Độc tố trong pate Minh Chay là loại mạnh nhất, một liều nhỏ có thể gây chết người

Minh Nhân, Theo Báo dân sinh 19:07 01/09/2020

Bác sĩ đến từ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết loại vi khuẩn trong pate Minh Chay có độc tố mạnh nhất, ngấm vào hệ thần kinh, làm cho các cơ bị liệt, chỉ một liều lượng nhỏ có thể gây chết người.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chiều 1/9 thông tin về 2 ca bệnh chuyển từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương ngày 18/8, chẩn đoán ban đầu ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố Clostridium botulinum (C. botulinum).

2 vợ chồng 68 và 70 tuổi, đều sử dụng sản phẩm pate Minh Chay (Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới) mua trên mạng, lần ăn gần nhất vào cuối tháng 7.

Sau khi ăn lọ thứ nhất, 2 người không thấy có biểu hiện gì lạ. Tuy nhiên, lọ thứ 2 xuất hiện mùi lạ, họ vẫn ăn. Pate chay trong lọ đang ăn dở được cơ quan chức năng xét nghiệm, tìm thấy vi khuẩn C. botulinum.

Triệu chứng lâm sàng của 2 vợ chồng tương tự nhau, nhập viện trong tình trạng sụp mi, khó nuốt, liệt cơ tứ chi, khó thở và suy hô hấp. 18 ngày trước, họ nói khó, đau họng, nói khàn, yếu chân tay, không sốt, không đau đầu, không có gì thay đổi về cảm giác, không có tiền sử chấn thương. 

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vi khuẩn ngộ độc C. botulinum chỉ gây ngộ độc khi người bệnh ăn các thức ăn được đóng kín trong đồ hộp (thịt hộp, patê hộp...) chứa loại vi khuẩn kỵ khí sinh hơi này.

Dấu hiệu nhận biết đồ hộp có thể chứa C. botulinum là các đồ hộp bị phồng (do vi khuẩn sinh hơi). Nếu ăn vào sau 4-6h sẽ xuất hiện các triệu chứng thần kinh như: mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ, khó nuốt, khó thở nếu liệt cơ hô hấp, nặng có thể tử vong. Bệnh này không gây nôn, tiêu chảy mất nước như các bệnh ngộ độc thực phẩm khác (độc tố tụ cầu, salmonella...). Bệnh tiến triển rối loạn tiết nước bọt, khô miệng, khó nuốt, nói khó, nói khàn, rối loạn ngôn ngữ... thậm chí liệt toàn thân, tắc ruột cơ năng.

"Đây là vi khuẩn có độc tố mạnh nhất, ngấm vào hệ thần kinh, làm cho các cơ bị liệt. 1,3-2,1ng/kg (liều rất nhỏ) có thể gây chết người", bác sĩ Cường nói.

C. botulinum được biết đến từ lâu, gây bệnh lẻ tẻ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Một tháng qua, cả nước có hơn 10 ca. Người nhiễm có thể ngộ độc qua đường tiêu hóa là ăn uống, đường hô hấp hít thở hoặc xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch.

Thời gian ủ bệnh trung bình 12-36h. Bệnh có thể kéo dài, tỷ lệ tử vong từ 7-10%, được đánh giá là con số cao. Nếu không được phát hiện và chữa trị sớm, tỷ lệ này có thể tăng lên.

Ngoài ra, 50% ca bệnh phải đặt ống nội khí quản, thời gian thở máy trung bình 6-8 tuần. Trong trường hợp chẩn đoán hoặc nghi ngờ ngộ độc botulinum, bệnh nhân nên nhập viện ngay lập tức, ngay cả khi chẩn đoán và/hoặc các xét nghiệm đang chờ xử lý. Nếu nghi ngờ ngộ độc botulinum, bệnh nhân cần được điều trị ngay bằng liệu pháp kháng độc tố để giảm tỷ lệ tử vong. Việc đặt nội khí quản ngay lập tức cũng được khuyến khích vì suy hô hấp là nguyên nhân chính gây tử vong do ngộ độc thịt.

Trao đổi với báo chí ngày 31/8, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết bệnh viện đã nhập từ Thái Lan 2 lọ thuốc giải độc, có giá lên tới 8.000 USD (khoảng 185 triệu đồng), được Tổ chức Y tế Thế giới tài trợ. Với những bệnh nhân nhẹ hơn, bệnh viện sẽ điều trị bổ trợ là chính, do đã hết thuốc giải độc nêu trên, hơn nữa biểu hiện bệnh của bệnh nhân nhẹ hơn.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo khẩn cấp, người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu còn sản phẩm sau: Pate Minh Chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, Giò lụa lúa mì, Muối lạc truyền thống, Chả quế lúa mì, Muối vừng bát bảo, Giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi.

Đối với người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi kịp thời.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày