Lời tòa soạn: Sarah Clayton-Lea, nhà đồng sáng lập - giám đốc nội dung toàn cầu của Big 7 Travel, mới đây đã có chia sẻ về những trải nghiệm của cá nhân cô tại thành phố Hồ Chí Minh khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam. Trong đó, cô đã nói rằng mình thấy yên tâm hơn khi ở Việt Nam so với ở Mỹ hay châu Âu trong thời điểm hiện tại và giải thích chi tiết về nhận định này.
Chúng tôi xin gửi tới quý độc giả nội dung lược dịch của bài viết được Sarah đăng tải trên trang Big 7 Travel.
Sarah Clayton-Lea, nhà đồng sáng lập - giám đốc nội dung toàn cầu của Big 7 Travel
Đầu tiên, là một "expat" (người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam), trải nghiệm của tôi ở đây có sự khác biệt rất lớn so với những người bản địa nói chung. Tôi may mắn có thu nhập khá tốt để vừa được tận hưởng chất lượng cao ở Việt Nam, vừa có thể tận hưởng những tiện nghi của phương Tây khi tôi muốn.
Điều đó có liên quan như thế nào đến sự bùng phát của dịch COVID-19 ở Việt Nam? Câu trả lời là, khi chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt trong việc cung cấp hỗ trợ về y tế và thực phẩm cho bất cứ ai cần, thì tôi hoàn toàn có thể yên tâm rằng mình có thể lựa chọn chữa trị ở các bệnh viện tư, hay đặt thức ăn và những mặt hàng cần thiết khác đến tận nhà mình.
Vậy, cuộc sống tại thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi ra sao sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam?
Thông thường, hầu hết những người dân ở đây đều sử dụng khẩu trang khi lái xe trên đường. Với dòng xe cộ đông đúc và khói bụi như vậy, thì không đeo khẩu trang mới là điên. (Tôi rất xấu hổ khi phải thú nhận rằng phần lớn thời gian tôi chính là "người điên" ấy). Giờ đây, mọi người đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi. Trong siêu thị, trong tiệm cà phê, trong các cửa hàng McDonalds...
Trong khi nước rửa tay khô luôn sẵn hàng trong các nhà thuốc và cửa hàng, thì khẩu trang hơi khó mua hơn một chút. Cửa hàng gần nhà tôi thường xuyên cháy hàng khẩu trang, và tuần trước, khi họ có hàng, thì mỗi người chỉ được mua giới hạn một gói.
Bất cứ ai sở hữu sim điện thoại của Việt Nam đều sẽ nhận được các thông tin và khuyến cáo của chính phủ về virus corona và tình hình dịch bệnh hằng ngày. Từ bản dịch của Google Translate, tôi có thể hiểu sơ qua một số đoạn tin nhắn như các biểu hiện bệnh lý thường gặp, cách liên hệ với cơ quan y tế địa phương, hay cách giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Mặc dù vậy, đôi khi Google Translate cũng không hữu dụng cho lắm:
Sarah phải dùng Google Translate để hiểu được ý nghĩa của các đoạn tin nhắn của Bộ Y tế.
Tôi đã đọc được một số thông tin về chuyện người dân đổ xô đến các siêu thị và cửa hàng để mua đồ tích trữ sau khi Hà Nội xác nhận một cụm nhiễm COVID-19, nhưng tình hình ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn khá bình thường.
Sáng nay tôi vừa đi siêu thị để mua một số thực phẩm thiết yếu như mì và cá ngừ đóng hộp, và các kệ hàng đều được xếp đầy đồ. Nhu cầu mua mì ăn liền của người dân được ghi nhận tăng 67% do dịch COVID-19, nhưng bạn sẽ chẳng nhìn thấy chỗ trống trên kệ hàng đâu.
Khác với Australia, Mỹ hay các nước châu Âu, ở đây [thành phố Hồ Chí Minh] không hề có cảnh giành giật đến cuộn giấy vệ sinh cuối cùng. Một trong những nguyên nhân có thể là vì mọi người đều hiểu rằng họ có thể tin tưởng vào chuỗi cung ứng nội địa.
Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã ban bố lệnh cấm tụ tập đám đông trên 1.000 người, do đó một số sự kiện đã bị hủy. Các nhà hàng yên ắng hơn, và có thông tin chính quyền thành phố dự định đóng cửa toàn bộ các quán bar, vũ trường nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan [ND: bài viết được đăng tải ngày 13/3, trước khi quyết định này chính thức được ban hành].
Một số tiệm cà phê, nhà hàng trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận (một trong những nơi náo nhiệt, đông đúc nhất), đã quyết định đóng cửa. Thay vì đi ăn hàng, đi cà phê như ngày thường, ngày càng có nhiều người lựa chọn gọi đồ ăn về nhà [trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát].
Không chỉ những du khách từng đến các quốc gia bị dịch bệnh ảnh hưởng hoặc từng tiếp xúc với một ca nhiễm COVID-19 phải cách ly, mà một vài "expat" cũng đang tự cách ly. Hiện tại, các trường học đang tạm thời đóng cửa, nên một số giáo viên nước ngoài cũng dạy học trực tuyến tại nhà.
Tôi thường đến một không gian làm việc chung ở Thảo Điền, nhưng cả tuần này tôi đều ở nhà, và bộ sofa ở tầng dưới của tôi đã tạm thời được biến thành bàn làm việc. Một số người bạn "expat" của tôi cũng làm điều tương tự - với suy nghĩ chung là "thà cẩn thận còn hơn hối tiếc".
Thay vì trò chuyện với các bạn bè "expat" của mình, tôi dành thời gian quan sát các bé gái đạp những chiếc xe ba bánh màu hồng rực rỡ trong ngõ nhỏ, những người cao tuổi thì ngồi trên bậc cửa, lặng lẽ nhìn cuộc sống êm đềm trôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy bớt cảm giác cô đơn vì tự cách ly, và giống như hòa nhập cộng đồng hơn.
Tôi đã tự cách ly đến ngày thứ 3 rồi [ND: vào thời điểm tác giả đăng tải bài viết này].
Nhìn chung, ở Việt Nam, tôi có cảm giác yên tâm dù dịch COVID-19 bùng phát. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã khen ngợi các biện pháp phòng dịch toàn diện của Việt Nam. Thật vậy, Việt Nam hiện có thể sản xuất được 10.000 bộ kit thử nghiệm COVID-19 mỗi ngày sau khi thử nghiệm thành công và được sự chấp thuận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Dù tôi sẽ không thể rời Việt Nam trong thời gian tới [ND: nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ban bố lệnh hạn chế di chuyển, hạn chế nhập cảnh để kiểm soát dịch bệnh], nhưng tôi không hề thấy phiền vì điều đó. Bởi [giả sử nếu tôi nhiễm bệnh, thì] việc bị bệnh tại một quốc gia có hệ thống chăm sóc xã hội hiệu quả và tinh thần cộng đồng cao [như Việt Nam] cũng không tệ đến vậy.
Tôi hy vọng mình sẽ không bị nhiễm virus corona, và trong lúc đó, tôi sẽ tiếp tục đặt gà rán qua Grab và cách ly xã hội. Thành phố [Hồ Chí Minh] vẫn sẽ ở đây khi mọi chuyện kết thúc, và Việt Nam sẽ sớm phục hồi.