Ba ngày tạm trú ở nhà Asta không phải quá dài nhưng cũng đủ để tôi có thời gian đi thăm thú đó đây những điểm “thiết yếu” phải đến ở Kaunas. Quan trọng hơn, trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, tôi kết thân được với những người bạn mới đáng yêu của cô nàng nhờ chuyến tham quan Tu viện-nhà thờ Pažaislis, nơi tổ chức dạ hội âm nhạc mùa hè thường niên ở Kaunas. Người dẫn đường cho tôi hôm đó là Vikorija, bạn của Asta, cũng là host “hụt” của tôi trong kì nghỉ này. Cùng với những người bạn mới quen, tôi được dẫn đi tham quan tu viện hoành tráng này vào một ngày đẹp trời, nhưng lạnh cắt da cắt thịt.
Nắng ấm đẹp mê hồn nhưng lạnh cũng "đừng hỏi".
Bờ sông ngập nắng.
Lạnh nhưng cây vẫn đâm chồi xanh nhé.Vốn là sinh viên học về văn hóa và nghệ thuật, Viko (tên gọi thân mật của cô bạn) đã đem đến cho tôi rất nhiều kiến thức hay ho về thắng cảnh nổi tiếng này.
Viko.
Có ai nhìn ra cái đốm trắng kia không?
Cái giếng cầu may, nó cạn khô và mọi người vứt tiền xu xuống đáy giếng lấy may.
Nghịch chút với vòng tròn trang trí trước cửa nhà thờ.
Những người bạn tinh nghịch của tôi.Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân vào một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Mặc dù có bảng hiệu cấm chụp ảnh quay phim đàng hoàng, nhưng “càng cấm thì càng cứ”, cái đứa to gan này cũng chụp tạm vài tấm mang về khoe đã, hehe. Cơ mà nói thật, chẳng qua lúc đó không có các xơ hay đức cha ở đây thôi, chứ nếu mà có người của tu viện thì cũng lằng nhằng lắm đấy. Các bạn nên chú ý điều này khi đến các nơi mang tính chất tôn giáo và quân sự nhé, chẳng qua lần này tôi may mắn thì mới vậy thôi!
Ảnh "chụp trộm" trong nhà thờ.
Giả vờ cầu nguyện như ai!Sau cuộc hành trình tham quan Pažaislis, chúng tôi về thăm nhà của Viko - một căn nhà gác mái nằm ở một khu phố khá heo hút tại Kaunas. Thật sự, khi đến nơi này, nó gợi cho tôi một cảm giác giống như căn nhà “ổ chuột” của Charles trong phim "Charles và nhà máy chocolate" (mặc dù nói vậy thì hơi quá vì nó cũng không đến độ nhếch nhác như thế).
Nhà của Viko.
Tranh vẽ của cô nàng.
Cơ mà nhà đúng là có ổ chuột nhé! Ổ của một cô chuột lang đen trắng béo núc ních! Đến lúc này, tôi mới thật sự thấy thấm thía, đằng sau những tòa nhà cao tầng, những di tích thắng cảnh hoành tráng, hoa lệ kia, chỉ cách vài con phố, cuộc sống của những người dân nghèo vất vả và khó khăn như thế nào. Ấy vậy nhưng, với những con người ấy, họ vẫn giang tay ra giúp đỡ những backpackers như tôi vậy. Tôi ở lại nhà Viko không lâu, chỉ đủ thời gian để chúng tôi, 4 người, nhâm nhi hết 2 chai rượu vang nóng đun với chanh, tán chuyện tầm phào về những chủ đề từ “bé tí con con” trong cuộc sống của nhau. Thêm một chú thích nho nhỏ là tại nhà Viko, tôi có lần mò ra được một thứ vô cùng Việt Nam nhé:
Cao sao vàng chất lượng cao!Lithuania từng là một trong những quốc gia thuộc Liên Xô cũ, chính vì vậy, khi nhắc đến Việt Nam, họ như bắt gặp được người anh em thân quen của mình. Viko nói rằng cao sao vàng của Việt Nam rất tốt, rất chất lượng, tiếc rằng bây giờ thì không còn nữa (ở Việt Nam bây giờ chắc cũng không sản xuất nữa nhỉ?).
Sau màn tán chuyện tình bạn-tình đồng chí giữa 2 nước, Viko hộ tống tôi ra rạp chiếu phim vì cái hẹn xem phim của tôi và Asta cùng bạn của cô nàng. Bị dụ dỗ xem phim giá bèo (7 Litas = 70 nghìn đồng), tôi đã vô cùng hí hửng tuy nhiên kết quả thì thật sự không được như ý lắm. Mặc dù đã được cảnh báo là thể loại phim tranh giải Oscar vô cùng khó hiểu nhưng không ai lường trước được phim này lại khó hiểu và buồn đến độ ai ai trong rạp cũng nước mắt nước mũi tùm lum đến thế. Sau này hỏi Viko tôi mới biết, Dancers in the Dark (tên phim) là thể loại phim rất chọn lọc dành cho sinh viên học ngành phê bình nghệ thuật tại trường đại học của cô nàng.
Một lựa chọn cho teen nào muốn tìm hiểu thêm về nghệ thuật đích thực.
Lúc phim kết thúc đã là 9 rưỡi, bụng ai nấy đều réo ầm ỹ và cuối cùng, nhà hàng Trung Quốc gần rạp chiếu phim là địa điểm dừng chân của chúng tôi. Đã 2 ngày nay tôi không được ăn cơm, trời ơi, với tôi lúc ấy, cơm là món xa xỉ. Với người phương Tây, họ quen ăn cơm với súp cùng rau củ hoặc thịt, ít khi lại ăn cùng với món xào như người Á Đông, chính vì vậy Asta đã rất thích thú khi tôi chỉ cho cô nàng cách trộn cơm vào cùng với đĩa thức ăn mặn.
Cơm trắng với đĩa xào thập cẩm.
Salad nấm Trung Hoa (nói thẳng ra là dưa chuột, cà rốt thái sợi trộn cùng dầu mè, tương ớt và nấm Trung Hoa thì là "anh" mộc nhĩ nhà mình).Mặc dù bản thân thấy cái món này thật là “vô dạng” nhưng với người phương Tây, họ cho rằng đây là một món ăn rất tươi mát (nguyên văn “refreshing”). Ấy vậy nhưng tôi cũng không ngờ là khi về nhà, mẹ của Asta lại mời chúng tôi ăn “ca 2”. Cũng tranh thủ lúc mọi người còn chưa ngủ, tôi phải thuyết phục Asta chụp cho tôi một tấm ảnh kỉ niệm với bố mẹ của cô nàng. Hai bác ấy ban đầu còn ngại ngần, nhưng tôi đã cố gắng nải nỉ cho bằng được. Một điều lúc này tôi mới nhận ra, khi họ thật sự coi trọng bạn, dù chỉ là một tấm ảnh đơn thuần chụp chung với bạn thôi, họ cũng sẽ chuẩn bị rất kĩ càng, ăn mặc chỉnh tề nhất có thể để bạn có một tấm ảnh như ý.
Bánh ngọt và trà cho bữa... đêm.
Tấm ảnh kỉ niệm với bố mẹ Asta. Con sẽ nhớ hai bác lắm. Sáng sớm hôm sau, Asta đưa tôi ra ga để lên Vilnius. Tạm biệt cô nàng, tôi bắt đầu cuộc hành trình “lên thủ đô”. Trên chuyến tàu, ngồi đối diện tôi là một cô nàng với diện mạo rất giống Harry Potter. Nhóc này nhỏ hơn tôi, vẫn đang học cấp 3 và nói chuyện thì tếu táo vô cùng. Nhờ cô nhỏ mà tôi cũng đỡ thấy chán hơn trên chuyến tàu vắng người này.
"Cô nàng Harry Potter" mà tôi không biết tên. Những vị host mới của tôi tại thủ đô đây, 3 cô nàng Tamara, Vejune và Ineta. Mặc dù đã biết trước mình sẽ ở đây với những con người có chất nghệ sĩ đầy mình, tuy nhiên tôi cũng không ngờ rằng, nơi ở mới của mình sẽ đậm chất nghệ thuật đến vậy.
3 cô gái host dễ thương chưa từng thấy (tên lần lượt kể trên).
Cùng những bạn cún. Căn nhà tràn ngập sắc màu và đồ handmade.
Đây là xà phòng Tamara tự trang trí.
Hình vẽ trên chiếc gương được tạo từ... giấy ăn đấy, bạn tin không?
Hành trình khám phá Vilnius của tôi diễn ra trong ngày vào lúc 5h chiều khi Vejune ngỏ ý đưa tôi đến trường đại học của cô - Đại học Vilnius. Đây là một trong những trường đại học lâu đời nhất Đông Âu, là niềm mơ ước của biết bao sinh viên Lithuania, bởi để vào được nơi này, bạn phải có bảng điểm đẹp như mơ cùng với điểm thi đầu vào thuộc dạng đỉnh của đỉnh (nguyên văn “You have to be one of the best"). Vejune là sinh viên học ngành Văn hóa, Ineta đã tốt nghiệp ngành Lịch sử còn cô nàng Tamara thì đang theo học Mỹ thuật diện học từ xa (Distance Studies) tại Đại học Kaunas. Khi nghe họ giới thiệu về ngành học của mình, tôi thật sự thấy như mình có chút duyên phận gì đó dính dáng đến nghệ thuật ở đất nước này.
Nói thêm một chút, vì là lần đầu đi du lịch, tôi vô cùng lo lắng và đã trang bị đồ dùng vô cùng cẩn thận, tiền nong, giấy tờ passport rồi các loại thẻ được “giấu” kĩ trong safety belt đeo trong người. Chả cái dại nào bằng cái dại nào, khi mua vé vào trường (dành cho khách tham quan) tôi mới tá hỏa là thẻ sinh viên vẫn đang cất trong người, không còn cách nào khác đành lần lần luồn luồn mãi mới móc được cái thẻ ra. Vejune thấy cảnh ấy đã rất chân thành cho tôi một lời khuyên: Dù bạn đi đâu, nơi đó có nguy hiểm đến thế nào, bạn cũng nên tỏ ra thật thoái mái, tự tin và tin tưởng vào con người nơi đó, bằng không, tự bạn sẽ khiến mình bị chú ý và chính điều đó mới khiến bạn bị nguy hiểm ("Wherever you go, no matter how dangerous that place can be, just relax, be confident and trust people in that place, if you show people that you are nervous , it can bring you dangers"). Lời khuyên ấy thật sự rất rất hữu ích cho tôi trong cả cuộc hành trình dài này.
Sau khi mua vé vào cửa, chúng tôi lượn một vòng quanh khu học của cô nàng (trường quá rộng và lúc đó quá tối nên chỉ đi được có một khu). Khỏi phải nói, Đại học Vilnius vô cùng hoành tráng, cũng chính vì vậy nó chiếm hẳn 1 con phố dài trong old town, gần phủ tổng thống. Trong trường, còn có hẳn một nhà thờ nữa.
Bảng tin một khoa.
Khu hành lang khoa Nhân văn.
Nhà thờ St. John trong trường đại học.
Cuối ngày là quãng thời gian tôi lượn lờ xung quanh vùng đồi bên kia thành phố, ngó nghiêng cây cầu đầy những chiếc khóa tình của các cặp uyên ương và vào khu Uzupis đọc bản tuyên ngôn “ngộ nghĩnh” chưa từng thấy cùng Ineta.
Cây cầu với những chiếc "khóa tình yêu" đủ kiểu.
Uzupis là một khu vực bên kia bờ sông ở Vilnius. Khu vực này trước đó là nơi ở của rất nhiều người nước ngoài tại Lithuania, họ thậm chí còn lập ra hẳn Quốc gia độc lập Uzupis vào ngày Nói dối 1-4 năm 97, với bản tuyên ngôn riêng và một quân đội khởi nghĩa với... 12 mống quân! Hài hước hơn, bản tuyên ngôn đó có những điều vô cùng buồn cười kiểu như “Mọi con chó có quyền là một con chó” (Every dog has the right to be a dog). Đúng lúc vào đến khu này thì máy ảnh hết pin, thật tệ hại.
Xét cho đến lúc này, hành trình “nhà quê lên tỉnh” vẫn còn rất nhiều điều thú vị đang đợi chờ bạn TOM.
(Còn tiếp)
Bạn có thấy thích thú với chuyến đi "phượt" của TOM (Facebook: Haltom Nguyen) không? Nếu bạn cũng từng có một chuyến du lịch thú vị không kém, tại sao bạn không chia sẻ với chúng tớ nhỉ? Hãy gửi email về doisong@kenh14.vn bạn nhé! |