“Mổ xẻ” xu hướng thể hiện nơi công cộng của giới trẻ

Thỏ Trắng Màu Nâu, Theo 00:01 27/07/2010

Biểu diễn các màn nhảy nhót, hành động kỳ quặc nơi công cộng đang là một xu hướng mới trong giới trẻ. Tuy mục đích tốt và có những dấu hiệu tích cực, nhưng đa phần vẫn tạo sự nghi hoặc về sân chơi mới này. Lí do tại sao?

Xu hướng thể hiện tập thể nơi công cộng

Nhảy Flash mob, quay clip quỳ lạy thú bông và màn đàn hát, nhảy nhót ở Bờ Hồ... là những hoạt động gây xôn xao trong mấy ngày qua ở Hà Nội. Từ ngạc nhiên, đến tò mò và tìm hiểu, người ta dần phát hiện ra một xu hướng khá mới lạ của giới trẻ hiện nay, đó là biểu diễn tập thể nơi công cộng. Do ảnh hưởng của các trào lưu từ nước ngoài, những hình thức nhảy múa ngẫu nhiên, hoạt động tập thể vô hại gây cười cho người khác được giới trẻ Hà Nội ưa chuộng.

Họ lập FB cho những ban, hội của mình để bàn bạc, phát kiến ý tưởng thể hiện theo kiểu tập thể. Khi ý tưởng đã chín muồi, các bạn trẻ lựa chọn nơi đông người qua lại như công viên, sảnh trung tâm thương mại rồi biểu diễn hát, múa, nhảy, diễn kịch hoặc thể hiện các hành động khá kỳ quặc với mục đích tạo sự vui vẻ.
 

Quỳ lạy thú bông ở ngay vòi phun, Bờ Hồ

Ngày 18/7, clip “Vái lạy thú bông” được post lên FB và nhanh chóng được cộng đồng mạng đưa lên làm “hiện tượng sốc nhất trong tháng”. Không ai hiểu nhóm thanh niên này định làm gì khi cứ liên tục vái lạy con gấu bông. Màn biểu diễn lạ kỳ đã khiến báo chí tốn giấy mực, dân tình tốn “calo” bàn luận, trên các diễn đàn lần lượt cho đề tài này thành sự kiện nóng sốt. Trên FB của mình, nhóm IE (Improv Everywhere) giải thích đó là hoạt động tập thể vô hại để gây cười với mọi người.

Tối 24/7, một nhóm biểu diễn nghệ thuật đường phố đã biểu diễn chương trình nghệ thuật dạng quần chúng ở khu vực trước tượng đài Lý Thái Tổ. Nhóm này chủ yếu là học sinh, sinh viên, biểu diễn màn nghệ thuật đường phố như đàn hát, nhảy... nhằm quyên góp tiền làm từ thiện. Mỗi tháng, nhóm lại biểu diễn kiểu này một lần ở những nơi công cộng.
 

Hỗn loạn ở khu vực Bờ hồ vì nhảy múa nghiệp dư
 
Chiều 25/7, màn Flash mob của fanpage “Hội những người phát cuồng vì thím Vũ Hà" rất được teen Hà Nội trông đợi diễn ra ở ngay sảnh bên hông Vincom. Một nhóm nhảy hơn 30 người đã tụ tập để cùng nhau nhảy ngoài đường phố, nhưng những trục trặc trong khâu âm thanh, tổ chức khiến mọi người chờ đợi cả tiếng đồng hồ, trong khi màn trình diễn chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vài phút, đã khiến phần nào những kì vọng ban đầu vào một màn Flash mob đúng nghĩa trở thành sự... hẫng hụt.
 

Flash mob của "Hội phát cuồng vì thím Vũ Hà" ở Vincom

Chưa kịp vui, đã kịp... gây phản cảm?

Biểu diễn hay thể hiện những hành động khác lạ theo nhóm ở nơi công cộng là một xu hướng mới trong giới trẻ. Chỉ trong vòng 1 tuần nhưng ở Hà Nội đã diễn ra 3 hoạt động dạng tập thể và nhanh chóng được dư luận quan tâm theo dõi. Những ý tưởng thể hiện mình qua nhóm, hội có tác dụng kết nối người trẻ với nhau, khơi gợi sự sáng tạo.

Tuy nhiên, vì không tính toán và khâu chuẩn bị chưa hoàn chỉnh nên các chương trình cho “ra mắt” cộng đồng đã gây phản cảm, bị dư luận lên án.

Trên báo chí, các diễn đàn, thậm chí ngay cả trong những câu chuyện phiếm, người ta đều lên án gay gắt clip quỳ lạy thú bông. Mục đích của nhóm là đem lại niềm vui bằng cách gây chuyện ngạc nhiên với người xung quanh, nhưng nhóm IE của Hà Nội lại gây sốc, khiến người lớn thì phẫn nộ, người trẻ thì chỉ trích gay gắt. Họ bị phần lớn cộng đồng cho là “điên rồ, cố tình đánh bóng tên tuổi, gây sốc nhố nhăng”.

Màn biểu diễn của nhóm bạn ở tượng đài Lý Tự Trọng diễn ra ở trung tâm Hà Nội ngay buổi tối thứ 7, nên hậu quả là gây ra sự hỗn loạn đáng tiếc. Các tốp đàn hát và nhảy trên vỉa hè nhanh chóng thu hút sự chú ý và hiếu kỳ của người dân đang đi trên đường Đinh Tiên Hoàng. Rất đông người dừng xe, tụ tập đông đúc ở khu vực này vì tưởng có... đánh nhau khiến đội ANTT phải ra can thiệp. Buổi biểu diễn kết thúc trong sự xé lẻ hội hè, chạy sang địa điểm khác rất nhốn nháo. Các bạn thắc mắc trên FB của hội là “Làm sao để cảnh sát đừng chú ý đến nhóm bây giờ?”, nhưng lại toàn chọn địa điểm ở nơi đông đúc và có trật tự nhất Hà Nội để tổ chức các sự kiện văn hóa không xin phép.

Tránh bị phản cảm, cần chú ý những gì?

Sau khi nhận được những phản hồi gay gắt từ phía cộng đồng mạng, thì các nhóm hội này đã biết tiếp thu và rút kinh nghiệm. Điều đó được cho là động thái nhận lỗi tích cực và rất hợp thời của người trẻ. Trên trang FB của mình, hội IE Hà Nội gửi lời xin lỗi đến mọi người, thừa nhận sự thiếu sót khi gây ra những điều tiếng không hay, Mission gây cười thì ít mà gây tức giận thì nhiều.
 


Lời xin lỗi trên Fb của nhóm IE Hà Nội

Thực ra, xu hướng biểu diễn tập thể nơi công cộng cũng có những ý nghĩa tích cực như tạo một sân chơi lành mạnh cho giới trẻ (vốn đang quá thiếu thốn hoạt động giải trí), tổ chức văn nghệ quần chúng để quyên tiền làm từ thiện, kết nối những con người không quen biết lại với nhau qua FB. Nhưng từ ý nghĩa tốt đẹp, cho tới cách thực hiện và hiệu quả của nó thì còn là chuyện đáng bàn.

Để tổ chức một buổi biểu diễn tập thể, giá như các nhóm biết lưu ý tính toán địa điểm thời gian, tránh lúc quá đông phương tiện giao thông qua lại hoặc ở nơi trung tâm như Bờ Hồ, đoạn vòi phun, Vincom... mà lại vào tối cuối tuần thì rất dễ gây náo loạn, không kiểm soát được. Sau đó, một điều rất quan trọng là phải xin phép ở một số địa điểm để tạo được sự đồng thuận từ chính quyền địa phương, đội ANTT. Nên nhớ, ở những nơi công cộng không phải bạn muốn làm gì cũng được, những hành động bộc phát gây mất trật tự rất dễ khiến mọi người trong nhóm phải chịu trách nhiệm khá nặng nề đấy.

Một điều rất quan trọng nữa, là để tránh gây phản cảm, nên chú ý đến văn hóa của người Việt, không phải cứ bắt chước giới trẻ nước ngoài hoặc sáng tác ra những ý tưởng “trên giời” là có thể hành động được ngay. Clip lạy thú bông vừa qua đã là bài học cần và đủ khi cho sự vội vã hùa theo mà không tỉnh táo chọn lọc.