và vẫn không rời mắt khỏi cái bếp.
Cuối cùng thì người chủ chính của gian bếp này vẫn là nội. Chúng tôi nhường lại vị trí đẹp nhất cho nội và nép vào một góc. Nụ cười của nội bên bếp than hồng và cái nồi bánh tự nhiên tôi thấy bình dị và ấm áp gì đâu.
Tôi nói thời bây giờ làm gì tìm được cảnh cả gia đình cùng nhau tụ hội quanh nồi bánh, với bầy trẻ nhỏ lăn xăn, người lớn thì nói cười thâu đêm suốt sáng như mấy tấm ảnh trên tạp chí, truyền hình ngày xưa. Bởi giờ ai cũng có việc riêng của mình, mọi thứ hối hả, bận rộn cứ níu kéo con người ta. Nhưng riêng cái khoảnh khắc được làm những đứa trẻ nũng nịu bên nội, cùng nội góp những câu chuyện về nhà cửa, xóm giềng, những ngày không có cháu ở quê thì nội sống sao,... cũng đủ để chúng tôi nhớ mãi. Và dẫu có thế nào thì tình thương của nội và bánh của nội cũng là nhất, nội nhỉ!?