Ngày kỷ niệm 50 năm đất nước hoà bình thống nhất đang gần kề, cả nước cùng tưng bừng trong không khí khấp khởi. Nhưng vui tươi là thế, sau 50 năm, chưa một lần nào dân tộc có thể quên dải đất chữ S đã oằn mình ra sao trước bom đạn của kẻ thù, đã nhuộm đỏ từng tấc đất bằng máu của cha ông để giành lấy độc lập quý giá.
Trước khi khúc ca "Nối vòng tay lớn" vang lên từ Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 là 21 năm trường kỳ kháng chiến, là miền Bắc tăng gia sản xuất vì miền Nam ruột thịt, là những chiến dịch, những cuộc càn quét và đàn áp hòng tách biệt nhân dân miền Nam với cách mạng. Là khối lượng bom rải xuống đất nước nhỏ bé từ Bắc chí Nam nhiều gấp đôi cuộc thế chiến. Trước khi bức tranh bầu trời hoà bình xanh thẳm được hoàn thành đầy huy hoàng là vệt màu xám chết chóc của từng tấc đất bị đốt trụi bởi khói lửa và màu máu đỏ của chiến sĩ và của nhân dân Việt Nam. "Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối" tái hiện một trong những nét bút bi thương ấy, về vùng đất Củ Chi "thành đồng đất thép" đã kiên cường bảo vệ Sài Gòn 21 năm.
Chuyện phim diễn ra vào năm 1967, khoảng thời gian địa đạo Củ Chi hứng chịu những trận càn khét tiếng của quân đội Mỹ hòng đánh sập bức tường thành của cách mạng, của chiến tranh nhân dân. Phim theo chân đội trưởng Bảy Theo và đội chiến sĩ du kích 21 người tiếp nhận nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ kho thuốc của bệnh viện dã chiến. Nhưng chỉ Bảy Theo biết được, thực ra thứ họ bảo vệ là nhóm thông tin tình báo chiến lược do Hai Thưng chỉ huy đến địa đạo để ẩn náu và khai thác tin mật của kẻ địch. Các phương tiện vô tuyến của nhóm tình báo bị Mỹ phát hiện và định vị, dẫn đến các trận càn lớn và dày đặc. Áp lực đè nặng lên nhóm chiến sĩ du kích trẻ.
"Địa đạo là chiến tranh nhân dân", Chú Sáu (NSƯT Cao Minh) đã khẳng định. Mà thông qua đó chúng ta cũng được dễ dàng hiểu được các chiến sĩ nơi đây không phải là bộ đội được đào tạo bài bản mà xuất thân từ nhân dân Củ Chi, kiên quyết bám trụ bảo vệ đất mẹ, trong lòng đất mẹ. "Nhân dân luôn có cách", chính vì vậy mà công trình quân sự độc nhất vô nhị mang tên "địa đạo Củ Chi" đã ra đời. Đối phó với xe tăng, máy bay và bom đạn hiện đại bậc nhất là hầm đất được đào bằng sức người, bằng những thứ dụng cụ thô sơ nhất. Đối phó với những toán quân tinh nhuệ và thiện chiến là những chiến sĩ du kích âm thầm tập luyện dưới lòng đất, là những chiếc bẫy chông đơn giản mà hiệu quả.
Nếu ngày nay địa đạo Củ Chi đã trở thành một điểm đến du lịch để thế hệ trẻ và du khách nước ngoài hiểu được một phần nhỏ vì sao Việt Nam đã chiến thắng một trong những đội quân quân sự mạnh nhất thế giới, thì "Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối" trực tiếp kéo thẳng người xem vào cuộc sống của người dân và chiến sĩ Củ Chi trong địa đạo năm xưa. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kiên định với sự tái hiện chân thật đã không sử dụng ánh sáng hiện đại mà chỉ quay phim dựa vào ánh sáng đèn dầu và đèn pin. Ê-kíp làm phim đã phục dựng những đoạn địa đạo như thật để tạo thành phim trường quay phim. Vì vậy, khi thấy Bảy Theo hay Ba Hương trán tươm mồ hôi, khán giả không nghĩ họ đang ngồi trong rạp chiếu phim có điều hoà mát lạnh. Khi Út Khờ, Hai Thưng hay Cấm luồn lách qua các đường địa đạo chật hẹp, người xem vô tình nín thở theo họ. Và khi màn hình rung chuyển, địa đạo rào rào đất đá dưới những làn bom đạn, người Việt Nam xem phim bất chợt nhắm mắt vì không thể nhìn cảnh đồng bào mình hy sinh.
Năm 1967 nằm trong giai đoạn khốc liệt nhất của đất nước, ngay trước cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 và vẫn còn 8 năm nữa mới đến chiến thắng lịch sử. Lại nói, chúng ta của ngày hôm nay đã biết 8 năm sau là khúc ca chiến thắng và đoàn viên, nhưng những chiến sĩ trong phim, trong thời đại ấy dĩ nhiên không biết. Họ không biết cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu, họ chỉ biết cái chết có thể ở ngay cạnh bên. Họ không biết mình sẽ phải sống dưới địa đạo này thêm bao lâu nữa, họ chỉ biết ngay cả khi giặc Mỹ bơm nước và khí độc vào địa đạo để lùa họ ra, họ thà nằm lại trong vòng tay đất mẹ. Nhịp phim chậm rãi với những lát cắt cuộc sống hàng ngày rất đặc trưng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khiến khán giả đôi lúc cảm thấy nóng ruột không biết bao giờ mới đến hồi kết, thật ra lại ăn khớp với tâm tình của những chiến sĩ du kích năm xưa. Họ không biết bao giờ mới chiến thắng, nhưng lý tưởng về một Tổ Quốc độc lập tự do khiến họ không bao giờ muốn buông tay súng. Khán giả nhớ lại những cột mốc lịch sử để phần nào đoán trước kết phim, nhưng lòng xót xa và biết ơn khiến chúng ta ngồi nguyên trong hai giờ đồng hồ, trân trối đối diện với một quá khứ bi thương mà hào hùng của dân tộc. Để khắc ghi và để kể lại với nhiều thế hệ sau nữa. Như câu nói của cựu chiến binh Quách Minh Sơn đã ghim sâu vào lòng thế hệ trẻ: "Tự do, hoà bình không phải dễ. Có được bây giờ, nhất định phải giữ."
Từng khung hình, từng nhân vật trong "Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối" đều tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt trong lòng đất – nơi bóng tối không thể dập tắt ý chí kiên cường, nơi những con người bình dị sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do. Bộ phim không kể về chiến thắng vẻ vang ngày 30/4/1975, nhưng lại làm nổi bật con đường dẫn đến chiến thắng ấy – con đường được xây bằng máu, mồ hôi và lòng yêu nước cháy bỏng của bao thế hệ. Hoà bình rất đẹp, nhưng hoà bình chưa bao giờ được vẽ nên từ những mảng màu dễ chịu một cách dễ dàng.
Phim điện ảnh "Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối" đang khởi chiếu tại rạp