Như chúng ta đã biết, một số loại bướm nghe bằng những cái lỗ nhỏ ở cuống cánh của chúng. Những cái lỗ này được phủ bởi 1 màng mỏng, có chức năng giống như màng nhĩ ở người. Nhưng nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Tiến sĩ Jayne Yack, một giáo sư và nhà thần kinh học tại Khoa Sinh học tại Đại học Carleton ở Ottawa, Ontario, đã phát hiện ra rằng ít nhất một số loại bướm nghe bằng chính các cấu trúc trên cánh của chúng.
Nghiên cứu được công bố vào ngày 17 tháng 10 năm 2018, trên tạp chí Biology Letters. Họ nhận thấy họ bướm giáp (hơn 2.500 loài bướm khác nhau với các loài phổ biến như bướm vua) có những đường mạch rất lạ trên cánh, giúp chúng nghe được. Cánh bướm có các mạch chứa đầy khí giúp ổn định và giữ vững cho cánh. Đây cũng là đặc điểm phân biệt của họ bướm giáp. Yack và các cộng sự của cô đã đưa ra giả thuyết rằng các mạch phồng này có liên quan đến chức năng nghe do chúng đều dẫn đến lỗ nghe ở cuống cánh bướm.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phát âm thanh với tần số tương tự như giọng nói của người, đồng thời ghi lại hoạt động của cánh bướm bằng tia laze. Các mạch phồng của 30 con bướm giáp đều có phản ứng với âm thanh. Khi rạch một vết nhỏ trên các mạch phồng này, khả năng nghe của chúng bị cản trở. Vậy, rõ ràng cấu trúc trên cánh này có vai trò trong khả năng nghe của bướm.
Các nhà nghiên cứu không chắc chắn về cơ chế hoạt động của các thiết bị nghe đặc biệt này. Có thể chúng giúp nhóm bướm này điều tiết các âm thanh tần số thấp.
Nguồn: howstuffworks.com