Nhưng thay đổi bằng cách nào, ra sao, thì không phải bạn nào cũng biết cách đâu nhé.
B.P (16t) kể: “Có những lúc bố mẹ làm mình bực mình chịu không được. Mình cảm thấy mình bị quan tâm quá mức và đôi khi bị mắng một cách oan uổng, trong khi mình chẳng làm gì sai cả.”
Còn A.V (17t) thì nói: “Bố mẹ làm sai, mình góp ý thì bị mắng như xối nước vào mặt. Đôi khi bố mẹ còn nói nặng lời làm mình cảm thấy bị xúc phạm.”
B.D (l17t): “Đi học về mệt, chưa kịp thay đồ, mẹ đã hỏi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất… Mẹ hỏi, mình trả lời nhỏ, mẹ hỏi lại liên tục, mình cáu nên nói gắt… Thế là bị ăn đòn…”
Đó là những lời chia sẻ không riêng gì của ba bạn trên, mà hầu như khá nhiều bạn teen cũng có những nỗi lòng tương tự. Họ cảm thấy bố mẹ không hiểu mình, có khoảng cách, rồi giữa họ và bố mẹ có một bức tường vô hình lúc nào không hay. Vì vậy, để tránh những mâu thuẫn không đáng có, bạn phải thay đổi mình từ bây giờ thôi.
Nhìn nhận bản chất của sự việc
Bạn cho rằng bố mẹ không hiểu mình. Nhưng vấn đề ở đây là bạn chẳng bao giờ tạo cơ hội để bố mẹ hiểu bạn hơn. Những gì bố mẹ làm chung quy cũng chỉ vì muốn tốt cho bạn, muốn quan tâm đến bạn và hiểu bạn. Vậy mà chỉ vì những lí do cá nhân, bạn lại lấy đó làm khó chịu và phản ứng mạnh. Chính từ những biểu hiện ấy, bố mẹ cảm thấy buồn vì bạn, vì quan tâm đến bạn nhưng bạn lại khó chịu vì điều đó và tỏ ra hỗn - thế là mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái bắt đầu.
Trước tiên, bạn hãy suy nghĩ lại, vì không phải bỗng dưng bố mẹ đối xử như thế với bạn. Nguyên do xuất phát từ chính thái độ chưa đúng đắn của bạn. Ai cũng muốn con mình tốt, nên người, teen nên lắng nghe ý kiến của bố mẹ, gần gũi với bố mẹ hơn, đừng cố tình tỏ ra xa cách với bố mẹ của mình.
Trả lời nhỏ nhẹ
Sự gắt gỏng không khiến bạn cảm thấy thoải mái đâu, trái lại, sự mâu thuẫn giữa bạn và bố mẹ càng tăng. Khi được hỏi, nếu câu hỏi không quá quan trọng và bạn cảm thấy uể oải, không thể trả lời ngay được, hãy thành thật: “Bố/mẹ đợi con một chút, con vừa đi học về, hơi mệt… Lát con nói chuyện sau nhé”. Đảm bảo, với câu nói như thế, không bố mẹ nào bắt bẻ bạn được cả.
Ngoài ra, bạn cũng nên luyện tâm trạng bình tĩnh, dành chút ít thời gian cho gia đình và trả lời những câu hỏi của bố mẹ. Khi phụ huynh hỏi mà bạn trả lời qua quýt hoặc lớn tiếng, mắt dán vào màn hình máy tính, tivi hay nghe nhạc thì đảm bảo mâu thuẫn xảy ra ngay. Phải biết lúc nào cần giải trí, lúc nào cần “làm con ngoan” nhé!
Để "kết thân" với bố mẹ không hề khó đâu mà! (Ảnh minh họa)
Đáp lại sự quan tâm
Mẹ bỏ cả buổi sáng để nấu món ăn bạn thích thì bạn không nên chạy vội ra khỏi nhà và bảo: “Con trễ học rồi!”. Buổi trưa, không nên ăn vặt về nhà và bảo: “Con đã no rồi!” khi cả nhà chờ cơm. Buổi chiều, bạn nên dành thời gian cho gia đình. Bố mẹ hỏi han về chuyện học, chuyện bạn bè, chuyện ngoài đường phố, bạn nên hiểu rằng họ rất muốn được quan tâm, yêu thương và chia sẻ cùng bạn. Do vậy, không nên tỏ thái độ trẻ con bằng cách lảng tránh việc nói chuyện với bố mẹ, bạn nhé!
Góp ý nhưng với thái độ lễ phép
Bố mẹ - con cái là hai thế hệ khác biệt, do vậy sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn, xích mích. Tuy nhiên, không nên khăng khăng bảo vệ quan điểm của bản thân và cho rằng mình đúng, vì ít nhiều gì bố mẹ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Hãy lắng nghe, sau đó chia sẻ những suy nghĩ của mình. Tất nhiên, nếu điều đó sai, bố mẹ có quyền “vặn” lại. Nhưng nếu nó đúng và hợp lí, thì chỉ cần bạn trình bày nhẹ nhàng, phân tích thêm, thì không phụ huynh nào cố chấp đến mức vẫn không chịu tin con mình đâu.
Bày tỏ nguyện vọng
Chờ những khi bố mẹ vui, hãy trao đổi với bố mẹ những suy nghĩ, mong muốn của bản thân mình, chẳng hạn như: không đọc tin nhắn trong điện thoại của bạn, bạn sẽ đi ngủ sớm vào mỗi tối nhưng bố mẹ không nên quát ầm ĩ nếu bạn bận học bài khuya… Tất nhiên nếu đó là những mong muốn chính đáng thì không bố mẹ nào khước từ cả. Nhưng nếu bố mẹ chấp nhận mong muốn của bạn thì bạn cũng phải làm hài lòng bố mẹ nữa đấy: bảng điểm tốt này, không thức khuya chat chit này...
Thể hiện sự yêu thương
Bằng việc giúp đỡ bố mẹ làm những việc lặt vặt, khoe thành tích học tập, tổ chức sinh nhật, thể hiện yêu thương qua cử chỉ… và tâm sự với bố mẹ khi họ cần được nghe (tất nhiên phải đúng lúc, đúng thời điểm). Quan trọng hơn hết, bạn cần tạo niềm tin nơi bố mẹ, có như thế thì bố mẹ sẽ không còn lo quá nhiều về bạn, từ đó sẽ không nhắc nhở dư thừa, hoặc quan tâm thái quá làm bạn cảm thấy bó buộc.
Muốn hiểu được bố mẹ không khó, quan trọng là sự kiên nhẫn và thay đổi trong cách ứng xử của bạn. Chúc teen sẽ sớm "kết thân" được với bố mẹ của mình nhé!