Năm 2021, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế hợp tác trùng tu, phục dựng di tích này. Đến nay, công tác trùng tu cơ bản hoàn thành, di tích lịch sử và cảnh quan nơi đây trở thành điểm
Được mệnh danh là đệ nhất hùng quan, từ lâu, Hải Vân quan là điểm dừng chân quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế mỗi khi di chuyển bằng đường bộ. Hải Vân quan do nhà Nguyễn xây dựng ở vị trí hiểm yếu nhất, khu vực chia tách thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế để dễ kiểm soát đường bộ Bắc - Nam và vịnh Đà Nẵng. Trải qua chiến tranh, thời gian lâu dài, di tích nằm ở độ cao 490m so với mực nước biển đã xuống cấp nghiêm trọng, nhếch nhác.
Tình trạng di tích trước khi trùng tu, Hải Vân quan xuống cấp nghiêm trọng
Nhiều lần ghé chân Hải Vân quan cùng gia đình, bà Trần Thị Ngọc Yến ở thành phố Đà Nẵng bày tỏ: “Khi chưa trùng tu, hàng năm tôi vẫn lên đây tham quan. Gia đình và người thân thấy khi đó rất rêu phong,nhếch nhác, nói thật là cảm thấy rất là buồn. Hôm nay, Hải Vân quan đã rất sạch sẽ, nguy nga và đi vào lòng người”.
Một hạng mục của Hải Vân quan vừa trùng tu hoàn thiện
Cuối năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp thực hiện Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan, tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Dự án trùng tu cụm di tích này theo đúng nguyên gốc Triều Nguyễn. Theo đó, các di tích như Hải Vân quan, Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, hệ thống tường thành nhà Nguyễn, nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố, tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía thành phố Đà Nẵng và tuyến đường Thiên Lý từ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đi tỉnh Thừa Thiên Huế… được trùng tu bài bản.
Các lô cốt được trùng tu, bảo tồn
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng đánh giá: việc trùng tu có sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khảo cổ học, thư tịch học, cho thấy sự nghiêm túc, tỉ mỉ trong phục dựng di tích. Hiện nay, có thể thấy một số lô cốt được xây dựng trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ cũng đã được giữ lại nguyên trạng.
Tại Hải Vân quan thường có sương mù bao phủ
Theo ông Bùi Văn Tiếng, các đơn vị thi công đã cố gắng tìm được những nguyên liệu gần với nguyên bản nhất: “Hai địa phương đã rất cẩn trọng trong việc trùng tu di tích. Có sự đóng góp của khảo cổ học, thư tịch học và từ đó nhiều hạng mục trước đây không còn thì bây giờ cũng đã được phục dựng, điều này nói lên thông điệp lịch sử luôn là dòng chảy liên tục. Di tích Hải Vân quan được trùng tu như hôm nay sẽ trở thành điểm nhấn về du lịch, tìm hiểu vẻ đẹp núi Hải Vân nói chung và Hải Vân quan nói riêng”.
Đến nay, 95% di tích Hải Vân quan được trùng tu
Sau hơn 2 năm trung tu, Hải Vân quan đã được trả lại vẻ bề thế, uy nghi của hệ thống phòng thủ quan trọng phía Nam kinh thành Huế thời Nguyễn với các hạng mục như nhà vũ khố, nhà trú sở, các cửa ải, chòi canh, tường thành bằng đá... Dù chưa mở cửa đón khách tham quan nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt khách trong nước và quốc tế ghé thăm điểm đến đặc biệt trên đỉnh đèo Hải Vân này.
Một du khách nước ngoài đến tham quan bày tỏ: “Đây là một di tích lịch sử rất quan trọng và rất đáng kinh ngạc. Từ trên đỉnh này có thể chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và tuyệt đẹp. Thật sự tôi rất ấn tượng với địa danh này và hy vọng sẽ có nhiều lần tham quan thắng cảnh độc đáo này”.
Hải Vân quan, điểm đến mới hấp dẫn người dân và khách du lịch
Dự kiến, quần thể Di tích cấp quốc gia Hải Vân quan sẽ hoàn thành trong Quý I năm nay và sớm được đưa vào khai thác, phục vụ người dân, du khách. Không chỉ trả lại danh xưng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, trả lại vóc dáng nguyên bản cho công trình phòng thủ quan trọng thời Nguyễn này, việc phục dựng Hải Vân quan cũng đánh dấu lần đầu tiên một di tích quốc gia được các địa phương có liên quan phối hợp chặt chẽ với nhau cùng quản lý, trùng tu và hướng tới khai thác có hiệu quả.
Công nhân đang sơn lại các cánh cổng gỗ
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng tham gia Dự án trùng tu Hải Vân quan cho biết: “Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cũng như Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã phải lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học để từ đó đưa ra giải pháp trùng tu. Và đến hôm nay công việc trùng tu đã hoàn thành gần 95%. Di tích lịch sử Hải Vân quan sau khi tu bổ, phục hồi, hai địa phương sẽ bắt tay xây dựng quy chế khai thác, quản lý và vận hành phục vụ khách du lịch cũng như nhân dân giữa 2 địa phương”.
Một số hình ảnh Di tích Hải Vân quan sau trùng tu: