Sinh ra và lớn lên ở thành thị với cuộc sống hối hả và bộn bề công việc nên rất nhiều teen khi đã 17, 18 tuổi rồi mà mới được cha mẹ cho về thăm quê lần đầu tiên. Có nhiều teen ban đầu tỏ ra không hề thích điều đó một tẹo nào và còn dùng hết cách này đến cách khác để năn nỉ bố mẹ không phải về quê, nào là "Con sắp phải đi học tiếng Anh", nào là "Về quê môi trường khó thích nghi, nào là con bước vào cấp 3 cần phải làm quen với nhiều bạn mới để cho khỏi lạ lẫm, hay về quê không có mạng thì chán lắm, con chẳng biết làm gì cả.” Nhưng sau một thời gian ở quê thì có những điều khiến teen mê tít. Đó là:
Thiên nhiên trong lành
Nói tới làng quê Việt Nam ai cũng nghĩ ngay đến lũy tre xanh rì rào, những cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay. Người ở quê có một thói quen là dậy sớm. Chỉ cần nghe gà gáy, khi trời còn tờ mờ sương thì bếp nhà nào cũng đã lên khói. Mọi người rục rịch chuẩn bị cuốc, gánh ra đồng. Trâm (18t) cho hay: “Khi ở nhà mình rất hay ngủ nướng. Bình minh của tớ sớm nhất cũng là 8h. Nhưng về quê mọi người dậy làm việc cả nên mình cũng phải dậy theo dù mắt thì vẫn khép. Khẽ bước chân ra sân, hít một hơi thật dài, cảm giác thật dễ chịu. Không khí ở làng quê thật trong lành. Không khói bụi của xe cộ, không tiếng ồn ào của khu công nghiệp. Ở đây chỉ có những hàng cau cao vút, những khu vườn trồng đủ các loại rau và tiếng chim ríu rít sau lũy tre.”
Còn với Tùng (17t) thì thực sự bất ngờ trước con sông uốn lượn với làn nước trong veo chảy hiền hòa, những buổi tối mất điện nằm ngoài sân ngắm trăng, đếm sao. “Ở Hà Nội đêm đến ánh đèn sáng rực như ban ngày, nên hầu như chẳng bao giờ mình ra ngoài ngắm sao cả. Mình không biết đâu là sao Thần Nông, đâu là dải Ngân Hà. Nhưng sau lần về quê ấy, mình đã hiểu ra, có những tối nằm bên nhau như thế thật đầm ấm”.
Không cần tốn nhiều tiền để đi du lịch tới những khu sinh thái, bạn chỉ cần xách ba lô và có sự đồng ý của ba mẹ là có thể tận hưởng một bầu không khí trong lành và mát mẻ ở thôn quê, rất dễ chịu và yên tĩnh. Không tin thì bạn thử một lần về quê xem nhé!
Những món ăn dân dã
Những ngày ở thành phố, chúng mình được ăn rất nhiều món ngon ở nhà do bố mẹ tự tay chế biến hay những bữa cơm đắt tiền trong các nhà hàng sang trọng, gần như mỗi bữa ăn trong các gia đình hiện nay đều có mặt của thịt, nếu không phải là thịt lợn thì cũng thịt bò. Nhưng chỉ cần bạn để ý một chút thì trong các bữa cơm gia đình, mẹ thường phàn nàn rằng: “Thịt lợn bây giờ nhiều tăng trọng quá!”, hay “Con gà này là công nghiệp, thịt nhão quá! Không thơm và chắc như gà nhà!”. Thế nhưng, chỉ trong bữa cơm đầu tiên ở nhà ông bà nội, Quỳnh (17t) sôi nổi nói: “Lần đầu tiên mình cảm thấy ăn ngon như thế. Bữa cơm chỉ có cà muối, mà là cà pháo hẳn hoi nhé! Thêm bát canh nấu với tôm đồng và một đĩa cá rô rang vàng ươm. Thế mà mình thấy ngon tuyệt. Trước đây ở nhà mình, hôm nào cũng đầy thịt cá nhưng chưa bao giờ mình “chén” tới 3 bát đầy như vậy”.
Hay như Thái (18t) lại tấm tắc khen mãi món lươn nấu củ chuối trong lần về quê nội ở Thanh Hóa. Thái cho biết: “Lần đầu tiên nhìn thấy con lươn thật sự mình rất sợ, không dám nhìn nữa cơ, nói gì đến chuyện ăn. Nhưng đến khi mùi thơm của thịt lươn hòa quyện với vị chua chua của mẻ, một chút rau lốt, và nhất là vị ngọt ngọt mát mát của củ chuối thái nhỏ thì không thể cưỡng lại được. Từ nhỏ đến giờ đó là lần đầu tiên mình được ăn thịt lươn. Ở nhà bố mẹ mình bận đi làm cả ngày nên hay phải ăn đồ ăn sẵn, nhà mình cũng chật nữa và không có dụng cụ để làm lươn. Vì thế chưa bao giờ mình biết thịt lươn lại ngon đến thế”.
Bạn thấy đấy, đâu chỉ phải “cao lương mĩ vị” mới ngon. Đôi khi chỉ là những món ăn rất đỗi bình thường và quen thuộc ở quê như rau muốn chấm tương hay bát cá muối lại được teen thích đến vậy, để lại một cảm giác rất khó tả, ăn rồi lại muốn ăn thêm.
Những người bạn mới
Tình bạn của những người đứa trẻ ở thôn quê cũng bình dị như bản tính chân chất trong con người chúng vậy. Không tính toán, không vụ lợi, cũng không phải là những buổi tụ tập trong quán ăn sữa chua “chém gió” rồi rủ nhau đi lượn khắp các shop quần áo, cũng không phải những trận chiến trên game online thâu đêm suốt sáng. Tình bạn của teen ở các vùng quê đơn giản chỉ là những trận đá banh ngoài đồng, những chiều thả trâu rồi trộm ngô nướng hay những lần rủ nhau săn chuột, bắt dế trên đồng, những buổi lên đồi hái sim. Tất cả đều xuất phát từ tình cảm chân thành.
Quý (21t) kể: “Ba năm trước khi mình đỗ đại học, bố mẹ liền cho mình về quê ở với ông bà nửa tháng trước khi nhập trường. Có lần mình theo đứa em họ nhà chú ra sông tập bơi. Vì sĩ diện nên khi mấy đứa trẻ ở đó thách mình nhảy xuống, mình cũng đánh liều. Và kết quả là mình uống một bụng nước đầy, bị giã gạo nữa. May mà có mấy đứa nhỏ không thì hôm đó mình đã “tiêu” rồi. Cũng từ hôm ấy, mình và chúng trở nên thân thiết hơn. Dù không cùng lứa tuổi nhưng lại rất hợp nhau. Bọn trẻ dạy mình cách cưỡi trâu, cách bắt dế, cho mình gia nhập vào đội ngũ đào trộm khoai lang nướng…Còn mình thì kể cho chúng nghe về những tòa nhà chọc trời, những rạp chiếu phim hoành tráng, những chiếc xe ô tô chạy pin hay đoàn tàu hỏi điều khiển từ xa. Nhìn chúng chăm chú lắng nghe như thể mình đang lạc vào đó vậy, tớ thấy những người bạn nhỏ nơi đây thật thiệt thòi. Ngày tớ lên xe về quê, mấy đứa thì cho tớ túi ổi nặng, đứa lại mang cho bịch ngô luộc, nước mắt nước mũi tèm lem.”
Thế đấy, không cần phải cùng chung sở thích, cùng lứa tuổi hay là có sự thân quen từ trước, tình bạn cũng có thể bắt đầu bất cứ khi nào và ở đâu, chỉ cần bạn mở rộng lòng mình. Không quan tâm đến tiền bạc hay bạn cho tôi cái gì, bạn có thể giúp tôi cái gì, teen cũng có tình bạn sâu sắc với những người bạn mới quen trong quãng thời gian ở quê.
Cảm động trước tình làng nghĩa xóm
“Ngày đầu tiên mình về quê ra đường cùng bà nội ai gặp bà cũng hỏi “cháu nội bà đấy à?” hay “con bé xinh gái quá!”. Tối đến chỉ mới chưa tới 19h thì nhà mình đã chật kín người. Nghe tin ông bà có cháu ở thành phố mới về thăm, mọi người trong xóm đều đến trò chuyện, người thì cho chục trứng gà, người thì cho chùm nhãn hay cả quả mít chín cây nữa. Cả nhà vui như hội." - Tâm (19t) nói.
Còn với Huy (20t) thì lại bất ngờ và cảm động trước tình cảm mà bà con láng giềng dành cho ông bà ngoại của mình. “Lần đó mình về đúng đợt mưa to. Nhà ông bà bị dột nhiều lắm, mình thì vụng về không biết làm gì. Sáng hôm sau, khi mưa tạnh, bác hàng xóm đã vác thang sang và sửa lại mái ngói cho ông bà hay lần bà mình đột ngột bị sốt giữa đêm, trời mưa lâm thâm, thế mà chỉ cần một cuộc gọi điện thoại, cô y sĩ cách nhà mình cả cây số hối hả phóng xe tớ để tiêm thuốc cho bà. Mấy hôm sau, người thì đến biếu bà cân đường hộp sữa, người thì biếu bà cân cam, mong bà nhanh khỏe lại”. Bạn thấy đấy, ngay từ bé ta đã được học câu “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” nhưng phải đến khi được về quê và chứng kiến tận mắt những cử chỉ quan tâm, sự lo lắng dành cho nhau của những người dân quê thì teen mới có thể hiểu và thấm thía tình cảm xóm làng là quan trọng như thế nào.
Sau những dịp nghỉ lễ, chúng mình sẽ trở về thành phố với những công việc thường nhật của mình, nhưng trong lòng những ai đã từng một lần về quê thì chắc chắn vẫn còn sự quyến luyến với thiên nhiên, cảnh vật và con người ở quê, phải không nào?