Học sinh đánh trả thầy giáo: Vì đâu nên nỗi?

, Theo Pháp luật xã hội 00:00 19/02/2014

Khi một học sinh đánh trả thầy giáo của mình thì khi đó, lòng tin của các em đã đổ vỡ trước những người cha, người mẹ thứ 2.

Ngày hôm qua, dư luận lại một lần nữa phải thở dài. Các học sinh, sinh viên, giáo viên,... có may mắn được sử dụng Internet, lại phải chia sẻ cho nhau những đường link không mấy vui vẻ, về văn hóa ứng xử thầy trò...

Một em học sinh còn nhỏ tuổi, năm nay mới học lớp 11 thôi, đã đứng lên đánh thầy giáo của mình trong một tiết học. Thở dài vì cậu bé ở cái tuổi còn quá đỗi thơ dại đấy, lại trở thành một phiên bản thô kệch từ sự hung hăng của người lớn. Thở dài vì đâu đó trên dải đất hình chữ S này, học sinh phải học cách tự vệ trước những đòn roi từ chính người được coi là cha, mẹ thứ 2 của mình.

Thực sự, nhiều người đã chẳng thể giận nổi cậu bé đấy vì hành động một cách bốc đồng và vô lễ với thầy giáo của mình. Thay vào đó, họ xót xa nhiều hơn. Xót xa chứ, sao lại không xót xa cho được khi một học sinh, đáng lý ra phải yêu thương thầy giáo của mình, lại vung tay, vung chân trước chính người thầy đấy. Bạn có nhớ bài học đầu tiên khi chúng ta bước chân vào lớp 1 không? Chúng ta được dạy phải kính trọng thầy cô giáo của mình. Và có xót xa không khi chúng ta nhìn thấy đâu đấy trong bóng hình của cậu bé kia, sự kính trọng đấy đã tan vỡ.

Học sinh đánh trả thầy giáo: Vì đâu nên nỗi?  1

Từ nhỏ, người viết luôn nghĩ, mỗi lớp học là một con thuyền và mỗi thầy cô giáo là một thuyền trưởng. Sẽ thật tốt nếu người làm thầy là một thuyền trưởng giỏi, có thể đưa con thuyền đi đúng hướng và cập bến như dự định. Đẹp hơn cả là người thuyền trưởng ấy có thể truyền cảm hứng cho tất cả những thuyền viên niềm đam mê, sự tò mò thôi thúc muốn nhìn ra và tìm hiểu biển lớn chứ không đơn thuần chỉ là tìm cách cập bến thành công. 

Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu người thuyền trưởng đấy không làm được điều đó? Hình như, câu trả lời đã có trong ngày hôm qua. Trong hình ảnh cậu bé kia vung tay lên đáp trả những cú đánh đúng nghĩa "bôm bốp" của một người đáng lý ra phải truyền cảm hứng cho cậu trong việc làm người. Cậu bé ấy trở thành một hình ảnh phản chiếu từ chính người thuyền trưởng của mình. Con thuyền đi tìm tri thức bỗng chốc trở thành con tàu Mignonette. Buồn biết mấy, phải không bạn?

Jim Henson, người tạo ra thế giới The Muppets, đã nói một câu như thế này: "Những đứa trẻ không nhớ những điều bạn cố dạy chúng. Chúng nhớ bạn là ai". Và có phải, trong trường hợp này, cậu học sinh đó đã chỉ nhớ đến một người thầy với những cú tát thô bạo, thay vì một người thầy với những bài học hay và một tâm hồn rộng mở? Ở vào cái tuổi tâm sinh lý đang phát triển mạnh mẽ, mọi tác động dù là nhỏ nhất từ bên ngoài cũng khiến bản lĩnh của các em lay động. Các em ghi nhớ những hành động của mọi người xung quanh, sẽ cảm động nếu nó tốt và sẽ uất ức nếu chúng bất công. Sự nhạy cảm trong tâm hồn khiến các em trở thành những người dễ bị tổn thương nhất. Và khi sự tổn thương đó trở nên nặng nề, nó sẽ trở thành một sự chống đối. Và dù là sai trái, nhưng nó chính là bản năng của các em - bản năng tự vệ trước những bất công xung quanh mình.

Học sinh đánh trả thầy giáo: Vì đâu nên nỗi?  2

Với những người khác, các bạn có thể sẽ nói: Tại em học sinh đấy hư hỏng nên mới bị đánh. Không, hư hỏng không thể là cái cớ cho việc làm các em trở nên xấu xí trước mặt biết bao bạn đồng trang lứa. Người viết còn nhớ như in câu chuyện của một người bạn. Hồi lớp 9, cô ấy là một học sinh hư trong lớp, lười học và luôn xuất hiện trong những buổi nghịch ngợm của đám bạn. Điểm của cô ấy chưa bao giờ cao và tuần nào cũng có giấy mời phụ huynh đến gặp cô giáo hiệu phó. Nhưng cô vẫn rất thích đọc sách và luôn muốn viết nên những câu chuyện. Trước kỳ thi cuối cấp, cô ấy gặp cô giáo dạy Văn và nói: "Em muốn thi vào lớp Văn của trường Chu Văn An". Cô giáo mở to mắt và nói: "Em? Lớp Văn? Chu Văn An?", và cười một nụ cười méo mó, như thể đó là một điều nực cười nhất thế gian. Giây phút đó là một trong những giây phút sượng sùng nhất thời học sinh của cô ấy. Và dù không có bạn bè nào đứng bên cạnh lúc đó, cô ấy cũng có cảm giác mình muốn tan ra như một vũng nước, thấm sâu vào 9 tầng đất phía dưới. 

Vậy đấy, trong cái tuổi mà sự sĩ diện trước mặt bạn bè quan trọng hơn tất thảy mọi thứ, thì việc bị đánh như một đứa nhóc trước cả lớp là một điều khó mà cậu bé nào có thể vượt qua. Chẳng ai có quyền làm cho cậu bé cảm thấy mình bị sỉ nhục, nhất là một người thầy giáo, người lẽ ra phải là thuyền trưởng vững vàng đưa cậu bé vượt qua những khiếm khuyết của mình.

Bạn hẳn vẫn còn nhớ, từ nhỏ đến giờ, mỗi khi đến trường, bạn thường được đọc những bài báo, những cuốn sách nói rằng: Mỗi ngày đi học, chúng ta phải học đạo đức, học làm người trước khi học kiến thức. Vậy mà, đến ngày hôm qua, bạn phải giật mình khi nhìn thấy cậu bé đấy thô bạo đánh thầy giáo của mình. Điều gì đã khiến cậu bé hành động như vậy? Cậu bé ấy hư hỏng? Cậu bé ấy vô lễ? Có lẽ, bởi đấy rõ ràng là một hành động sai trái. Nhưng điều gì đã dẫn đến sự sai trái đấy? 

Aristotle nói: "Giáo dục cho tâm trí nhưng không giáo dục trái tim thì không còn là giáo dục". Người thầy giáo chỉ dạy kiến thức, nhưng không dạy cách làm người e vẫn còn thiếu sót. Những người học sinh ở đó có đủ can đảm và bản lĩnh để "tự học" cách làm người, hay sẽ trở thành một bản sao của người thầy giáo hay không? Người viết nghĩ, câu trả lời đã có trong ngày hôm qua. Và không biết, còn biết bao nhiêu học sinh, hàng ngày phải chịu đựng sự vô tâm của người lớn như thế, để rồi chính các em vô tình mất đi sự lạc quan vào cuộc sống, và lòng tin của mình đặt vào những người cha, người mẹ thứ 2 bỗng trở nên méo mó?

Và thật buồn khi phải nói rằng, đó là một câu hỏi không có câu trả lời, cũng chẳng có ai có khả năng để trả lời nổi. Đặt ra câu hỏi đó, cũng chỉ là một cách để nói lên sự hoang mang và nỗi buồn trong tất cả chúng ta sau khi xem đoạn clip kia mà thôi.