Trưởng nhóm chuyên gia của Lực lượng phản ứng nhanh với Covid-19, ông Wiku Adisasmito, khẳng định dự đoán trên được đưa ra dựa trên các nghiên cứu khác nhau của giới chuyên gia và các tổ chức khoa học.
Ông Wiku Adisasmito, Trưởng nhóm chuyên gia của Lực lượng phản ứng nhanh với Covid-19 của Indonesia.
Ông Wiku cho biết: “Chúng tôi đã xem xét và kết hợp tất cả các dự đoán và chúng tôi tin rằng đỉnh điểm của đại dịch ở Indonesia sẽ bắt đầu xảy ra từ đầu tháng 5 đến khoảng đầu tháng 6/2020. Tổng các ca mắc Covid-19 trong giai đoạn cao điểm này là khoảng 95.000 trường hợp. Giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 7/2020 có thể sẽ có khoảng 106.000 ca mắc Covid-19. Sau đó sẽ từ từ giảm xuống.”
Tuy nhiên, ông Wiku cho rằng đó không phải là một con số cứng nhắc và chính phủ Indonesia đang nỗ lực để phá vỡ chuỗi lây lan virus SARS-CoV-2 để các con số dự đoán không xảy ra.
Cũng tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng khẳng định, chính phủ Indonesia thường xuyên đánh giá tính khả thi của các chính sách để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.
Tính đến ngày 15/4, Indonesia đã tiến hành xét nghiệm phản ứng chuỗi PCR cho 36.431 trường hợp trong tổng số 270 triệu dân. Nghĩa là chỉ 14% dân số Indonesia đã được xét nghiệm Covid-19. Đây là tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất khu vực Đông Nam Á.
Bộ Y tế Indonesia thừa nhận rằng, mỗi ngày Indonesia chỉ có thể xét nghiệm không quá 5.000 người bằng phương pháp xét nghiệm phản ứng chuỗi PCR. Tất cả các xét nghiệm được thực hiện ở 32 phòng thí nghiệm.
Indonesia đặt mục tiêu tăng gấp đôi số người được xét nghiệm nghiệm Covid-19, lên 10.000 người một ngày với 78 phòng thí nghiệm. Cũng theo Trưởng nhóm chuyên gia của Lực lượng phản ứng nhanh với Covid-19 của Indonesia, lần đầu tiên Ban chỉ đạo quốc gia về Covid-19 công bố con số chính thức người nghi nghiễm Covid-19. Theo đó, Indonesia hiện có 139.137 trường hợp thuộc diện phải giám sát, do có khả năng từng tiếp xúc người nhiễm Covid-19; 10.482 trường hợp đang điều trị, theo dõi do có triệu chứng nghi nhiễm song chưa được xét nghiệm. Như vậy, sẽ thêm nhiều ca dương tính được công bố trong thời gian tới.
Ngay trong Chính phủ, các quan chức cũng tỏ ra lo ngại về độ tin cậy của các con số công bố chính thức. Bộ trưởng Điều phối Biển và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết bản thân ông cũng không tự tin về con số cập nhật được công bố mỗi ngày. Dẫn chứng trường hợp nước Mỹ, Bộ trưởng Luhut cho rằng con số tử vong do liên quan đến Covid-19 ở Indonesia chưa tới 500 trường hợp trong khi dân số Indonesia hơn 270 triệu người, như vậy có khả năng số ca mắc Covid-19 tại Indonesia hiện nay có thể đã lên tới 50.000 ca trong cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Luhut, có thể do số lượng bộ xét nghiệm có hạn, hoặc do chính sách giới hạn xã hội quy mô lớn chưa hiệu quả và cần có đánh giá thêm.
Tuy nhiên, Trưởng nhóm chuyên gia của Lực lượng phản ứng nhanh với Covid-19, ông Wiku Adisasmito, khẳng định chính phủ Indonesia đang đồng nhất dữ liệu từ trung ương đến địa phương để tổng hợp con số chính xác số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại Indonesia./.