Doanh nghiệp tìm mọi cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp

THY HUỆ/VTC News, Theo VTC News 12:10 02/12/2022
Chia sẻ

Luân chuyển công nhân giữa các nhà máy, tăng cường marketing, chia sẻ đơn hàng... là những giải pháp các doanh nghiệp làm để cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp.

Trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Vui, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thái Bình (TBS Group; trụ sở chính tại TP Dĩ An, Bình Dương) cho biết, sau dịch COVID-19 và ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, đơn hàng xuất khẩu đang bị ảnh hưởng chung, TBS Group không ngoại lệ. Hiện, doanh nghiệp đang đau đầu trong việc tìm giải pháp để công nhân không rơi vào cảnh thất nghiệp.

Tuy nhiên, do TBS Group là doanh nghiệp đa ngành nghề nên may mắn còn có một số mặt hàng khác "cứu vớt".

"Nói chung cũng tùy theo mặt hàng. Ví dụ như gia công, sản xuất giày thì chúng tôi bị ảnh hưởng khá nặng, còn gia công, sản xuất túi xách vẫn may mắn giữ được lượng đơn hàng ổn định", bà Vui nói.

Doanh nghiệp tìm mọi cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp - Ảnh 1.

Nhà máy gia công, sản xuất giày của TBS Group.

Lý do bà Vui đưa ra là tại Việt Nam, các công ty sản xuất, gia công giày hiện khá nhiều, trong khi đó sản xuất túi xách còn ít nên đơn hàng túi xách không bị cạnh tranh nhiều. Dù vậy, với 18 nhà máy sản xuất giày, vấn đề giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn công nhân đối với TBS Group hiện đang trở nên nan giải hơn bao giờ hết.

Sau nhiều ngày họp bàn để đưa ra các phương án giải quyết việc làm cho người lao động, công ty quyết định luân chuyển công nhân giữa các nhà máy với nhau.

"Chúng tôi đang lấy một phần người lao động bên giày qua túi xách, nhưng cũng không được nhiều, vì tính chất công việc không phải ai cũng làm được, tùy tay nghề. Thành ra chúng tôi chỉ còn cách cố gắng hết sức, linh hoạt tạo điều kiện vừa làm vừa học việc, bằng mọi cách giảm tối thiểu tỷ lệ người lao động mất việc", bà Vui cho hay.

TBS Group được thành lập từ năm 1989, với xuất phát điểm là một xưởng da giày nhỏ, tới nay được biết đến là một tập đoàn đa ngành hoạt động ở 6 lĩnh vực gồm: Sản xuất công nghiệp da giày, sản xuất công nghiệp túi xách, đầu tư và quản lý hạ tầng công nghiệp, cảng - logistics và du lịch - thương mại - dịch vụ.

Hiện, TBS Group đang sở hữu 18 nhà máy sản xuất giày, 3 nhà máy sản xuất đế, 8 nhà máy sản xuất túi trên khắp Việt Nam, tạo việc làm cho khoảng 40.000 người lao động. Ngoài ra, công ty còn có 2 nhà máy tại Myanmar và Indonesia, văn phòng đại diện tại Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, 5 trung tâm phát triển sản phẩm.

Ông Vũ Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát JOY (TP Dĩ An, Bình Dương) cho biết, thời điểm này các năm trước, công ty phải căng bảng tuyển dụng để kịp các đơn hàng cuối năm. Thế nhưng năm nay, dù đã đưa ra nhiều ưu đãi với các đối tác, đơn hàng vẫn giảm mạnh.

Đơn hàng giảm, thay vì tăng ca như mọi năm, hiện công ty đã phải cắt hẳn giờ tăng ca. Để giữ được giờ làm chính cho người lao động, công ty phải huy động bộ phận marketing làm việc hết công suất để tìm kiếm đơn hàng mới.

Doanh nghiệp tìm mọi cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp - Ảnh 2.

Doanh nghiệp tìm mọi cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp. (Ảnh: Thy Huệ)

"Tình hình chung nên cũng phải chấp nhận thôi, nhưng thương là thương cho công nhân, gần cuối năm mà mất việc thì tội lắm. Thực tình chúng tôi hiện cũng không biết làm sao để cứu vãn, chỉ còn cách đẩy mạnh marketing thôi. Khi marketing tốt may ra mới có đơn hàng mới, vậy mới có việc cho công nhân", ông Hậu nói với PV VTC News.

Còn theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, nhiều ngày nay các doanh nghiệp vẫn đang đau đầu, cùng nhau họp để tìm phương án khắc phục tình trạng cạn đơn hàng. Các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra nhiều ưu đãi cho phía đối tác là các khách hàng nước ngoài nhưng không khả thi.

"Trước tình hình hiện tại, để duy trì hoạt động và giữ chân công nhân, chúng tôi buộc phải đi tìm những đơn hàng nhỏ, giảm bớt chuyền hoặc giảm giờ làm và đợi thị trường phục hồi. Các doanh nghiệp trong hiệp hội đang cố gắng hợp tác với nhau, chia sẻ đơn hàng với nhau để giữ công nhân", ông Lâm cho biết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày