“Samurai thượng thừa” của điện ảnh Nhật Bản

Fourmis, Theo Pháp luật xã hội 00:01 28/11/2013

Được trao tặng rất nhiều giải thưởng cao quý trong đó có huân chương Bắc đẩu bội tinh của Nhà nước Pháp và Giải Oscar Thành tựu trọn đời, Akira Kurosawa (1910 – 1998) được mệnh danh là "Hoàng đế điện ảnh của xứ Phù Tang".


Tài năng của Akira Kurosawa được bộc lộ rõ nét nhất ở thể loại phim về các võ sĩ đạo (Samurai) với hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng như Rashomon (La Sinh Môn), Seven Samurai (Bảy võ sĩ), Ran (Lãnh Chúa Hidetora Ran), Throne of Blood (Ngai vàng đẫm máu), Yojimbo (Vệ sĩ). Ông cũng là người đã đưa điện ảnh Nhật Bản đến với công chúng phương Tây. Giống như “gã lập dị” Woody Allen, vị đạo diễn đáng kính không thích nói về bộ phim của mình sau khi đã hoàn thành. “Nếu những gì tôi nói trong phim là thật, mọi người sẽ hiểu”, ông giải thích. Tuy nhiên, ông lại rất thích nói về quá trình làm phim, điều này được Akira Kurosawa đề cập trong cuốn hồi ký của mình.

Như một người thợ thủ công cẩn thận và chu đáo, Akira Kurosawa luôn biết cách làm cho bộ phim của mình hấp dẫn từ đầu đến cuối. Ông luôn tin rằng một nhà biên kịch tốt là điều tiên quyết để trở thành một nhà làm phim thành công. “Với một kịch bản tốt, một đạo diễn có tài sẽ tạo nên một kiệt tác. Cùng kịch bản ấy, đạo diễn xoàng có thể làm ra một bộ phim khá. Nhưng với một kịch bản kém, kể cả là một đạo diễn tài năng nhúng tay vào cũng không cách nào làm cho bộ phim thuyết phục và thú vị”, Akira Kurosawa nói. Cũng theo người hùng của điện ảnh châu Á, một đạo diễn phải biết tất cả mọi thứ về phim ảnh, quá trình và ý tưởng làm phim của các đàn anh mẫu mực. Và kịch bản, như một hạt giống tốt hứa hẹn mùa màng nảy nở, bội thu. Đây là yếu tố để phân biệt các đạo diễn lớn với các đạo diễn xoàng. Chính vì thế, Akira Kurosawa luôn tự tay vật lộn với các trang kịch bản để có thể nắm được cả phần xác và phần hồn của tác phẩm điện ảnh.

“Samurai thượng thừa” của điện ảnh Nhật Bản 1
Như một người thợ thủ công cẩn thận và chu đáo, Akira Kurosawa luôn biết cách làm cho bộ phim của mình hấp dẫn từ đầu đến cuối

Vẫn chưa thỏa mãn với bản thân, Akira Kurosawa liên tục tìm cách thâm nhập vào đời sống, nắm bắt những khoảnh khắc sống động nhất của thế giới. Vị đạo diễn bậc thầy luôn kè kè một cuốn sổ ghi chép để có thể ghi và đọc những ý tưởng bất cứ nơi đâu. Thời gian còn là một trợ lý đạo diễn, ông đã luôn kỷ luật bản thân ít nhất phải viết được 1 trang kịch bản mỗi ngày. Và bao giờ cũng vậy, Akira Kurosawa luôn phá kỷ lục khi viết được tới 2 – 3 trang mỗi ngày. Với ông, viết kịch bản cũng giống như sáng tác một bản giao hưởng, câu chuyện cần tới 3 – 4 đoạn chuyển tiếp với nhịp độ khác nhau.

Điểm đặc biệt trong phong cách làm phim của Akira Kurosawa là ở chỗ ông ít coi trọng đối thoại trong các tác phẩm điện ảnh. Theo ông, máy quay, ánh sáng, các chỉnh sửa và nhất là biểu cảm, chuyển động của các diễn viên sẽ thể hiện tốt hơn lời nói thông thường. Từ khi còn trẻ, Akira Kurosawa đã yêu thích phong cách phim câm nên khi đã trở thành một nhà làm phim thực thụ, ông hạn chế đối thoại để tạo điều kiện cho các phương thức biểu hiện khác lên ngôi. Với Akira Kurosawa, đối thoại không phải là chiếc thang bắc tới mục đích. Ngay khi đang hoàn thiện kịch bản, ý tưởng về âm nhạc, hiệu ứng âm thanh cũng đã xuất hiện trong đầu Akira Kurosawa, điều mà không phải người thường nào cũng làm được.


“Samurai thượng thừa” của điện ảnh Nhật Bản 2
Seven Samurai và Rashomon là hai tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp của Akira Kurosawa

Coi trọng kịch bản nhưng Akira Kurosawa cũng là một nhà làm phim có tư tưởng rất rộng mở. Những năm 1940, ông mời thêm hai nhà biên kịch làm việc nhóm với mình nhằm tạo ra sự phong phú, đa dạng cho kịch bản. Những năm sau đó, vị đạo diễn xuất chúng rời rời Tokyo sau khi hoàn thành một bộ phim. Về nhà hoặc tìm một quán trọ ở Kyoto, nơi không bị quấy rầy, ông thư giãn và tiếp tục viết một kịch bản mới trong vài tuần kế tiếp. Ông thường thức dậy sớm, ăn sáng, sau đó quay về phòng và viết cho tới 6 giờ tối.

Là một nhà làm phim có tư tưởng hết sức hiện đại, Akira Kurosawa không cho phép quá lạm dụng quan điểm cá nhân vào một tác phẩm điện ảnh. Điều này thể hiện rất rõ ở bộ phim nổi tiếng Seven Samurai. Ông chỉnh sửa các phân đoạn ngay trong quá trình làm phim, nhờ đó sản phẩm cuối cùng gần như đã được trau chuốt, gần như hoàn chỉnh.

“Samurai thượng thừa” của điện ảnh Nhật Bản 3
“Samurai thượng thừa của điện ảnh Nhật Bản”

Như những nhà làm phim lâu năm khác, Akira Kurosawa cũng phải đối mặt với những giai đoạn thua lỗ, khó khăn về tài chính. Đỉnh điểm là vào những năm 1965, khi bộ phim Dodeskaden thất bại, Akira Kurosawa đồng thời đánh mất tình bạn lâu năm với diễn viên Toshiro Mifune. Nhà làm phim xuất chúng đã lâm vào tình trạng nghiện rượu và trầm cảm. Ông trở nên khép kín và chỉ làm việc với vài cộng sự thân cận. Sau đó, cuộc hợp tác làm phim với Hollywood thất bại do khác biệt về quan điểm nghệ thuật khiến Akira Kurosawa đi tới cùng quẫn, tự tử nhưng may mắn sống sót. Tuy nhiên, ông luôn giữ vững vị trí “Hoàng đế của điện ảnh Nhật Bản”, luôn “chiến đấu” đến tận cùng với những khó khăn trong việc làm phim bằng cả sự khó tính, cầu toàn và chuyên nghiệp của bản thân. Cuối cùng, khi bộ phim Derzsu Uzala (Thợ săn) giành được giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất, được đà, Akira Kurosawa đã liên tiếp thực hiện hàng loạt bộ phim hay nhất trong sự nghiệp của ông.

Dường như làm phim là toàn bộ ý nghĩa cuộc đời của “Samurai thượng thừa của điện ảnh Nhật Bản”, Akira Kurosawa, như những cuộc chinh phạt là lý tưởng sự nghiệp của những chiến lược gia quân sự vĩ đại trong lịch sử. LHP quốc tế Tokyo hàng năm đã dành một giải thưởng mang tên Akira Kurosawa trao cho những nhân vật điện ảnh có phong cách sáng tạo cùng với những bộ phim đậm tình người và có tinh thần giải trí. Đạo diễn Trung Quốc, Trần Khải Ca và đạo diễn Nga,  Nikita Mikhalov là những nhân vật từng có vinh dự nhận giải thưởng danh dự này.