Câu chuyện thú vị của Naumova bắt đầu từ những lời đồn "kỳ bí" và không tốt về Triều Tiên mà cô liên tục được nghe mọi người đồn đại, hoặc từ nhiều nguồn tin khác nhau khi sống ở Nga. Điều đáng nói là những thông tin đó khiến Naumova có những cái nhìn khá tiêu cực về Triều Tiên và Bình Nhưỡng cùng nhiều câu hỏi mà cô luôn thắc mắc trong đầu. Ngay sau đó, Naumova liền suy nghĩ đến việc viết một bức thư bày tỏ nguyện vọng của mình, đó là muốn đến thăm Triều Tiên, được tận mắt nhìn thấy cuộc sống của người dân tại đây, cũng như giao lưu với các vận động viên trẻ cùng lứa. Bởi vốn dĩ Naumova là một vận động viên nâng tạ khá có tiếng tại Nga.
Naumova từng là vận động viên nâng tạ 110kg.
"Mặc dù viết như thế, nhưng tôi không hề kỳ vọng đến việc sẽ nhận được hồi âm. Bố tôi đã nói rằng, việc làm này của tôi chỉ giống với một trò đùa, nó quá nhỏ nhặt để họ có thể chú ý đến bức thư của tôi" - Naumova chia sẻ suy nghĩ của mình trên tờ báo Moscow Times vào ngày 5/8.
Tuy nhiên chỉ hai tuần sau đó, Naumova đã nhận được phản hồi từ Bộ Thể thao Triều Tiên với lời mời: "Mời cô Naumova đến thăm đất nước của chúng tôi". Không chỉ "mời suông", mà trong bức thư mời còn cho biết, thành phố Bình Nhưỡng sẽ chi trả toàn bộ kinh phí cho Naumova xuyên suốt hành trình này.
Như nằm mơ, Naumova lập tức cùng bố tranh thủ hoàn tất các thủ tục để bắt đầu hành trình của mình vào tháng 6 vừa rồi.
Trong chuyến đi, Naumova đã có những cảm nhận rất khác sau khi tận mắt nhìn thấy cuộc sống thực tế tại Triều Tiên. Cũng từ đó, "những tin đồn đáng sợ hay bất công ở quốc gia này mà tôi từng nghe trước đó đều được dập tan hết.
Trước đây tôi đã từng được đi rất nhiều nơi ở châu Âu, châu Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí là Ai Cập, nhưng Triều Tiên là lần đầu tiên. Đây cũng là nơi mà tất cả bạn bè tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Tôi thấy rất đặc biệt, và Triều Tiên mang đến cho tôi một cảm giác thú vị hơn những quốc gia khác mà tôi từng đến".
Naumova còn chia sẻ thêm: "Tôi đã từng đọc được về sự nghèo đói khủng khiếp của đất nước này khi còn ở Nga. Nhưng khi tôi đi ngang qua các đường phố, nơi mà tôi muốn đến, chứ không phải nơi các hướng dẫn viên sắp xếp từ trước, ở đó tôi nhìn thấy các tòa nhà cao tầng, hiện đại và rất đẹp. Đột nhiên tôi nhìn thấy gần đó những căn nhà cũ kỹ nằm ẩn sau những tòa nhà chọc trời kia. Lúc đó tôi cảm thấy rất bất ngờ vì sao lại có sự đối lập rõ ràng đến như thế. Sau đó thì một người dân sống tại đấy cho tôi biết. Những người sống ở dãy nhà cũ kia chủ yếu là người già, họ đều gần đất xa trời và họ không muốn chuyển đến sống ở những tòa nhà cao tầng kia. Họ kêu gọi các nhà lãnh đạo cho phép họ được sống lại ở căn nhà cũ này".
Cũng từ đây, Naumova có được những bài học, trải nghiệm thực tế sau vài ngày tham quan. "Tôi biết là họ không dẫn tôi đến mọi nơi, nhưng khi tôi đến Bình Nhưỡng, tận mắt tôi đã trông thấy những đứa trẻ mua kem và nước chanh rất vô tư. Người dân tại đó rất biết cách chi tiêu cho phù hợp với cuộc sống của mình. Tại Triều Tiên người dân trồng trọt trên tất cả mảnh đất mà họ có thể sử dụng. Mọi người làm việc vô cùng chăm chỉ vì biết cuộc sống không hề dễ dàng một chút nào. Quan trọng là ở đây có sự công bằng" - Naumova chia sẻ.
Naumova được gặp và giao lưu với các vận động viên cùng lứa tại Triều Tiên.
Tuy nhiên trong chuyến đi, điều Naumova tiếc nuối nhất là không thể gặp riêng ông Kim Jong Un, mà chỉ có thể gặp các bạn học sinh, các vận động viên trẻ và các linh mục.
Trước khi về nước, đại diện người Triều Tiên đã tặng cho Naumova một món quà nhỏ đó là hạt giống hoa Kimilsungia và Kimjongilia. "Họ cho tôi biết, đây là món quà của Đảng. Kimilsungia và Kimjongilia là hai loại hoa mang tên các vị lãnh đạo tiền nhiệm của Triều Tiên" - Naumova nói.