Pháp đã có những vận động viên rất xuất sắc nhưng với vai trò của một quốc gia đăng cai, họ cũng đã đặt nặng công tác tổ chức không kém công tác chuyên môn.
Đã có những lời phàn nàn như nước sông Seine bị ô nhiễm khi thi đấu nội dung ba môn phối hợp hay đồ ăn quá ít nhưng sau đó ban tổ chức đã có những chấn chỉnh để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho bạn bè quốc tế. Olympic Paris có thể không xa hoa, lộng lẫy như biệt danh của thành phố này là Kinh đô ánh sáng nhưng vẫn toát lên được giá trị về thể thao, đặc biệt là hỗ trợ được cho nhu cầu kinh tế, xã hội và môi trường của quốc gia này.
Olympic Paris được coi là kỳ Thế vận hội tiết kiệm nhất trong lịch sử khi chỉ tiêu tốn của nước chủ nhà Pháp 8,7 tỷ USD, ít hơn nhiều so với con số 28,9 tỷ USD của Nga năm 2014 hay 23,6 tỷ USD tại Brazil 2016. Điều đó có được phần lớn nhờ vào hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có ở Paris. Công trình duy nhất mà họ phải xây dựng mới để phục vụ Olympic là Trung tâm thể thao dưới nước tại thành phố Saint Denis, nhưng chỉ tốn 200 triệu USD. Trong khi, các nhà thi đấu, trung tâm thể thao, sân vận động được trưng dụng đều đang hoạt động hiệu quả.
Bất chấp nhiều tranh cãi, nước Pháp vẫn được đánh giá cao trong công tác tổ chức Olympic Paris (Ảnh: Getty Images)
Về mặt xã hội, Olympic Paris giúp phát triển kỹ năng cho 30.000 tình nguyện viên - những người sau đó được tuyển chọn vào các cơ quan trên khắp đất nước, giải quyết nhu cầu việc làm. Về kinh tế, Thế vận hội cũng dự kiến sẽ tạo ra từ 7 - 11 tỷ USD từ các hoạt động ăn ở, lưu trú và du lịch của người hâm mộ, mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế địa phương. Có thể nói, Olympic Paris 2024 không chỉ đặt ra tiêu chuẩn mới cho Thế vận hội của riêng mình mà còn nâng cao tiêu chuẩn cho các sự kiện Thể thao lớn trong tương lai.
Khác với lễ khai mạc trên sông Seine, lần này lễ bế mạc, với thời lượng 2 giờ 30 phút được tổ chức tại sân vận động Stade de France. Sân đấu này được chuyển đổi thành một phòng hòa nhạc khổng lồ với hơn 100 người biểu diễn, nghệ sĩ nhào lộn, vũ công và nghệ sĩ xiếc. Ngoài ra, nam tài tử Tom Cruise cũng góp mặt trong một pha đu dây táo bạo từ đỉnh sân vận động Stade de France xuống, mở ra biển hiệu chào đón Olympic Los Angeles 2028. Ngoài ra, nhiều ngôi sao ở các lĩnh vực khác cũng sẽ xuất hiện và ngay từ bây giờ, nước Pháp cũng đã có những động thái để đảm bảo sự kiện diễn ra một cách trọn vẹn, suôn sẻ nhất.
Suốt 2 tuần qua, nước chủ nhà Pháp đã duy trì mỗi ngày 30.000 cảnh sát và hiến binh tại các địa điểm thi đấu. Con số này dự kiến sẽ được tăng lên, đặc biệt sau vụ việc buổi biểu diễn của nữ ca sĩ nổi tiếng người Mỹ Taylor Swift mới đây đã bị huỷ bỏ vì nguy cơ khủng bố.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérard Darmanin nhấn mạnh sẽ đặc biệt tăng cường an ninh cho lễ bế mạc Olympic tại sân vận động Stade de France nằm ở ngoại ô thủ đô Paris.
Dự kiến, sẽ có thêm 20.000 cảnh sát tại Paris và các vùng lân cận, trong đó sẽ cắt cử riêng 2.000 nhân viên an ninh có nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho sân khấu chính và hỗ trợ khán giả trở về nhà bằng phương tiện giao thông công cộng. Trước đó, trong ngày thi đấu cuối cùng, Pháp cũng huy động thêm khoảng 10.000 cảnh sát để đảm bảo an toàn cho nội dung mang tính biểu tượng của Thế vận hội Olympic là cuộc thi marathon đường dài 42km.