Vừa qua trên màn ảnh rộng, thêm một bộ phim Việt công chiếu và nhận được sự quan tâm lớn từ đông đảo khán giả. Đó là bộ phim "Người vợ cuối cùng" của đạo diễn Victor Vũ, với nội dung hấp dẫn cùng dàn diễn viên của nhiều tên tuổi gạo cội như NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, diễn viên Đinh Ngọc Diệp, diễn viên Kaity Nguyễn...
Bên cạnh đó, yếu tố cảnh quay hay các bối cảnh thiên nhiên trong phim cũng nhận được nhiều lời khen. Đặc biệt là phần đại cảnh mở đầu phim, cảnh sông nước hữu tình hòa vào nhau. Nhiều khán giả sau khi xem xong phim đã tò mò rằng, đây là đâu. Và không phải ở địa điểm nào quá xa xôi, nơi này là hổ Ba Bể, nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 200km.
Cảnh hồ Ba Bể xuất hiện trong phim điện ảnh "Người vợ cuối cùng" (Ảnh chụp màn hình)
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Tỉnh Bắc Kạn, hồ Ba Bể cách thành phố Bắc Kạn 70km về phía Tây Bắc, nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Hồ là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Năm 1995, nơi đây còn được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần bảo vệ.
Theo nhiều tài liệu ghi chép, hồ Ba Bể được hình thành cách đây khoảng 200 triệu năm về trước, do một biến động địa chất lớn, làm sụt lún các dãy núi đá vội tạo thành. Chính bởi vậy ngày nay, cảnh vật xung quanh hồ được bao bọc bởi nhiều dãy núi đá vôi xen lẫn sa thạch cổ và các cách rừng nguyên sinh, tạo nên cảnh quan vô cùng ngoạn mục, đặc biệt là khi nhìn từ trên cao.
Khung cảnh hồ Ba Bể nhìn từ trên cao (Ảnh Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam)
Chiều dài của hồ Ba Bể vào khoảng 80km, nơi rộng nhất 20km, diện tích mặt nước khoảng 500ha và có độ sâu trung bình là 20m, có những nơi sâu nhất đến 35m. Trên mặt hồ có một số đảo nhỏ như Đảo Bà Góa, đảo An Mạ. Đây cũng chính là địa điểm được đoàn làm phim "Người vợ cuối cùng" xây dựng bối cảnh làng Cua Ngộp - một làng quê nghèo Bắc Bộ thời bấy giờ.
Nước hồ Ba Bể trong xanh, quanh năm thời tiết mát mẻ. Không chỉ có núi rừng bao quanh hồ, đan xen trong màu xanh ấy còn là những mái nhà sàn của người Tày. Chính bởi những yếu tố này đã giúp nơi đây được mệnh danh là "viên ngọc bích" của núi rừng, trở thành một trong những địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách, những du khách mong muốn được hòa mình vào không gian thiên nhiên sinh thái trong lành.
Trải nghiệm đặc trưng nhất tại hồ Ba Bể là ngồi thuyền máy hoặc thuyền gỗ, đi dạo quanh hồ với mức giá 200.000 - 350.000 đồng, vé tham quan hồ 70.000 đồng/người lớn; 40.000 đồng/trẻ em. Nhiều du khách nhận xét, toàn cảnh hồ Ba Bể như một bức tranh thủy mặc, in đậm bóng núi rừng và mây trời. Mặt hồ như một chiếc gương khổng lồ, thi thoảng uốn lượn bởi những cơn sóng nhẹ. "Có một hồ Ba Bể đẹp như tranh", du khách Diệu Nhi (Bắc Kạn) chia sẻ những hình ảnh về hồ Ba Bể trong chuyến đi hồi năm ngoái của mình.
Ngồi thuyền dạo quanh hồ Ba Bể là trải nghiệm đặc trưng nhất (Ảnh Diệu Nhi, Du lịch hồ Ba Bể)
Xuyên suốt hành trình, du khách còn có cơ hội lắng nghe những người bản địa kể về những câu chuyện văn hóa, lịch sử quanh hồ Ba Bể, ghé thăm các đảo, các hang động hay dòng suối ngầm. Sau khi kết thúc chuyến thuyền thăm quan, du khách có thể lên bờ, thưởng thức các món đặc sản ngon của vùng như cá nướng Pác Ngòi, lợn sữa quay, măng cuốn thịt, rau bồ khai, măng vầu...
Thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm hồ Ba Bể là vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Nhưng vào những dịp cuối năm, du khách đến đây cũng có cơ hội được tham gia vào nhiều lễ hội đặc sắc của người bản địa.
Ảnh Du lịch hồ Ba Bể
Như đã nói ở trên, có địa điểm không quá xa so với thủ đô Hà Nội, du khách có thể tới du lịch tại hồ Ba Bể ngay trong ngày. Hoặc nếu muốn kết hợp với nhiều địa điểm lân cận, khoảng thời gian có thể kéo dài từ 2-3 ngày, chi phí từ 2-3 triệu đồng/người, tùy vào phương tiện di chuyển của du khách là xe máy hay ô tô, xe khách, lựa chọn địa điểm lưu trú thế nào, các hoạt động ăn uống, vui chơi ra sao.