Cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ của ngành hàng không vũ trụ và 42 phi thuyền các loại được gửi đến sao Hỏa, con người vẫn chưa một lần đặt chân lên hành tinh này. Dự án Mars One có trị giá 6 tỷ USD với tham vọng đưa 4 người đặt chân lên sao Hỏa vào năm 2025 được đánh giá là hoàn toàn khả thi về mặt công nghệ. Khi biết đến chương trình, Quốc Anh đã đăng ký tham gia và xuất sắc vượt qua 200.000 ứng viên ban đầu để trở thành đại diện Việt Nam duy nhất có mặt trong top 100 người được lựa chọn cuối cùng. Nhưng đây là chuyến đi một chiều không trở lại trái đất, vậy điều gì đã khiến chàng trai này “bất chấp” để tham gia?
Họ và tên: Vũ Xuân Linh (tên thường gọi là Quốc Anh) Sinh năm: 1982 Cựu sinh viên lớp Kỹ sư tài năng K46 ĐH Bách Khoa Hà Nội Học thạc sĩ CNTT tại Đại học Columbia New York , Hoa Kỳ Hiện đang hoạt động trong lĩnh vực Marketing |
Chinh phục vũ trụ là “ước mơ đẹp đẽ mà xa vời nhất trong các loại ước mơ”
Thời gian học thạc sĩ CNTT tại Đại học Columbia New York, Hoa Kỳ cũng chính là lúc Quốc Anh đăng ký tham gia Mars One vì quá hứng thú. “Từ trước đến nay chương trình vũ trụ của nước nào thì chỉ công dân của nước đó mới được làm nên mình nghĩ đây là loại hình chương trình duy nhất hiện nay công dân những nước đang phát triển có thể tham gia”.
Đam mê chinh phục vũ trụ chính là lý do lớn nhất khiến Quốc Anh không ngần ngại mà nhanh tay ghi tên mình vào danh sách đăng ký sau khi chương trình tổ chức họp báo. Với Quốc Anh, “ước mơ chinh phục vũ trụ thì mình nghĩ rất nhiều cậu bé, cô bé đều có. Đó là một loại ước mơ đẹp đẽ mà xa vời nhất trong các ước mơ”.
Chia sẻ về quá trình tham gia dự án Mars One, Quốc Anh cho biết: “Quá trình tuyển chọn bao gồm nộp hồ sơ và khám sức khỏe, vòng gần đây nhất là kiểm tra kiến thức về sao Hỏa và tâm lý. Những người có tâm lý không vững vàng, quá kỳ vọng hoặc có suy nghĩ không thực tại thời điểm này đã bị loại”.
Quốc Anh rất phấn khích khi được chọn vào vòng 100 người. “Có lúc mình còn đùa, đây sắp thành “Đấu trường sinh tử”, vì các đội sẽ đấu để loại nhau ra. Theo kế hoạch, ở vòng 100 người này, các nhóm 4 người sẽ thi đấu để thể hiện tinh thần làm việc và sống sót theo nhóm. Vòng tiếp theo, khi chỉ còn 24 người, các ứng viên sẽ được huấn luyện phi hành gia, học các chương trình về kỹ thuật, y học, tâm lý, nông nghiệp hiện đại. Mỗi người sẽ phải học ít nhất 2 chuyên môn cần thiết và mỗi chuyên môn sẽ phải có 2 người trong nhóm 4 người nắm được, đề phòng trường hợp 1 người bị ốm, bị thương không thể thực hiện được.
Các ứng viên cũng sẽ được đào tạo và thử thách tâm lý, 1 trong các chương trình thử nghiệm sẽ là cách ly các ứng viên một thời gian dài định kỳ mỗi năm trong môi trường sống khép kín, biệt lập, có thể là dưới lòng đất, ở Nam Cực, giữa sa mạc,... Một điểm nữa là nếu có ứng viên trong nhóm rút lui vào bất kỳ thời điểm nào thì cả nhóm 4 người sẽ bị loại và thay thế. Do họ đã cùng tham gia tập luyện với nhau, 1 người bỏ cuộc sẽ gây mất cân bằng cho cả nhóm, và nhóm đó sẽ không chọi lại được các nhóm khác. Nhóm xuất sắc nhất trong 6 nhóm cuối cùng sẽ được chọn là 4 người đầu tiên xuất phát đi sao Hỏa”.
"Một đi không trở về" chưa bao giờ là quyết định bồng bột
Theo các chuyên gia, dự án Mars One hoàn toàn khả thi về mặt công nghệ, nhưng những người được chọn sẽ phải chuẩn bị tâm lý vì đây là chuyến bay “một đi không trở lại”. Khi đặt câu hỏi này với Quốc Anh, anh chia sẻ: “Mong muốn rời xa Trái Đất mãi mãi thì chắc chẳng ai muốn thế, nhưng với công nghệ hiện tại không thể mang đủ nhiên liệu lên sao Hỏa (vì rất nặng) để bay về, thì việc bay một chiều là điều những phi hành gia Mars One phải chấp nhận”.
Có lẽ với nhiều người thì đây là quyết định bồng bột và có phần liều lĩnh, nhưng với Quốc Anh thì không như thế. “Nếu chuyến đi này bắt đầu ngay ngày mai mà mình không bàn bạc với ai, không chuẩn bị gì, không kiểm tra xem chuyến đi này thực hư thế nào thì đó là bồng bột. Nhưng đây là một chương trình dài hơi, cả phía ban tổ chức lẫn ứng viên phi hành gia đều sẽ phải hoàn thành từng bước chuẩn bị của mình. Nếu đến được giai đoạn đặt tàu lên bệ phóng, Quốc Anh đang lo người ta sẽ giành nhau mà đi ấy chứ!” - Anh nói.
“Bố mẹ mình khi biết mình được vào vòng 2 thì tá hỏa lên, chị mình thì ủng hộ ước mơ của mình, còn vợ thì hiện vẫn chưa… cấm, bạn bè đa phần là hứng thú và tò mò. Vậy nên, ở thời điểm hiện tại, mình vẫn chưa phải đấu tranh giữa gia đình và ước mơ gì cả."
Cảm thấy vui vì bỗng dưng có nhiều người hâm mộ
Chưa biết liệu bản thân có thể trở thành 1 trong 4 người được lên sao Hỏa hay không, nhưng từ khi tham gia Mars One, Quốc Anh đã nhận được rất nhiều thứ. Anh
có thêm rất nhiều bạn trên khắp thế giới, có vinh dự được tiếp xúc với các hãng thông tấn hàng đầu thế giới và đặc biệt là sự “hâm mộ” mà anh nhận được thông qua trang
Facebook cá nhân".
"Với cuộc sống mỗi người, 10 năm là một chặng đường dài và sẽ chỉ còn 4 người cuối cùng nên đa số các ứng viên đều duy trì các công việc chuyên môn của mình. Mình cũng đã có gia đình, nên việc chăm sóc bố mẹ, vợ và sau này là nuôi nấng dạy dỗ con cái vẫn là những việc mình đang và sẽ làm. Khi có yêu cầu cụ thể, chương trình sẽ báo trước lịch trình để ứng viên sắp xếp".
Điều khiến Quốc Anh nuối tiếc nhất cuộc sống ở Trái đất chính là gặp gỡ trực tiếp. "Dù công nghệ hiện đại giúp con người có thể liên lạc với nhau qua Internet ngay cả khi ở trên sao Hỏa, nhưng việc gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp, bắt tay nhau… vẫn có giá trị tinh thần gấp nhiều lần và chưa gì có thể thay thế được. Ngay cả khi công nghệ truyền tín hiệu não bộ được hoàn thiện giúp con người truyền được cảm giác qua Internet thì việc truyền cảm giác tức thời với người ở sao Hỏa vẫn không thực hiện được, vì độ trễ giữa sao Hỏa và Trái đất là 7 phút”.
Không biết liệu Quốc Anh có xuất sắc trở thành 1 trong 4 người cuối cùng lên đường khám phá sao Hỏa hay không, nhưng khát khao chinh phục và những nỗ lực để thực hiện đam mê của anh chắc chắn đã khiến nhiều người nể phục. Đam mê sẽ mãi chỉ là đam mê nếu nó đứng yên trong đầu ngày này qua ngày khác, phải tới lúc bắt tay vào hành động, lúc đấu tranh giữa được và mất, lúc cố gắng hết sức để giành được nó thì hai chữ “đam mê” mới thực sự có giá trị với mỗi người.
Thông tin về chương trình Mars One: Mars One được khởi xướng bởi Bas Lansdorp, một doanh nhân người Hà Lan với mục đích gây quỹ để áp dụng các công nghệ vũ trụ hiện có nhằm thiết lập một trạm định cư đầu tiên của loài người trên Sao Hoả. Cho đến nay, sau nửa thế kỷ của ngành hàng không vũ trụ và 42 phi thuyền các loại được gửi đến Sao Hoả, vẫn chưa có con người đặt chân lên hành tinh này. Lần đầu tiên con người đặt chân lên thiên thể ngoài trái đất cũng đã gần 50 năm (1969 kể từ khi Louis Amstrong lên mặt trăng). Cùng tham gia với Bas vào dự án táo bạo này còn có Arno Wielders, đã từng làm ở Cục Không gian Hà Lan và Tiến sĩ Y học Nobert Kraft, chuyên viên nghiên cứu Tâm Lý tại NASA. Mars One là một chương trình dài hơi, kéo dài hơn 10 năm từ 2013 đến 2026 và sau đó. Tổng kinh phí ước tính cho chương trình là 6 tỷ đô-la Mỹ, và bao gồm các chặng sau: Từ 2013 đến nay: tuyển chọn các phi hành gia. Điểm đặc biệt của chương trình này là bất kỳ công dân nước nào có đủ sức khoẻ, kiến thức và năng lực hành vi đều có thể tham gia ứng tuyển. Đã có hơn 200 ngàn người đăng ký từ trên 150 quốc gia. Đến thời điểm này, chỉ còn 100 ứng viên (50 nam, 50 nữ) được lựa chọn. Các ứng viên này sẽ lập thành các nhóm 4 người (2 nam, 2 nữ) và thi đấu với nhau để chọn ra 6 nhóm đi tiếp vào vòng sau. Hình thức thi đấu hiện chưa được công bố, nhưng dự kiến sẽ bao gồm các vòng thi nhằm thể hiện khả năng làm việc và sống sót theo nhóm. Tại vòng 4, các đội sẽ trải qua các quy trình tập luyện khắc nghiệt đều đặn trong suốt 8 năm cho đến khi phi thuyền sẵn sàng để đưa MỘT đội xuất sắc nhất lên sao Hoả. Song song với việc tuyển chọn phi hành gia, các công tác kỹ thuật cũng sẽ được tiến hành: 2018: Phi thuyền thử nghiệm và vệ tinh viễn thông sẽ được gửi lên sao Hoả 2022: Phi thuyền chở nhu yếu phẩm sẽ được phóng lên 2023: Trạm sao Hoả sẽ được vận hành 2024: Đội 4 người đầu tiên sẽ khởi hành đi Sao Hoả 2025: Đội 4 người trên sẽ đặt chân tới Sao Hoả 2026: Đội 4 người tiếp theo sẽ khởi hành từ Trái Đất Toàn bộ diễn biến của Mars One dự kiến sẽ được các hãng thông tấn trên thế giới đưa tin và đây cũng là một trong các phương thức gây quỹ của chương trình. 6 tỷ đô la tuy lớn song là một con số nhỏ so với kinh phí hàng trăm tỷ đô la nếu được thực hiện bởi các cơ quan vũ trụ của bất kỳ quốc gia nào. Các nhà sáng lập Mars One hy vọng bằng truyền thông và sự tiến bộ công nghệ của các công ty tư nhân như SpaceX, Lockheed Martin,… để tối ưu kinh phí của chương trình.
|