Dịch tả lợn "nhốt" người chăn nuôi trong những chiếc cũi trống không: "Nhìn ra khu chuồng giăng mạng nhện, phủ vôi trắng là tôi lại khóc"

Bá Cường, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 22/03/2019

"Tôi cưới, bố tôi cho đôi lợn làm vốn, rồi các con cưới, tôi lại đôi lợn làm vốn. Giờ thì lợn chết hết rồi, chúng nó đi làm mướn rồi, cứ nhìn ra khu chuồng giăng mạng nhện phủ vôi trắng là tôi lại khóc", tâm sự xót xa của người đàn ông 60 tuổi với 40 năm làm nghề nuôi lợn ở Hưng Yên.

Thủ phủ nuôi lợn không một tiếng lợn kêu

Một buổi chiều tháng 3, cả vùng huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) bao trùm bởi một màu bàng bạc, màu của vôi khử trùng hòa với nước, và có cả nước mắt của người nuôi lợn. 

Thứ màu thảm thương đó xuất hiện khắp nơi, từ đường lớn, vào đến đường làng, trên hàng rào gạch, trong những chuồng trại, và trong ánh mắt của những người đã, đang và sắp mất đàn lợn của mình.

Dịch tả lợn nhốt người chăn nuôi trong những chiếc cũi trống không: Nhìn ra khu chuồng giăng mạng nhện, phủ vôi trắng là tôi lại khóc - Ảnh 1.

Chốt kiểm dịch đầu làng.

Hưng Yên là thủ phủ nuôi lợn của miền Bắc, trong đó huyện Yên Mỹ là thủ phủ nuôi lợn của Hưng Yên. Những năm gần đây, tình hình chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn trở nên vô cùng khó khăn và may rủi.

Năm 2016, giá lợn hơi có lúc xuống thấp kỷ lục còn hơn 20.000đ/1kg, lợn giống xuống còn hơn 200.000/1 con, liên tiếp sau đó là các đợt dịch lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh, dịch tụ huyết trùng khiến người chăn nuôi điên đảo. Thế nhưng các đợt dịch trước còn có thể vớt vát được phần nào.

Những khu chuồng xa khu dân cư nay không còn lợn, chủ nhân chuyển sang nuôi gà hoặc cũng không còn lui tới.

Cho đến năm nay, khi giá lợn vừa cao trở lại thì dịch tả lợn châu Phi xuất hiện. Với tỷ lệ chết 100%, đợt dịch đã xóa sổ toàn bộ đàn lợn những vùng nó càn qua, để lại những chuồng trại trống không phủ đầy vôi trắng. Theo thống kê, tính đến ngày 14/3, toàn tỉnh Hưng Yên đã phải tiêu hủy xấp xỷ 400 tấn lợn, huyện Yên Mỹ chiếm một tỷ lệ đáng kể vì đây là vùng phát dịch đầu tiên.

Xã Yên Hòa, trọng điểm dịch của huyện Yên Mỹ. Bất kể con đường nào dẫn vào khu dân cư hay khu chăn nuôi đều có dựng những chốt kiểm dịch tạm thời. Những cựu chiến binh, công an xã làm nhiệm vụ kiểm tra để lợn bên ngoài không đi vào và lợn bên trong không đi ra khỏi khu vực.

Vào làng chăn nuôi lợn nhưng không nghe được tiếng lợn kêu nào, đàn lợn của làng đã gần như bị xóa sổ hoàn toàn sau gần 2 tháng đợt dịch tràn vào tàn phá. Tuy nhiên cũng không khó để nhận ra một khu chuồng trại đã từng chăn nuôi lợn, hoặc nó nằm cách biệt khu dân cư, hoặc được rải vôi trắng xóa từ ngoài vào trong.

Dịch tả lợn nhốt người chăn nuôi trong những chiếc cũi trống không: Nhìn ra khu chuồng giăng mạng nhện, phủ vôi trắng là tôi lại khóc - Ảnh 3.

Nơi tiêu hủy lợn.

"Cứ nhìn ra khu chuồng giăng mạng nhện phủ vôi trắng là tôi lại khóc"

Tìm đến nhà ông Bộ (60 tuổi), một trong những nhà nuôi lợn nhiều nhất thôn với gần 100 con lợn nái sề và 6 con lợn đực. Nay những dãy chuồng sâu hút đã trở thành trống không, toàn bộ đàn lợn đã bị mang đi tiêu hủy.

Vừa rót chén trà mời khách, ông Bộ vừa nói: "Tôi cưới, bố tôi cho đôi lợn làm vốn, rồi chúng nó cưới, tôi lại cho mỗi đứa một đôi lợn làm vốn. Giờ thì lợn chết hết rồi, chúng nó đi làm mướn rồi, cứ nhìn ra khu chuồng giăng mạng nhện phủ vôi trắng là tôi lại khóc.

Tôi nuôi lợn từ năm 1982, tính đến nay đã gần 40 năm, chúng nó cũng đã nuôi lợn mười mấy năm rồi. Ba bố con tôi có tổng gần trăm con lợn nái sề với 6 con lợn đực giống, mà nay đã phải tiêu hủy hết.

Những ánh mắt đượm buồn vướng lại trong dãy cũi.

Cả tháng nay rồi mà có nguôi ngoai đâu, bao nhiêu tiền của đều dốc vào lợn, lời lãi thì lại mua thêm lợn. Thằng Tình (con trai đầu ông Bộ) còn vay mấy trăm triệu để đầu tư, giờ thì mất trắng. Cả tháng nay nó suy sụp, gầy rạc đi, không làm được gì cả, tôi cũng gầy mất mất cân thịt, râu ria ra hết.

Sáng nay vợ nó than rồi đến chết đói mất thôi, tôi bảo nó phải dậy, nay mai cũng phải đi làm mướn mà đóng lãi ngân hàng. Thằng Nghĩa (con thứ 2) thì đi làm mướn người ta bên phố Nối rồi, 3 đứa cháu giờ để vợ chồng già nhà tôi ở nhà chăm sóc", vừa nói, người đàn ông trong dáng vẻ tiều tụy vừa không khỏi đưa ánh mắt đượm buồn nhìn về xa xăm.

Cơ ngơi bỗng chốc tiêu tán.

Để bắt đầu nuôi lợn, người nuôi cần xây chuồng trại và mua thiết bị, tốn kém đến vài trăm triệu đồng. Nếu muốn nuôi lợn nái sề thì lại phải làm thêm cũi đẻ, mỗi cái cũng ngót nghét chục triệu bạc.

Mỗi con lợn nái sề từ lúc mua về cho đến khi đẻ lứa đầu tiên là khoảng 8 tháng, tổng chi phí hết khoảng 15 triệu đồng. Khi lợn đã đẻ thì thu lãi khoảng 20 triệu đồng mỗi năm.

Mỗi con lợn đực giống thì có giá khoảng 37 triệu đồng, dùng để thụ tinh cho lợn sề. Lợn con nặng 7kg thì có giá khoảng 1,5 triệu đồng. Ông Bộ cho biết, đợt dịch này nhà ông thiệt hại phải đến 2 tỷ đồng, cũng mất luôn kế sinh nhai, mất sạch vốn liếng.

Dịch tả lợn nhốt người chăn nuôi trong những chiếc cũi trống không: Nhìn ra khu chuồng giăng mạng nhện, phủ vôi trắng là tôi lại khóc - Ảnh 6.

Trong chuồng bây giờ nếu không ai vào thì chỉ có nhện sinh sống, không biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao.

Trò chuyện với anh Tình về dự định tương lai, anh cho biết gia đình đang định sẽ dỡ dãy cũi đẻ để làm trại nuôi gà, bây giờ để thế thì tốn diện tích, rồi nó cũng hoen gỉ, lợn thì có thể khó gây đàn lại được khi liên tiếp dịch. Những thông tin bất lợi như việc thịt nhiễm sán cũng sẽ khiến lợn có thể xuống giá, người nuôi lại càng khó khăn hơn.

Thế nhưng giờ để dỡ dãy cũi hàng trăm triệu đi để làm dãy chuồng gà mới thì lại là một vấn đề rất lớn, rất lãng phí và tốn kém, mà cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Bộ không đồng ý ý kiến của con trai, ông muốn tạm thời hãy cứ để yên chờ xem sao, cứ đi làm mướn một thời gian để duy trì cuộc sống gia đình đã.

Buổi trò chuyện diễn ra chầm chậm và buồn, sau khi tiễn khách ra khỏi cổng, ông Bộ ngửa đầu thở dài "giờ biết làm gì mà ăn, khéo đến chết đói mất thôi".