Phim remake gần như đã trở thành một món ăn quen thuộc của khán giả Việt trong những năm trở lại đây. Một vài cái tên ấn tượng không thể bỏ qua chính là Em Là Bà Nội Của Anh, Bạn Gái Tôi Là Sếp, Sắc Đẹp Ngàn Cân, Yêu Đi Đừng Sợ... Với bước đệm khá chắc chắn từ 2017, ở năm 2018, dòng phim remake tiếp tục ghi điểm từ đầu năm, dù càng về sau càng thiếu tác phẩm ấn tượng, ta vẫn có thể khẳng định remake phim tiếp tục là một xu hướng nổi cộm ở điện ảnh Việt trong năm nay.
Em Là Bà Nội Của Anh - Cú nổ lớn cho dòng phim điện ảnh remake
Tháng Năm Rực Rỡ của Dũng "khùng": Một tác phẩm remake vượt qua cả bản gốc
Ra rạp trong sự đón đợi của tất cả khán giả, Tháng Năm Rực Rỡ đã thực sự đưa chúng ta về với một thời thanh xuân tươi đẹp. Lấy nội dung từ một bộ phim ăn khách của xứ kim chi, Tháng Năm Rực Rỡ đã từng khiến khán giả rất lo lắng vì mọi diễn biến của cuộc đời các nhân vật có gắn chặt với bối cảnh lịch sử của Hàn Quốc. Và tất cả những nỗi lo ấy đã được ekip bộ phim Tháng Năm Rực Rỡ hoá giải một cách mượt mà.
Trailer Tháng Năm Rực Rỡ
Khi chuyển bối cảnh thành Đà Lạt vào khoảng năm 1974- 1975, bộ phim đã thể hiện rất rõ sự nghiêm túc khi nghiên cứu và thực hiện của biên kịch cũng như đạo diễn. Mặt khác, âm nhạc trong bộ phim cũng đòi hỏi cao vì nó chính là một trong những yếu tố quan trọng để dẫn dắt cảm xúc của khán giả. Điều này dường như lại chính là sở trường của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nên "bữa tiệc âm nhạc" trong bộ phim đã được đầu tư rất công phu. Chẳng thế mà biết bao khán giả cùng lứa được bộ phim lựa chọn đã "Ồ" lên đầy thích thú khi được đưa về những năm tháng xưa cũ với Kim ơi (Y Vũ), Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy, Ngọc Chánh), Ru ta ngậm ngùi (Trịnh Công Sơn)… Và cũng không thiếu những ca khúc mới Yêu hay Nụ Hôn Đánh Rơi được viết dành riêng cho bộ phim.
Hoàng Yến Chibi trong cảnh quay one-shot trên nền ca khúc Yêu
Điểm đáng khen nhất của Tháng Năm Rực Rỡ, ấy là lựa chọn được dàn diễn viên rất cân đối. Với bộ phim với dàn diễn viên chính lên đến cả chục người, việc hoà hợp được hình ảnh là điều không dễ dàng. Hết phim, người ta vẫn nhớ rõ được Phương "nhà quê", Dung "đại ca", Tuyết Anh, Lan Chi "mập", Linh "chửi thề"… với những nét cá tính riêng biệt, không ai lẫn với ai.
Kết lại, sẽ là không quá lời nếu đánh giá Tháng Năm Rực Rỡ chính là bộ phim remake tốt nhất từ trước đến nay của điện ảnh Việt.
Có thể không xem Ông Ngoại Tuổi 30 nhưng chắc chắn nhạc phim thì ai cũng biết
Nếu để tìm một bộ phim điện ảnh giải trí, thì Ông Ngoại Tuổi 30 chắc chắn là lựa chọn phù hợp cho những ai "lười đọc sub". Hiệu ứng của khán giả về phim càng mạnh mẽ hơn vì ngay trước đó, Tháng Năm Rực Rỡ đã thành công rất vang dội. Đồng thời ekip Ông Ngoại Tuổi 30 cũng nhanh chóng tung ra MV Tâm sự tuổi 30 do ca sĩ Trịnh Thăng Bình thể hiện trước khi phim ra rạp. Nhưng khi công chiếu, Ông Ngoại Tuổi 30 lại không khiến khán giả thích thú lắm vì bê gần như nguyên xi những nội dung đã có cách đó từ 10 năm vào làm lại. Động thái này được đánh giá là cú chuyển mình của bộ phim trong tâm thức khán giả.
Dàn diễn viên phim Ông Ngoại Tuổi 30
Ông Ngoại Tuổi 30 không những "copy" lại bản gốc, mà còn thiếu những chi tiết "đinh" của bộ phim. Đó chính là cái nhếch mép đầy lém lỉnh của cậu bé Phương Đông. Nụ cười này ở bản gốc có chút khinh bỉ ra mặt nhiều hơn, và dường như đã trở thành thương hiệu của Hwang Ki Dong. Thiếu sót này cảnh đắt giá này chính là điều đáng tiếc cho bộ phim.
Dĩ nhiên, không phủ nhận bộ phim đã có những cải tiến trong những chi tiết gây cười, hay việc Trịnh Thăng Bình đã nỗ lực hết mình vì vai diễn. Thế nhưng điều này chỉ khiến bộ phim chỉ thêm tròn trịa chứ không đẩy nó lên tầm nổi bật được.
Trịnh Thăng Bình
Yêu Em Bất Chấp – Bản "lỗi" của Sassy Girl
Hoà vào xu thế nhà nhà remake, người người remake, Yêu Em Bất Chấp quy tụ được những cái tên đáng chú ý như Trang Trần, Hoài Lâm, Mỹ Uyên, Hữu Châu… cũng bước chân vào "cuộc chiến" nhưng không may lại ngã ngựa khá sớm.
Yêu Em Bất Chấp đã rất sáng tạo trong quá trình Việt hoá lại Sassy Girl. Sự sáng tạo này được thể hiện rất rõ qua việc… lược bỏ những chi tiết "tinh hoa" của bản gốc, các nhân vật được điều chỉnh đến "biến dạng" khiến khán giả khó chấp nhận. Cá tính của các nhân vật được đẩy lên cùng cực, điều này vô tình làm cho Diệu Hiền (Ngọc Thanh Tâm) và Khôi (Hoài Lâm) trở nên kì cục và vô duyên. Mối quan hệ nơi có một người ăn không nên đọi, nói không nên lời, nhu nhược (là Khôi) còn một người lúc nào cũng mang bộ mặt như muốn ăn tươi nuốt sống đối phương (là Hiền) khiến khán giả phát ngán suốt quãng thời gian của bộ phim.
"Yêu Em Bất Chấp"
Nhân vật chính lu mờ trong Tìm Vợ Cho Bà
Tìm Vợ Cho Bà là bộ phim remake từ nguyên tác Bride For Rent của Philippines. Đây là bộ phim khá khác lạ giữa xu hướng lấy kịch bản từ Hàn Quốc ở thời điểm đó.
Poster phim "Tìm Vợ Cho Bà" khá đơn giản
Tìm Vợ Cho Bà chính là một thái cực hoàn toàn khác so với Yêu Em Bất Chấp bởi lối xây dựng nhân vật vô cùng mờ nhạt. S.T trong vai Long thay đổi nhanh như chong chóng làm khán giả hoang mang vì không biết đâu mới là tính cách thực của anh chàng. Lúc đầu thì lông bông, ăn chơi trác táng, sau đó lại trở thành một soái ca màn ảnh đích thực. Sở dĩ Long vướng vào tình cảnh trớ trêu này ấy là bởi bộ phim đã lược bỏ quá nhiều những phân cảnh thể hiện diễn biến tâm lý của anh chàng.
S.T
Còn với Jang Mi, có lẽ màn chào sân điện ảnh của cô không để lại nhiều ấn tượng. Nhưng may mắn là ở cương vị một diễn viên tay ngang, cô đã không khiến bộ phim tệ đi như một vài diễn viên tay ngang khác đã làm. Tuy nhiên, gương mặt đơ cứng và diễn nhiều khi hơi quá trong các clip cover được cô bưng nguyên sang phim điện ảnh lại là điều không nên.
Thánh nữ bolero Jang Mi
Cả Hoàng Yến Chibi và Quang Đăng có vẻ chưa sẵn sàng lập gia đình để bày được "Kế Hoạch Đổi Chồng"
Đến cuối năm, Hoàng Yến Chibi đã lột xác, vứt bỏ hình ảnh cô bé Hiểu Phương "nhà quê" để trở thành một bà vợ lắm mồm, khó tính của Quang Đăng. Sau thành công của Tháng Năm Rực Rỡ, khán giả đã dành rất nhiều kì vọng cho Yến. Tuy nhiên nếu so với những gì cô nàng thể hiện ở bộ phim trước, thì lần này Hoàng Yến đã nhận vai hơi quá sức. Đúng với cái tên Chibi, Hoàng Yến rất khó để hoá thân thành một người phụ nữ có gia đình bởi giọng nói và gương mặt quá trẻ con của mình.
Bước hụt của Hoàng Yến cộng hưởng với "trùm đơ" Quang Đăng đã khiến khán giả không thể chấm nhiều điểm cho Kế Hoạch Đổi Chồng. Dù đã có tiến bộ rất nhiều so với Trùm Cỏ, nhưng Quang Đăng vẫn "cố thủ" với biểu cảm lạnh lùng đến nhạt nhẽo của mình. Đôi khi cần hạ mình van xin thì lại hơi quá đà. Chính vì điều này nên thêm một lần nữa, Quang Đăng không thể khiến khán giả ấn tượng.
Tạm kết
Nhìn chung, phim điện ảnh remake của 2018 đã khắc phục được những yếu tố khó nhằn mà những năm trước để lại. Nội dung phim remake cũng được Việt hoá một cách hợp lý với văn hoá nước nhà hơn. Diễn xuất cũng hoàn toàn thoát được cái bóng của những nhân vật gốc. Thế nhưng cũng không thiếu những "cú ngã" mà các nhà làm phim cần lưu tâm.
Trong tổng số những bộ phim điện ảnh Việt Nam 2018, có đến một phần ba là các bộ phim remake, chưa kể các bộ phim truyền hình cũng "theo đuôi" với trào lưu này. Trong số những bộ phim ấy lại chẳng được một nửa đặc biệt. Thiết nghĩ, sang năm 2019, các nhà làm phim cần cân nhắc kĩ càng trước khi muốn Việt hoá một kịch bản nào đó của nước ngoài, vì chắc chắn khán giả sẽ cần chất hơn là lượng.
WeChoice Awards - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Mặt trời ẩn trong tim.
Đó là những người có xuất phát điểm như bất kỳ ai, đến từ bất cứ nơi nào trong xã hội nhưng họ mang trong mình trái tim như mặt trời, âm thầm lan tỏa hơi ấm của mình, truyền cảm hứng và lòng tin giúp chúng ta mỉm cười giữa những mịt mù cuộc sống.
Hãy cùng Ban tổ chức tôn vinh những câu chuyện và nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoice Awards 2018 qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.
Hãy truy cập wechoice.vn và gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2018.