“Thư viện Harvard luôn sáng đèn ngay cả khi đã 4 giờ sáng. Nhiều khi sinh viên học đông đến nỗi rất khó để mình kiếm được một chỗ ngồi trong thư viện. Thời điểm thi cuối kì, thư viện thường xuyên hết chỗ và vài người phải kiếm những vị trí ngoài hành lang, gần thư viện để học bài và ôn thi”, Lê Ngọc Nam Phương (20 tuổi) mở đầu câu chuyện với chúng tôi về cuộc sống học Thạc sĩ ở Đại học Harvard.
Từ lâu, Đại học Harvard vẫn luôn được xem là “thánh đường” của hàng triệu học sinh Việt Nam khi chất lượng giáo dục nằm ở top đầu thế giới. Trên mạng xã hội, người ta còn truyền tai nhau câu nói “phải đến Harvard để học kinh tế” như bảo chứng chất lượng giảng dạy ngành Kinh tế tại ngôi trường danh giá này.
Còn với Nam Phương, cô bạn đã chạm đến ước mơ đỗ chương trình Thạc sĩ ngành Kinh tế - Tài chính của Đại học Harvard khi mới 19 tuổi.
Nam Phương - cô du học sinh Việt chạm tay vào giấc mơ Harvard khi mới 19 tuổi
Giấc mơ Mỹ của Nam Phương cũng có khởi đầu giống như nhiều du học sinh Việt khác. Cô bạn từng chật vật trong những ngày tháng đầu đặt chân đến đất khách quê người. Dù thành thạo tiếng Anh, nữ sinh vẫn bị sốc trước khối lượng học, phải ghi âm toàn bộ bài giảng của thầy cô về nghe lại.
Thế mới thấy, giấc mơ chạm đến một trường ĐH top đầu của Mỹ như Harvard chưa bao giờ là dễ dàng. Và nhìn lại hành trình đã đi qua, Phương cũng có nhiều thứ để “flex” về bản thân lắm!
Lê Ngọc Nam Phương
Cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong
Hoàn thành chương trình lớp 11 và 12 ở trường cấp 3 là Seattle Central College
Tốt nghiệp cử nhân và đạt huy chương Vàng Medallion, GPA 4.0 tại Đại học Central Washington University
Học Thạc sĩ ở Đại học Harvard
Nam Phương từng là học sinh của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Học hết lớp 10 tại đây, bố mẹ quyết định cho Nam Phương đi du học một trường cấp 3 ở Mỹ để học tiếp năm lớp 11 và 12.
Học tập ở môi trường mới với cách giáo dục hoàn toàn khác, song Nam Phương vẫn giữ được thành tích học tập của mình. Nữ sinh luôn đạt mức điểm xuất sắc ở trường cấp 3 mới là Seattle Central College, thậm chí chỉ mất một năm để hoàn thành chương trình học lớp 11 và 12.
Thành tích xuất sắc đã giúp nữ sinh thi đỗ vào 8 trường đại học ở Mỹ, như Đại học Central Washington (Central Washington University), Đại học Pennsylvania (University of Pennsylvania), Đại học Washington State (Washington State University)... Sau đó, cô bạn quyết định theo học ở ĐH Central Washington với mức học bổng 50% học phí.
Nam Phương từng thi đỗ 8 trường đại học ở Mỹ
“Giới hạn” là từ chưa bao giờ có trong từ điển của Nam Phương. Khi học đại học, nữ sinh cũng xuất sắc nhận bằng tốt nghiệp khi mới 19 tuổi, tức là hoàn thành chương trình cử nhân chỉ trong 1,5 năm. Hơn thế nữa, 10x cũng là chủ nhân huy chương vàng Medallion Scholar (điểm cao nhất khoa) với GPA tuyệt đối 4.0/4.0.
Nắm trong tay chuỗi thành tích xuất sắc, năm 19 tuổi - khi mới bước chân ra khỏi cổng trường đại học, Nam Phương đã đặt Harvard là đích đến tiếp theo. Và chỉ vài tháng sau, nữ sinh đã hoàn thành xuất sắc giấc mơ này.
Sau khi thành công chinh phục cánh cổng trường Harvard, nữ sinh bật mí một số tips quan trọng như sau:
- Ở thư giới thiệu, cô bạn gửi 3 lá thư cho hội đồng tuyển sinh. Nữ sinh bật mí 3 lá thư giới thiệu được gửi từ 3 người khác nhau. Điều này giúp chứng tỏ khả năng thích nghi và tương tác của Phương trong những môi trường khác nhau với hội đồng tuyển sinh “khó tính” của ĐH Harvard.
- Ở bài luận, Phương dành một phần giới thiệu về bản thân, đặc biệt là thể hiện điểm mạnh như tốt nghiệp cử nhân năm 19 tuổi với số điểm tuyệt đối.
10x cho biết thêm: “Mình cũng mô tả kinh nghiệm khi làm thực tập sinh trong 1 năm để nổi bật các kỹ năng. Tiếp đến, mình đưa ra vì sao mình chọn học ngành Kinh tế Tài chính, ngành này ứng dụng gì cho cuộc sống và cộng đồng” .
- Ở phần resume, Phương ưu tiên đặt học vấn lên trước để nổi bật bảng điểm. Bên cạnh đó, cô bạn cũng tranh thủ khoe khéo danh sách các hoạt động ngoại khóa khác.
- Cuối cùng, Phương đính kèm chứng chỉ và các kỹ năng khác như tham gia học chứng chỉ của ĐH Harvard.
Thành tích học tập xuất sắc của Nam Phương là một trong những yếu tố được đánh giá rất cao từ hội đồng tuyển sinh của Đại học Harvard
Đặt chân được vào Harvard là một chuyện, làm sao để có thể học tập và duy trì thành tích tốt ở ngôi trường danh giá này lại là một thách thức hoàn toàn khác. Với Nam Phương, việc học ở Harvard trong những ngày đầu gói gọn trong 2 chữ “vất vả”. Cô bạn chỉ ra 3 yếu tố giúp sinh viên hòa nhập môi trường toàn “học bá” này là: Sự kỷ luật cao, nghiêm túc và tự giác.
“Mình nhớ nhất những ngày ôn thi ở Harvard. Khi ấy, mình vừa đi làm về là lao vào học ngay. Dù rất mệt nhưng vì tương lai, mọi người đều cố gắng, mình không thể đứng lại được. Nhiều khi mình phải thức đến sáng để ôn bài kĩ rồi mới đi ngủ. Mình cũng áp lực lắm, nhiều khi phải nói chuyện với ba mẹ và anh trai để đỡ căng thẳng rồi mới tiếp tục học được”, Nam Phương tâm sự.
Nhớ lại những ngày đầu học tại Harvard, Phương kể phần lớn thành viên trong lớp đều trên 23 tuổi. Chỉ riêng cô bạn mới 19, do đó nữ sinh càng thêm e dè khi giao tiếp với bạn học khác. Ngoài ra, áp lực khi học cùng những người siêu giỏi, giàu kinh nghiệm cũng khiến 10x cảm thấy hồi hộp.
“Học ở Harvard áp lực hơn những nơi mình từng học. Ở đây không chỉ đòi hỏi kiến thức nhất định, mà còn cần sự hiểu biết về xã hội, cách sống và quan điểm cá nhân. Đây đều là thế mạnh của những người đã đi làm. Bởi họ có thể nêu được kiến thức sẽ hỗ trợ công việc và định hướng tương lai thế nào”, Nam Phương nói.
Những ngày đầu nhập học ở ĐH Harvard đối với Nam Phương cũng rất vất vả
Đánh đổi với những khó khăn, khi được học tại môi trường hàng đầu thế giới, Phương không chỉ nhận được kiến thức mà còn nhiều mối quan hệ chất lượng. Điều này đến từ việc cô bạn có cơ hội tiếp xúc, nói chuyện với rất nhiều “học bá” trong Harvard nói chung và cả hệ thống các trường Ivy League (nhóm các trường đại học hàng đầu ở Mỹ) nói riêng.
Một đặc quyền “trong mơ” khác là Nam Phương được tham gia sự kiện, tiếp cận những tài liệu quý giá trong kho thư viện trực tuyến mà chỉ sinh viên Harvard và khối Ivy League mới có được.
“Điều thú vị khi làm việc nhóm ở Harvard là mọi người luôn phân bổ thời gian để ai cũng có cơ hội được phát biểu ý kiến. Quan trọng, sinh viên Harvard rất có tinh thần tự giác và nghiêm túc. Bởi ai cũng nhận thức rằng mình đang trong môi trường đòi hỏi tính kỷ luật cao và đúng thời gian”, cô bạn chia sẻ thêm.
Trong suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, Nam Phương nhiều lần nhắc đến “mối quan hệ” là yếu tố rất quan trọng để chạm đến thành công trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Cô bạn nhớ mãi lời của giảng viên môn Bất động sản ở Harvard: “Khi kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản thì yếu tố networking (mạng lưới mối quan hệ) rất quan trọng. Ngoài ra, thầy luôn nhấn mạnh dùng Annual Property Operating Data (APOD) và lập cho mình một đội nhóm chuyên nghiệp trong ngành sẽ khiến cuộc đầu tư có cơ hội thành công cao”, Phương nhớ lại.
Đánh đổi với áp lực và khó khăn, Nam Phương được hưởng những đặc quyền “trong mơ” chỉ dành riêng cho sinh viên Harvard
Nói về bí quyết đạt được nhiều thành tích cao trong học tập, Phương chia sẻ: “Khi bạn không biết hay muốn biết điều gì, đừng ngại hỏi. Tuy nhiên hãy hỏi một cách khôn ngoan và chân thành, từ đó mình sẽ nhận được lời khuyên và kinh nghiệm tuyệt vời mà phải trải qua rồi mới biết được”.
Một điều thú vị về cô bạn tài năng này là dù sở hữu thành tích học tập tốt nhưng Nam Phương không hề “mọt sách”. Cô bạn dành 35 tiếng/tuần để học và làm bài tập. Ngoài ra, cô bạn cũng giải trí bằng việc dành 1-1,5 tiếng/ngày cập nhật tin tức, đọc sách. Mỗi khi stress, Phương cũng có nhiều thú vui riêng để giải tỏa như chơi thể thao, chơi piano, du lịch…
Ngoài ra, hiện Phương đang làm việc tại công ty Ion Prototyping Lab với vị trí IT - Business Ops Analyst (Chuyên viên phân tích kỹ thuật). Nói về dự định trong tương lai, cô bạn sẽ cố gắng giữ vững phong độ học tập trước khi tốt nghiệp bằng Thạc sĩ của Đại học Harvard.
Người ta thường nói, nền tảng giáo dục vững chắc từ gia đình có ảnh hưởng lớn đến tương lai của một đứa trẻ. Nam Phương chắc chắn là trường hợp điển hình cho câu nói này. Bởi nhờ phương pháp giáo dục đúng đắn từ gia đình, cả Nam Phương và anh trai đều đạt thành tích giỏi giang hơn người.
Được biết, cô bạn được sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là người Việt Nam. Bố nữ sinh từng là bác sĩ tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM, nay là cố vấn tại Bệnh viện Hạnh Phúc (Bình Dương). Còn mẹ là giám đốc. Ngay từ nhỏ, bố mẹ Nam Phương đã chú trọng và tạo điều kiện hết mức cho chuyện học hành của con cái.
Anh trai Nam Phương - Lê Quang Nhật (bên phải) tốt nghiệp xuất sắc hệ Thạc sĩ ở ĐH Harvard
Người có ảnh hưởng rất lớn đến Nam Phương là anh trai - Lê Quang Nhật (28 tuổi). Anh cũng sở hữu thành tích học đáng gờm không kém như sở hữu 3 tấm bằng Thạc sĩ của các đại học Mỹ danh giá, trong đó có tấm bằng Xuất sắc của ĐH Harvard!
Tất nhiên, thành tích ngoại khóa của Nhật cũng xịn xò đến mức kể đến sáng mai không hết như: Chủ tịch hội Du học sinh Việt Nam tại trường đại học thành phố Seattle, đại diện trường Harvard đón tiếp Tổng thống Ecuador và Tổng thống Panama… Bật mí, anh Nam Phương chính là người đã tư vấn cho em gái bí kíp nộp đơn, cũng như cách thể hiện điểm mạnh giúp nữ sinh theo đuổi con đường học Thạc sĩ ở Harvard.
Với nền tảng gia đình vững chắc, nhất định Nam Phương sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai!
Ảnh: Nhân vật cung cấp