Clip “teens Hà Nội lạy gấu bông" – thử nghiệm lạ hay trò gây shock?

Nắng, Theo 01:16 22/07/2010

Mấy ngày vừa qua, cộng đồng mạng khá xôn xao với clip quay cảnh một chàng trai đội thú bông trên đầu để những bạn trẻ khác nhảy đến trước mặt, quỳ lạy liên tục. Clip này thực hiện ngay tại Bờ Hồ ngày 18/7.

Clip khiến người đi đường chứng kiến và người xem clip đều thấy khá sốc, thậm chí một vài người cảm thấy ghê rợn và sợ hãi.

Clip này sau khi được đăng tải lên Facebook của một group đã được spam link, đồng thời tạo sự tranh cãi gay gắt trong cộng đồng mạng. Người thì cho rằng đó là biến tướng của Flash Mob – một hình thức biểu diễn ngẫu hứng đường phố thời gian qua được các bạn trẻ Việt Nam biết đến và làm quen, người thì cho rằng đó là những hành động lố lăng, vô nghĩa, gây rối loạn.



Những hình ảnh cut ra từ một clip được cho là thật kì lạ: "quỳ lạy gấu bông".

“Lạy gấu bông” không phải là clip duy nhất.

Chúng tớ đã nhanh chóng tìm ra được facebook của nhóm tổ chức clip này "Improv everywhere Hanoi".


FB của "Improv everywhere Hanoi"

Dường như ý tưởng của hội này được lấy từ hội Improv Everywhere nổi tiếng tại New York từ năm 2001 với thành viên từ khắp thế giới mà chúng tớ đã từng giới thiệu một lần, với những trò đùa nổi tiếng như “Frozen Grand Central” (Thời gian ngừng trôi tại trạm xe điện Grand Central) hoặc “Human Mirror”.


Clip nổi tiếng "Human Mirror"

Mục đích duy nhất của hội này là nghĩ ra những trò đùa hoàn toàn vô hại để gây vui nhộn cho mọi người, từ đó họ chứng minh rằng những trò đùa tinh nghịch hoặc trò “chơi khăm” không hề cần đến sự làm nhục hoặc gây xấu hổ cho người khác, mà chỉ cần làm cho ai đó cười. Sâu xa hơn, Improv Everywhere muốn nâng cao ý thức cộng đồng cho mọi người, khiến mọi người dành một vài phút trong cả ngày bận rộn công việc của mình để chú ý đến người khác, quan tâm hơn đến thế giới xung quanh và để tìm thấy tiếng cười trong cuộc sống.





Human Mirror

Frozen Grand Central




... hay Invisible dogs là những màn trình diễn cực kì nổi tiếng của "Improv Everywhere Newyork"

Còn hội tự nhận là “Improv Everywhere Hanoi” này thì sao? Trong phần Videos trên facebook của hội, ngoài clip “lạy gấu bông” ra, hội đã từng làm 2 clip nữa, thực hiện ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ và đều lấy ý tưởng là: các bạn đứng nắm tay nhau thành vòng tròn, đi một lúc rồi bỗng dưng… nằm lăn ra đất.


Những hình ảnh trong hai clip trước đó của hội Improv Everywhere Hanoi: Tiến lại gần nhau, giơ tay ra, rồi ngã lăn ra đất.

Nếu xét về hình thức, có thể các clip này đều giống Improv Everywhere “nguyên gốc” ở chỗ làm cho người đi đường giật mình bất ngờ và tò mò. Thế nhưng nếu xét về mục đích thì rõ ràng những clip của hội vẫn là một dấu hỏi lớn.

Thứ nhất, các clip đều được quay vào buổi tối, lúc trời nhá nhem, người đi đường phần lớn không thể hình dung ra các bạn đang làm gì. Điều này khác với Improv Everywhere nguyên gốc, họ tổ chức có quy mô và đều làm vào ban ngày, tại những chỗ cụ thể để càng nhiều người chứng kiến càng tốt.

Thứ hai, nếu như trong các clip của Improv Everywhere nguyên bản, hành động của họ được kéo dài trong khoảng thời gian rất lâu, từ 5’ hoặc cả chuyến tàu điện ngầm, và thường là trong im lặng, đủ để mọi người nhận thức được họ đang làm gì rồi tự đặt cho nhau câu hỏi tò mò, thì ở các clip của hội tại Hà Nội hầu hết chỉ toàn tiếng hú hét của các bạn rồi kết thúc rất nhanh. Clip ghi lại chất lượng khá kém, mờ mịt, không có sự biên tập. Điều này cũng có thể khiến mọi người càng cảm thấy khó tin tưởng vào tính chất nghiêm túc trong hoạt động của hội này.

Thứ ba, sau mỗi “sự kiện” như thế này, Improv Everywhere nguyên gốc sẽ quay clip lại cẩn thận, up lên trang web của hội: http://improveverywhere.com, đồng thời giải thích rõ lí do, mục đích của mình với giới truyền thông. Bởi đơn giản, họ là một tổ chức có hệ thống và có quy củ, họ sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi từ quần chúng hoặc phía báo chí.

Còn tại Việt Nam, ngay cả khi clip “lạy gấu bông” đã được cộng đồng internet đưa ra rất nhiều luồng ý kiến trái chiều, cho đến giờ “Improv Everywhere Hanoi” vẫn chưa thấy lên tiếng gì. Hoặc nếu có, chỉ là những sự tranh cãi với những người không đồng tình tới mức gay gắt hoặc những status đầy tính "tuyên chiến" trên FB của mình.

Chúng tớ không khai thác hay so sánh nhiều về mặt nội dung sự kiện khi chưa hiểu rõ mục đích của nó, nhưng chỉ xét vài yếu tố về hình thức, rõ ràng “Improv Everywhere Hanoi” đã khác hẳn với ràng “Improv Everywhere” gốc tại New York. Thậm chí ngay cả tên hội và logo, các bạn đã lấy của tổ chức Improv Everywhere nhưng cũng chưa hề giải thích rõ nguồn gốc của nó cho mọi người.

Sự nhầm lẫn với Flashmob?

Trong description của hội, các bạn giải thích đây là một hình thức tương tự flashmob. Đây là định nghĩa của việc một đám đông người bất ngờ tập trung lại tại một địa điểm công cộng, họ có những hành động khác thường trong một thời gian ngắn và sau đó đám đông tan rã. Flashmob được cho là xuất hiện đầu tiên vào năm 2003 ở New York, và cho đến nay đã phát triển rộng khắp trên toàn thế giới.

Description cũng chứng tỏ sự không rõ ràng trong mục đích và hình thức hoạt động của Hội.

Mục đích của flashmob ban đầu là tụ tập giao lưu, có thể là fanclub của một ca sĩ nào đó kết hợp lại để đồng diễn trên đường phố (ví dụ như fan của nữ ca sĩ Madonna đã từng biểu diễn flashmob tại góc phố Shinjuku ở Tokyo, hoặc những clip flashmob rất nổi tiếng phỏng theo nhạc Michael Jackson…)

Ở Việt Nam, hầu hết flashmob hướng về một sự kiện nào đó (clip flashmob của Ngày Hội Anh Tài trường Hanoi-Amsterdam, hoặc sắp tới sẽ có một chương trình flashmob kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội…)

Nhưng đơn giản hơn, flashmob có thể chỉ là nơi các bạn gặp gỡ nhau, tập với nhau theo những điệu nhạc đơn giản, khoẻ khoắn, kết bạn với nhiều người khác, tạo nên một sân chơi lành mạnh cho giới trẻ. Thời gian gần đây, giới trẻ Việt đang rất hào hứng với flashmob, có thể vì thế mà một số loại hình biến thể của nó đã xuất hiện.

Nếu hiểu theo phương diện flashmob thì clip của các bạn trẻ Improv Everywhere Hanoi cũng đã phần nào đi chệch hướng. Trong các clip không hề có những màn biểu diễn, động tác tập thể nào cả, phần lớn chỉ là đi lại, quỳ lại rồi nằm xuống cùng lúc. Mục đích của các clip cũng khá khó hiểu, hầu như chỉ để gây sự chú ý và gây sốc cho mọi người xung quanh.

Kết

Khen hay chê, tốt hay xấu, đúng hay dở, cho đến giờ thì chúng ta vẫn chưa thể khẳng định được, bởi có thể các bạn trong clip muốn hướng tới một mục đích sâu xa nào đó mà chúng ta chưa tìm ra được.

Nhưng khi mà dư luận lên tiếng phản đối nhiều hơn là ủng hộ, thì có lẽ các bạn cũng cần xem xét lại một chút, không thể để mục đích của Improv Everywhere hay Flashmob bị lệch lạc với ý nghĩa cộng đồng ban đầu của nó.

Thậm chí trên facebook của Improv Everywhere Hanoi đã bắt đầu xuất hiện những “ý tưởng mới”, ví dụ như “xé quần áo tập thể tại Nhà Thờ Đức Bà”.

Một comment "chơi chơi" trên FB này.

Có thể chỉ là ý tưởng đùa cho vui, nhưng nếu không ai lên tiếng hoặc điều chỉnh ngay, biết đâu sẽ có những ý tượng tương tự như thế được "hiện thực hóa", và đến lúc đó thì ai dám khẳng định là nó lành mạnh, phải không nào?

Cộng đồng mạng Việt Nam đang tranh luận rất gay gắt về hình thức này. Cùng lắng nghe ý kiến một số teen Hà Nội nhé!

Bạn Đức Bình (đã từng tham gia biểu diễn trong clip flashmob cho Ngày Hội Anh Tài của trường Hanoi Amsterdam): Mình nghĩ muốn làm flashmob thì nên khai thác sâu vào lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, giống trong phim High School Musical vậy. Còn những hoạt động trên hè phố nếu không được định hướng rõ ràng thì rất dễ tạo ra những trò bột phát và không phù hợp. Flashmob vốn là cái rất đáng khuyến khích, nó đem nguồn cảm hứng âm nhạc đến cho mọi người như trong phim Step Up. Còn lạy thú bông thì thực sự là không được văn hoá cho lắm.”

Một số bạn từng hoặc sắp tham gia flashmob thì cho rằng: “Flashmob vốn là sân chơi rất vui, ai nhìn cũng thấy vui, mấy lần tập với nhau bọn tớ còn rủ các bác đang đi tập thể dục vào nhảy thử vài động tác đơn giản cơ. Còn clip lạy gấu bông thì có vẻ đã đi quá xa, thậm chí hơi biến thái, chắc hẳn ai bắt gặp hoặc là sửng sốt hoặc là quay mặt đi chỗ khác. Nói thật nếu hôm đó tớ có đi cùng em tớ mà nhìn thấy thì sẽ bịt mắt em lại ngay, tránh để ảnh hưởng hay làm nó suy nghĩ, hì.(Phương Thanh, 17t)

Trà My (Amser, 18t): “Thực sự mà nói thì với các hoạt động của Improv Everywhere tại New York, người xem sẽ bất ngờ vì một điều lạ, gây tò mò và có phần thú vị; còn với kiểu “lạy gấu bông” này, người ta cũng sẽ bất ngờ nhưng là bất ngờ trước sự điên rồ. Ví dụ, nếu tớ chứng kiến “Frozen Grand Central”, tớ sẽ nói: “Ồ, tại sao họ lại làm như thế nhỉ?”, còn nếu đứng trước cảnh các bạn lạy gấu bông, tớ sẽ hỏi “Bọn này nó đang làm cái trò quái quỷ gì đây?” Bản thân tớ thấy thì việc đó rất rất vô nghĩa."