“Hãy chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng…” có lẽ là lời chia sẻ kinh nghiệm phổ biến nhất cho tất cả khách tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM. Bởi lẽ ở đây trưng bày rất nhiều chứng tích bi thương và khốc liệt nhưng cũng thật kiên cường của Việt Nam trong suốt chặng đường bảo vệ độc lập và hòa bình, có thể khiến bạn òa khóc bất cứ lúc nào.
Những ngày cả đất nước đang hòa trong không khí kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh càng nhận về nhiều nhiều sự quan tâm của mọi người. Trong thời khắc đặc biệt này, bảo tàng còn gây chú ý lớn hơn khi ra mắt chiến dịch mang tên: Vì Yêu Thương Là Chiến Thắng.
Tại đây, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh lần đầu tiên tổ chức các hoạt động như ra mắt bộ ảnh và phim ngắn Vì Yêu Thương Là Chiến Thắng - lồng ghép sáng tạo những khoảnh khắc tình yêu thương mạnh mẽ trước chiến tranh ác liệt, In dấu Hoà bình - đóng dấu cánh chim bồ câu lên tay,...
Clip Vì Yêu Thương Là Chiến Thắng
Một số hình ảnh trong bộ ảnh Vì Yêu Thương Là Chiến Thắng
Hoạt động in dấu hoà bình (Ảnh: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh)
Được biết, Vì Yêu Thương Là Chiến Thắng là sự kết hợp của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và Zám - team sáng tạo khá quen thuộc với cư dân mạng. Đây là team Gen Z làm nên cơn sốt bộ nhận diện Bảo tàng Lịch sử TP.HCM năm 2024, từng được xuất hiện trên fanpage Thông tin Chính phủ.
Liên hệ với Phạm Quang Vinh (sinh năm 2000) - 1 trong 2 thành viên sáng lập Zám, Vinh cho biết hành trình của team và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã bắt đầu từ tháng 10/2024 với mục tiêu lan tỏa khát vọng hoà bình của Việt Nam đến với các bạn trẻ trong nước và bạn bè quốc tế. Vì Yêu Thương Là Chiến Thắng là những bước đi đầu tiên của họ với bảo tàng.
Quang Vinh (phải) và Thuỳ Vy (trái) - đồng sáng lập Zám (Ảnh: Viết Thanh)
Quang Vinh chia sẻ: “Với một bảo tàng của chứng tích chiến tranh, của những hy sinh và gian khổ, của bom đạn tàn phá, làm sao để có thể lan tỏa đến mỗi vị khách tham quan niềm tin và hy vọng về hoà bình, để sau mỗi bước đi là thêm một trái tim quyết tâm sống, làm việc và cống hiến vì nền hòa bình của dân tộc và thế giới? Đó chính là thử thách lớn nhất của Zám.
Và thông điệp Vì Yêu Thương Là Chiến Thắng nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính là lời giải đầu tiên của tụi mình cho bài toán ấy. Chẳng ở đâu xa mà ngay chính tại bảo tàng, ngay giữa những hình ảnh của bom đạn tàn phá, chúng mình đã thấy một tình yêu thương tỏa sáng - tình yêu thương vượt lên chiến tranh phi nghĩa.
Cũng thật vui và biết ơn vì ban lãnh đạo của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh chính là những cô chú anh chị ủng hộ tụi mình mạnh mẽ nhất để hiện thực hoá ý tưởng này, cùng Zám lựa chọn cẩn thận từng bức hình và câu chuyện”.
Hình ảnh phía trước bảo tàng (Ảnh: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh)
Trong quá trình thực hiện chiến dịch này, khoảnh khắc ý nghĩa nhất của Quang Vinh và cả team là được tiếp cận kho tư liệu của bảo tàng. Nhiều hình ảnh về tình yêu thương vượt lên trên cả mưa bom bão đạn đã khiến họ - những người rất trẻ, những người lớn lên trong hòa bình vô cùng cảm động và càng khâm phục hơn về sức mạnh Việt Nam - sức mạnh của tình yêu thương.
“Đây cũng là điều mà bảo tàng và tụi mình mong muốn được gửi gắm đến tất cả mọi người trong những ngày thiêng liêng này của dân tộc. Hy vọng chúng ta sẽ yêu thương nhau nhiều hơn, đoàn kết, đồng lòng để cùng nhau gìn giữ nền hòa bình, độc lập mà cha ông ta đã hy sinh xương máu để bảo vệ” - Quang Vinh nói thêm.
Không dừng lại ở đó, Vì Yêu Thương Là Chiến Thắng còn nằm trong chuỗi hoạt động lan tỏa biểu tượng Hòa bình Việt Nam của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập (4/9/1975 - 4/9/2025). Các hoạt động sẽ sớm được bảo tàng công bố chính thức trong thời gian tới.
Bộ ảnh Vì Yêu Thương Là Chiến Thắng tại nhà ga tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Ảnh: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh)
Bản thân team Zám cũng có những áp lực của riêng mình khi có cơ hội làm việc với Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Theo Quang Vinh, áp lực này không chỉ đến từ những hoạt động mà team thực hiện cùng Bảo tàng Lịch sử TP.HCM mà còn vì chiến tranh và hòa bình là chủ đề không hề đơn giản để khai thác truyền thông.
Dẫu vậy team Gen Z này vẫn không ngừng nỗ lực: “Như phương châm mà Zám đặt ra từ lâu, tụi mình tiếp cận chủ đề bằng tất cả sự chân thành và khao khát tìm hiểu, cùng nhau nghiền ngẫm thật kỹ lưỡng về trường kỳ kháng chiến của đất nước, về từng hình ảnh và câu chuyện tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Tụi mình tin rằng gieo chân thành sẽ nhận được chân thành cũng như mỗi hành trình cần có thời gian để đủ chín, đủ sáng, đủ hay và lan tỏa”.
Bên trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (Ảnh: Di Anh)
Về Zám, trong năm 2024, vai trò phụ trách xây dựng thương hiệu, làm truyền thông cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và đứng đằng sau bộ nhận diện mới cho bảo tàng của team đã được nhiều cơ quan chức năng và giải thưởng vinh danh, tuyên dương.
Ngày 11/12/2024, fanpage Thông tin Chính phủ đã đăng tải bộ nhận diện của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và dành lời động viên cho team Zám: “Hoan nghênh các bạn trẻ đã đồng hành xây dựng thương hiệu và làm truyền thông cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM”.
Ngày 24/12/2024, Zám được UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tuyên dương là 1 trong 40 điển hình Những Tấm Gương Thầm Lặng Mà Cao Cả của TP.HCM năm 2024.
Ngày 12/1/2025, Zám được vinh danh là 1 trong 10 đề cử Z-Team - Nhóm Gen Z Tài Năng tại hạng mục Gen Z Area ở WeChoice Awards 2024. “Những khoảnh khắc này Zám xin nhớ mãi. 45.057 lượt bình chọn Zám xin mãi khắc ghi. Để không ngừng nỗ lực hơn nữa lan toả 4000 năm rực rỡ thêm gần bạn” - là chia sẻ từ team Zám sau khi được nhận kỷ niệm chương WeChoice Awards 2024.
Chia sẻ từ Zám sau khi được vinh danh tại WeChoice Awards 2024 (Ảnh chụp màn hình)
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Địa chỉ: 28 đường Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Giá vé: 40.000 đồng/lượt.
Miễn phí vé tham quan đối với trẻ dưới 6 tuổi, người khuyết tật, các gia đình hộ nghèo.
Giảm 50% giá vé Bảo tàng Chứng tích chiến tranh áp dụng với các đối tượng: Trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, những người có công với cách mạng, người miền núi, vùng sâu vùng xa…
Giờ mở cửa: Thời gian hoạt động từ 7 giờ 30 phút đến 18 giờ 00 tối. Mở cửa tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày Lễ, Tết.