Họ và tên: Tôn Hà Anh Ngày sinh: 25/12/1992 Cựu học sinh lớp Anh1 – Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Hiện đang học tại trường THPT St.Andrew’s (Mỹ) Thành tích: - Học bổng toàn phần của 5 trường
đại học danh tiếng tại Mỹ Harvard,
Princeton, Columbia, Brown và Wellesley. - Học bổng Harvard Faculty of Arts and Science Scholarship do tập thể giáo sư tại Harvard bầu chọn năm 2011. - 1 trong 60 học sinh xuất sắc nhất nước Mỹ được nhận danh hiệu National Scholar, và được trao tặng Học bổng quốc gia (National Scholarship) đề cử bởi trường đại học Brown trong số 31000 đơn từ khắp thế giới. - Được nhận vào chương trình Columbia Undergraduate Scholars Program - chương trình dành cho 120 học sinh xuất sắc nhất trong số 35000 học sinh dự tuyển vào trường đại học Columbia năm 2011. - Giải thưởng của Hội đồng giáo viên trường St. Andrew's năm 2010 dành cho học sinh xuất sắc nhất về Toán và Khoa Học, đồng thời là học sinh có điểm luận văn cuối kỳ cao nhất trong lịch sử trường St. Andrew's - 99/100 - Huy chương bạc môn Toán toàn bang Delaware 2010 - Á khoa thi đầu vào lớp 10 trường Hà Nội - Amsterdam năm 2007 Hoạt động xã hội: - Ban tổ chức Aids Walk - sự kiện gây quỹ cho HIV/AIDS lớn nhất tại bang Delaware - Tại trường St.Andrew’s, Hà Anh “kiêm” rất nhiều chức vụ nhé: Chủ tịch ban chỉ đạo chương trình ngoại khóa, Chủ tịch hội cựu học sinh khóa 2007 – 2011, Chủ tịch hội học sinh ngoại quốc, Trưởng ban tổ chức chương trình Tuần lễ trái đất và Giờ trái đất năm 2010. - Người quản lý và điểu khiển chiến dịch ủng hộ Energy Bill 2010 - dự luật năng lượng của Mỹ năm 2010 và vận động toàn trường viết thư trình lên quốc hội Mỹ. - Đồng trưởng ban tổ chức hội thảo US Boarding Talk năm 2009 và 2010, Ban tổ chức Hội thảo kinh doanh Vietabroader 2010 - 1 trong 35 học sinh tham dự Diễn đàn tuổi trẻ Việt Nam 2009 - Các hoạt động ngoại khóa: thành viên đội hát thánh ca, giúp đỡ trẻ em khuyết tật vùng New Castle, thành viên đội bơi lội, khúc gôn cầu, đấu kiếm và tennis. |
Chào Hà Anh. Bảng thành tích của bạn thật “khủng” quá! Được học bổng toàn phần từ 5 trường đại học nổi tiếng của Mỹ: Harvard, Princeton, Columbia, Brown và Wellesley, bạn sẽ chọn trường nào để tiếp tục học trong năm học sau?
Trước khi tớ quyết định trường đại học tớ sẽ vào trong năm tới, tớ đến thăm hai trường gần trường cấp 3 tớ đang theo học nhất là Princeton và Harvard, còn Wellesley thì tớ đã đến thăm từ năm trước rồi. Và cuối cùng tớ đã chọn trường Harvard vì chất lượng và sự danh tiếng của nhà trường.
Hà Anh đến thăm quan trường đại học Harvard.
Thăm quan trường đại học Princeton.
Tớ không thể quên ngày đông tháng 11 năm trước khi tớ đến thăm Harvard Square, và đứng từ ngoài cánh cổng Harvard nhìn vào trong trường và tự hỏi bao giờ mình mới đứng trong khoảng sân kia. Giờ thì tớ đã chạm được vào giấc mơ của mình. Cảm nhận đầu tiên của tớ trong chuyến thăm trường vừa rồi là các sinh viên đều rất xuất sắc. Họ rất đỗi khiêm nhường nhưng thành tích của họ rất đáng ngưỡng mộ. Có người bạn tớ mới quen tự học ở nhà trong suốt 12 năm học mà không một ngày đến trường hay có gia sư dạy kèm. Các giáo sư tại các trường đại học này đều là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực mà họ giảng dạy (đa số sinh viên được chính người biên soạn sách giáo khoa/ viết sách giảng dạy).
Đối với trường đại học Harvard, năm 2011 có gần 35000 học sinh từ khắp thế giới dự tuyển vào trường, nhưng chỉ có một số ít học sinh được nhận. Là một trong những sinh viên xuất sắc ấy, cảm nghĩ của Hà Anh là gì?
Niềm vui đi cùng với trách nhiệm. Tớ tự nhủ sẽ cố gắng học tập và tận dụng các cơ hội mà mình sẽ có trong bốn năm học sắp tới để có thể học tập, phát triển kiến thức và kinh nghiệm xã hội, làm sao để không phí hoài những gì Harvard mang lại.
Học giỏi như vậy, bí quyết của Hà Anh là gì?
Tớ luôn quan niệm có đam mê, quyết tâm và không ngại mạo hiểm là có tất cả. Niềm đam mê là động lực để tớ cố gắng học hành và hoạt động xã hội mà không chịu quá nhiều áp lực và căng thẳng. Nhiều đêm thức học, có lúc tớ buồn ngủ đến nỗi đánh rơi cả bút, đang đọc Hamlet cho lớp Văn học Mỹ mà đầu lại nghĩ sang công thức toán của lớp Kinh tế . Lúc đấy chỉ ước rúc vào chăn nằm ngủ thôi. Nhưng nghĩ đến việc nếu bây giờ mình đi ngủ, kế hoạch bị phá vỡ, bài tập ngày này sẽ chồng chất lên ngày kia và mình sẽ bị tụt lại là tớ lại phải chống mắt lên học tiếp.
Còn về không ngại mạo hiểm, ý tớ là
khi học thì nhất định không được có định kiến, ví dụ như có nhiều người nói
mình chỉ thích tự nhiên thôi nên các môn xã hội mình không cố gắng lắm, và ngược
lại. Chính định kiến mình có sẵn trong đầu sẽ gây ra trở ngại rất lớn trong học
tập.
Hà Anh làm nghiên cứu tại Viện Khoa học trường đại học Delaware (Mĩ).
Thế còn môn Tiếng Anh, để đi du học và học giỏi như thế chắc chắn phải có vốn Tiếng Anh vững lắm. Bạn đã học Tiếng Anh như thế nào vậy?
Về việc học Tiếng Anh, tớ vẫn theo đuổi cách học truyền thống thôi. Trước đây tớ học lớp chuyên Anh ở trường Giảng Võ, và lên cấp 3 tớ học chuyên Anh ở Ams. Những năm tháng ấy đã cung cấp cho tớ nền tảng ngữ pháp Tiếng Anh rất vững. Ngoài ra tớ đọc và làm thêm rất nhiều bộ sách Tiếng Anh. Tớ bao giờ cũng có 3 quyển vở dày, một quyển ghi chuyên về từ mới và các dạng của từ, một quyển chuyên ghi về ngữ pháp, và một quyển chuyên ghi về giới từ. Khi đọc sách, tớ tóm tắt lại và ghi vào vở. Cách này bắt tớ phải học, phải hiểu và phải nhớ những thứ mình đọc. Còn khi luyện tập, có lỗi sai tớ đánh dấu lại và thường xuyên kiểm tra lại những chỗ sai và nhớ cách làm đúng.
Ngoài ra, tớ cố gắng sưu tầm, photo các sách văn học Tiếng Anh để đọc. Khi đọc bao giờ tớ cũng ghi những cảm nghĩ của mình vào lề sách và sau cứ sao khoảng vài chương, tớ lại ngồi viết một bài tiểu luận ngắn về nhân vật và những ẩn ý của tác giả mà tớ rút ra được. Tớ đã dành cực kì nhiều thời gian cho môn Tiếng Anh luôn đấy, và cuối cùng đã nhận được kết quả như mong muốn.
Hồ sơ vào các trường đại học nước ngoài ngoài bảng điểm ra cần có bài luận văn nữa. Hà Anh có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm viết luận văn cho chúng tớ không?
Tớ nghĩ nên bắt đầu viết luận văn sớm. Tớ bắt đầu viết luận văn từ hè lớp 11 lên lớp 12, tức là nửa năm trước khi nộp hồ sơ. Những bài đầu tiên mình viết ra chưa chắc về sau đã dùng, nhưng cứ phải viết vì trong quá trình viết sẽ nảy ra nhiều ý tưởng và có thêm kinh nghiệm viết bài. Sau đó cần đọc đi đọc lại nhiều lần, vì nhiều khi mới viết xong thì mình cảm thấy rất ưng, nhưng sau khi đọc lại mới phát hiện ra những chỗ cần sửa. Khi ban tuyển sinh đọc bài luận của mình, người ta không chỉ đánh giá nhân cách và phẩm chất của mình mà còn nhìn vào cả cách mình tư duy và diễn đạt, vì đó là hai kĩ năng tối quan trọng kể cả trong quá trình học đại học và về sau này.
Học tập chăm chỉ suốt ngày như vậy, thế Hà Anh nghỉ ngơi thư giãn như thế nào?
Ngoài thời gian học tập, tớ dành
hầu hết quỹ thời gian còn lại để chơi thể thao và tham gia các hoạt động ngoại
khóa. Tớ là thành viên của 4 đội thể thao ở trường: khúc gôn cầu, bơi lội, đấu
kiếm và tennis. Ngoài ra, cuối tuần tớ hay chạy bộ trong rừng để thư giãn và
tăng cường sức khỏe để còn có sức mà học tập. Tớ cũng làm part-time và tham gia
các hoạt động xã hội nữa. Tớ là thực tập sinh ở ban tuyển sinh ở St. Andrew's
và làm bồi bàn tại các sự kiện của trường. Tớ cũng tham gia hát cho đội thánh
ca của nhà thờ, và vừa rồi tớ vừa tham gia vào vở nhạc kịch mùa đông "Babes In Arms" nữa.
Hà Anh trong vở nhạc kịch đó này!
Các buổi chiều sau khi chơi thể
thao và tham gia hoạt động ngoại khóa, tớ đi làm vườn và ươm và trồng cây giống
trong nhà kính. Bọn tớ trồng rất nhiều loại cây như các loại hoa, dâu tây, các
loại đỗ, khoai tây, cà chua... Những sản phẩm bọn tớ làm ra được chuyển thẳng đến
trường để làm thức ăn cho học sinh đấy. Nhiều lúc ngồi ăn súp, tớ lại chỉ cho bạn tớ: cái này chắc chắn là cà chua bọn tớ vừa chuyển về hôm qua .
Hà Anh khi làm vườn.
Hà Anh có thể chia sẻ về cuộc sống
và việc học của bạn ở bên kia không?
Tớ quyết tâm sang Mỹ từ cấp 3 là để thay đổi con người tớ. Và sau 2 năm tớ thấy mình đã học được rất nhiều điều. Cuộc sống bên này vô cùng quy củ chặt chẽ nên tớ phải sắp xếp thời gian rất kĩ càng để có thể hoàn thành khối lượng công việc mà vẫn có thời gian nghỉ ngơi. Các lớp học đều từ 10 đến 15 người. Giáo viên chỉ đưa ra kiến thức, còn học học sinh được đưa ra ý kiến của mình và hỏi các thầy cô giáo. Chính từ những lớp thảo luận như thế này mà tớ được bày tỏ chính kiến của mình, qua đó phát triển khả năng diễn đạt và tư duy, và học được rất nhiều điều từ các bạn cùng lớp cũng như các thầy cô.
Còn kỉ niệm đáng nhớ thì nhiều lắm. Thời gian đầu tiên tớ đến trường là thời gian khó khăn nhất nhưng cũng nhiều điều đáng nhớ nhất. Trường tớ rất chú trọng đến khả năng viết của học sinh nên đến năm lớp 11, trường tớ bắt buộc học sinh phải lấy AP English Literature (văn học Mỹ trình độ đại học). Tớ đã rất lo lắng vì nghe các anh chị đi trước nói không bao giờ nên học lớp đấy vì đối với học sinh nước ngoài vô cùng khó. Nhưng đến khi học, tớ mới nhận ra niềm đam mê với văn học Mỹ (và bài luận cuối kì của Hà Anh đã đạt số điểm kỉ lục của trường – 99/100 cơ đấy! )
Còn một kỷ niệm vui nữa là trong khoảng thời gian đầu tiên đến trường, trường quá rộng nên tớ thường xuyên bị lạc. Các bạn đến bây giờ vẫn nói đùa về tớ những ngày đầu tiên - một cô gái thấp bé luôn chạy loanh quanh khắp trường tìm lớp học.
Học ở ngôi trường xuất sắc Harvard ra, chắc chắn bạn sẽ dễ dàng xin được việc ở Mỹ hay nhiều nước khác. Bạn có định quay về Việt Nam làm việc không?
Tớ chắc chắn sẽ cố gắng hết sức để được quay về Việt Nam làm việc. Tớ có được ngày hôm nay cũng là nhờ những ngày tháng lớn lên và trưởng thành ở Việt Nam, nên tớ mong sẽ có ngày trở về cống hiến cho đất nước. Hơn nữa, dù đi xa đến đâu, tớ cũng muốn về để ở gần bên và chăm sóc bố mẹ của tớ.
Cám ơn Hà Anh, chúc bạn sẽ ngày càng học giỏi hơn và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống nhé!