Người người kinh doanh, nhà nhà kinh doanh
"Vào Sài Gòn sống được 5 năm, cũng từng chuyển địa điểm thuê nhà nhiều lần nhưng tôi nhận thấy dù có đi đâu thì hàng ăn uống tại đấy vẫn tấp nập, đếm không xuể. Mỗi ngày đi từ nhà đến chỗ làm chừng 3km thôi, nhưng số quán ăn "mặt tiền" đếm sơ sơ cũng lên đến hàng trăm, đấy là chưa kể đến một số đơn vị còn kinh doanh trong các con hẻm", chị Hoàng Trinh, nhân viên ngân hàng tại Quận 3 (TP.HCM) không còn lạ lẫm gì với số lượng hàng quán đông nghịt tại mảnh đất Sài thành.
Dân số tăng nhanh ở nhiều phân khúc, đối tượng từ sinh viên, công nhân, doanh nhân… cộng với chất lượng cuộc sống cải thiện đẩy nhu cầu ăn uống trở nên đa dạng. Người ta có thể bắt gặp ở một thành phố năng động như TP.HCM những nhà hàng sang trọng tại tuyến đường sầm uất bậc nhất cho đến điểm bán vỉa hè cho sinh viên, hay hình ảnh gánh hàng bên vỉa hè với bánh mì, bánh giò, cơm tấm… đã trở thành một nét đặc trưng ở Việt Nam khó tìm thấy ở đất nước khác.
Quán ăn nhỏ lẻ đã trở thành hình ảnh quen thuộc trên khắp tuyến phố Sài Gòn
Cùng với đó, hình thức kinh doanh hộ gia đình ngày càng phổ biến với xu hướng "nhà làm". Lý giải cho điều này, chị Mai Hoa, chủ tiệm ăn vặt ở quận 10 cho hay: "Ngon, bổ, rẻ vẫn chưa đủ, bây giờ phải sạch nữa thì khách mới mua. Các quán ăn gia đình nhỏ lẻ với "công thức nhà làm" cũng từ đó mà trở nên thịnh hành do đánh trúng tâm lý trên của đại đa số thực khách".
Hơn thế, sự bùng nổ của các dịch vụ đặt món tuyến càng tạo động lực cho các hàng quán nhỏ lẻ, hộ kinh doanh gia đình, điển hình như tiệm ăn của chị Mai Hoa, chỉ cần sở hữu một công thức món ăn riêng, hợp khẩu vị và giá cả hợp lý đã có thể "tự tin" thuê một mặt bằng để kinh doanh, thậm chí một số còn bán qua hình thức online. Lượng hàng quán cũng từ đó mà tăng lên chóng mặt.
Công nghệ vào cuộc
"Khoảng nửa năm trở lại đây, mỗi ngày quán tôi ước tính bán đến hàng nghìn đơn hàng, trong đó phần lớn đơn hàng là bán online qua các ứng dụng, chủ yếu là khách từ GrabFood", cô Hồng Thu, chủ tiệm cơm gà 142 (quận 8, TP. HCM) nổi tiếng cho hay.
"Trước đây quán thuê 10 mặt bằng để bán cho đủ số đơn hàng, nhưng hiện tại chỉ cần 4 mặt bằng cũng đạt doanh thu tương tự. Chỉ cần mở máy POS (thiết bị kiểm nhận đơn), lập tức đơn hàng đổ về liên tục, tính theo phút. Mỗi 25 đơn, quản lý tiệm phải tắt hệ thống để đảm bảo thức ăn của các đơn đã nhận được chuẩn bị sẵn sàng", cô Thu kể.
Vài năm trở lại đây, các nền tảng dịch vụ giao nhận thức ăn ra đời trên sự tiến bộ công nghệ càng trở nên phổ biến, trở thành "cánh tay phải" của các đơn vị kinh doanh F&B, nhất là hàng quán nhỏ lẻ. Quán cơm gà 142, theo đó là một trong những trường hợp "làm giàu" nhờ áp dụng thành quả công nghệ 4.0.
Trước đây, hàng quán muốn bán đắt thường phải tìm được một vị trí tọa lạc đắc địa với chi phí thuê mua đắt đỏ, đấy là còn chưa kể đến các khoản tiền thuê nhân công để vận hành quán. Điều này với người dân buôn gánh bán bưng, hay những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ với nguồn vốn ít ỏi thì không khác gì "hái sao trên trời".
Tuy nhiên, kể từ khi các ứng dụng giao nhận thức ăn trở nên phổ biến, bài toán đau đầu về chi phí vận hành đã được giải quyết triệt để. Hàng quán có thể tiếp cận lượng lớn người dùng sẵn có trên nền tảng ứng dụng giao thức ăn. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển và giao hàng cũng được tích hợp mà không phải tuyển chọn.
Không chỉ những chuỗi nhà hàng nổi tiếng, cảnh tượng các quán ăn gia đình bị "phục kích" bởi các shipper ngày càng trở nên phổ biến
Chị Thanh Tuyền - chủ hàng bánh tráng Cô Tuyền (Quận 3, TP. HCM) ăn nên làm ra chỉ với một kệ gỗ nhỏ trước cửa nhà, một kho chứa bánh tráng, đồ ăn vặt chuẩn bị sẵn và ba nhân viên thay ca. Doanh thu của cửa hàng kể từ ngày "lên app" đã tăng đáng kể, thậm chí là có phần nhỉnh hơn cả những cửa hàng, quán ăn được đầu tư bài bản về mặt bằng, nhân viên.
Thêm vào đó, sự phổ biến của các ứng dụng gọi món còn giúp hàng quán tập trung phát triển món ăn và tối ưu hóa vận hành. Người kinh doanh theo đó chỉ cần phát triển công thức món ăn ngon, và một chút nhạy bén để bắt nhịp xu hướng đã có thể mở mô hình kinh doanh online.
Quán bún nem nướng Hoàng Cẩm tại quận Phú Nhuận, TP. HCM là một ví dụ cho mô hình kinh doanh ăn uống kiểu mới này. Anh Cẩm - chủ quán bún online cho biết: "Không tốn quá nhiều thời gian, công sức, đặc biệt không cần đầu tư nhiều vào công đoạn vận hành nhờ tính chuyên môn hóa trên ứng dụng đặt hàng, nên việc buôn bán của tôi trở nên đỡ đau đầu hơn hẳn. Bán đắt, tôi đang lên kế hoạch mở thêm chi nhánh mới, cũng bán online như thế này để phục vụ được nhiều khách hơn".
Không những thế, sắp tới anh Cẩm chia sẻ còn định lấn sân kinh doanh thêm cơm tấm sườn, tận dụng nguồn nhân lực gia đình: ba nướng thịt, bà con họ hàng đảm nhiệm khâu đóng hộp - vừa tạo việc làm, vừa tăng nguồn thu.
Nhìn chung, không ai có thể phủ nhận tiềm năng làm giàu từ việc kinh doanh ăn uống, và cũng không ai có thể ngăn cản các hàng quán trong việc chớp lấy thời cơ chín mùi này, "rủ" nhau đổ bộ cuộc chơi doanh thu. Thế nhưng bên cạnh việc tập trung phát triển những thế mạnh về ẩm thực, hàng quán thời nay nên biết tận dụng những lợi ích "hời" từ các dịch vụ công nghệ, cũng như định hình được mô hình và chiến thuật kinh doanh đúng đắn để thành công và tạo sự khác biệt cho riêng mình.